11 September 2016

Kinh nghiệm đi bụi Nhật


Nhật Bản là nơi tớ muốn đến nhất trong tất cả các nước, nên mặc dù đã đi bụi nhiều nước nhưng đến 2013 mới đặt chân được đến Nhật vì khó xin visa, và thật sự là nó tuyệt vời hơn tất cả những gì mình mong đợi. Đi một lần lại sẽ muốn đi lần nữa. Vì tình yêu với đất nước này nên tớ rất muốn chia sẻ kinh nghiệm đi tự túc Nhật Bản với các bạn nào quan tâm.

Có 3 cái myth (ai cũng nghĩ là nó như thế nhưng thực sự nó ko phải như thế) về du lịch Nhật:
Xin visa tự túc đi Nhật cực khó, gần như là không thể: đúng cho thời gian trước tháng 7/2013. Vì sao sẽ nói trong Phần 1
Du lịch Nhật siêu đắt đỏ: nếu biết cách thì tớ thấy giá chỉ hơn Sing khoảng 20%, và rẻ hơn châu Âu. Đặc biệt Nhật còn là 1 trong ít nước có nhiều chương trình ưu đãi đặc biệt cho người nước ngoài (chứ không như VN mình có giá đặc biệt cao cho du khách quốc tế L)
Đi lại ở Nhật rất khó khăn vì bảng hiệu toàn tiếng Nhật và người dân ko nói tiếng Anh: các thành phố lớn và các địa điểm du lịch hầu hết đều có bảng song ngữ. Tàu điện ngầm và xe buýt cũng thế. Tớ không biết tí tiếng Nhật nào nhưng cũng đi được 4 chuyến rồi.

PHẦN 1: XIN VISA DU LỊCH NHẬT TỰ TÚC

Nào, tớ ghét đi tour, nên đã đi đâu là phải xin visa để tự đi. Trước đây đã nhiều lần tìm hiểu thủ tục xin visa Nhật nhưng bó tay vì điểm mấu chốt là họ đòi phải có người mời. Tớ và cũng như nhiều bạn khác chẳng quen ai ở Nhật thì làm sao nhờ được ai mời.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2013 thì Nhật có chính sách mới: cấp visa lưu trú ngắn hạn nhiều lần cho công dân VN. Lúc đó tớ làm theo diện này thì không cần thư mời. Đến 2016 thì lại còn đơn giản hơn nữa. Ở đây tớ chỉ tập trung vào diện đi du lịch tự túc thôi nhé:
Thông tin chính thức trên trang web của Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM:

Hộ chiếu
Đơn xin visa
Hình dán đơn (4x6cm, nền trắng)
Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi:
・Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền
・Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng
・Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động v.v.
Lịch trình lưu trú (Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, nơi liên lạc) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (Đặt chỗ khách sạn v.v.)

Lưu ý:
Trường hợp thiếu hồ sơ sẽ không được nhận hồ sơ xin visa
Thời gian xin visa từ 8:30 giờ đến 11:30 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu
Hồ sơ khi được nhận sẽ được cấp biên nhận hồ sơ.
Việc xét hồ sơ thông thường mất 5 ngày làm việc.
Tùy theo mục đích nhập cảnh và từng trường hợp có thể được yêu cầu bổ sung hồ sơ
Trường hợp cần thiết Bộ Ngoại Giao Nhật Bản phải điều tra hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản phỏng vấn đương sự xin visa thì thời gian xét visa sẽ lâu hơn 5 ngày làm việc. Đề nghị xin visa sớm để kịp thời gian
Ngoài trường hợp nhân đạo, các trường hợp xin cấp nhanh visa sẽ không được xét. Trường hợp khẩn cấp đề nghị liên lạc sớm
Đối với các hồ sơ cần trả lại bản gốc, vui lòng nộp kèm một bản copy.

Đi vào chi tiết từng thứ nhé:
Giấy chứng nhận thu nhập của cơ quan có thẩm quyền:
Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi:
Đơn xin cấp visa(có dán ảnh): xem file mẫu Don xin visa đã điền đính kèm, điền bằng tiếng Anh, nhớ dán hình 4×6 và ký tên nha.
Hộ chiếu: Nộp bản gốc
Ra ngân hàng mình nhận lương xin sao kê tài khoản nhận lương trong 3 tháng gần nhất, có chữ ký và đóng dấu của ngân hàng. Nộp bản gốc. Chú ý là xin bản song ngữ Anh-Việt nhé.
Ai nhận lương bằng tiền mặt thì xin công ty cho 1 bản chứng nhận tiền lương và payslip (phiếu lương) của 3 tháng gần nhất. Bản gốc.
Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng:
Sổ tiết kiệm (bản photo)
Xác nhận số dư của ngân hàng (xin ngân hàng cấp bản song ngữ, có ký tên đóng dấu của ngân hàng). Nộp bản gốc.
Tip: Về nguyên tắc bạn phải có khoảng 100 triệu trở lên mới đủ khả năng chi trả chuyến đi Nhật. Trường hợp bạn không có, hic hic, thì tớ biết có 2 ngân hàng làm dịch vụ chứng minh tài chính là Eximbank và ACB. Nôm na cách họ làm là thế này: bạn làm hồ sơ vay ngân hàng 100 triệu trong 1 tháng (đủ để xin visa rồi), lãi suất khoảng 10%/năm. Xong bạn cho ngân hàng vay lại khoản đó, lãi suất như tiết kiệm là 4%/năm. Rồi họ sẽ cấp cho bạn 1 cái Giấy xác nhận số dư chứng minh bạn có số tiền 100 triệu. Như vậy bạn không cần phải có 100 triệu thực, mà bạn chỉ phải trả phần lãi suất chênh lệch 10%-4%=6%/năm= 0.5%/tháng. Tính ra bạn chỉ phải trả vài trăm ngàn là có cái giấy xác nhận số dư cầm đi nộp xin visa
Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động v.v.:
Hợp đồng lao động: bản photo, hợp đồng lao động phải có thời gian, chức vụ, mức lương
Giấy xác nhận việc làm của công ty hiện tại (xem file mẫu Xac nhan cong viec): nên làm bằng tiếng Anh, in trên giấy letterhead của công ty, nhờ sếp công ty đóng dấu xác nhận. Nộp bản gốc.
Lịch trình lưu trú (Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, nơi liên lạc) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (Đặt chỗ khách sạn v.v.):
Booking vé máy bay: đặt giữ chỗ trên trang Vietnamairlines.com theo lịch trình bạn muốn đi rồi in tờ đó ra (VNA có chức năng trả sau nên chỉ cần làm vậy để có tờ booking vé in ra, ko cần trả tiền)
Booking khách sạn: tớ chuyên dùng trang booking.com để đặt giữ chỗ không phải trả tiền, trên booking phải hiện ra tên người xin visa. In cái đó ra,
Lịch trình (itinerary): xem file mẫu Chi tiet hanh trinh. Hành trình phải cực kỳ khớp với booking khách sạn và các điểm du lịch nhé.

Lưu ý quan trọng:
Các giấy tờ không phải nộp luôn bản gốc thì nộp bản photo và mang theo bản gốc để họ đối chiếu. Nếu muốn chắc thì nộp bản photo có sao y ngoài phường luôn.
Nhật không đòi phải đi dịch thuật ra tiếng Anh và công chứng tư pháp.
Nên nộp hồ sơ xin visa trước khi đi khoảng 2 tháng vì có sớm thì mình sẽ mua vé sớm, dễ có vé rẻ hơn.
Thông thường họ sẽ cấp Visa du lịch single entry (nhập cảnh 1 lần) có thời hạn 3 tháng và bạn không được ở Nhật quá 15 ngày. Có nghĩa là bạn phải nhập cảnh vào Nhật trước ngày visa hết hạn. Ví dụ visa của bạn có hạn từ 21/6/2016 đến 20/9/2016 thì bạn có thể đến sân bay Nhật ngày 20/9 và ở đến 4/10/2016.
Nếu bạn đã đi Nhật ít nhất 2 lần trong 3 năm gần nhất thì lần thứ 3 có thể xin visa multiple entry (nhập cảnh nhiều lần). Tớ xin được loại này và có thời hạn trong 3 năm (trong 3 năm đó muốn đi Nhật lúc nào thì chỉ cần mua vé máy bay thôi). Nghe nói bây giờ sẽ được cấp đến 5 năm lận, hí hí.
Nếu bạn có lịch sử đi du lịch nhiều và đã đến các nước phát triển thì khả năng được cấp visa sẽ rất cao.
Nếu ở HCM thì nộp hồ sơ ở Lãnh sự quán Nhật ( 261 Điện Biên Phủ, Quận 3) vào các buổi sáng trong tuần, trước 11h30. Sau khi nộp họ sẽ cho 1 cái giấy hẹn.
Thời gian xét hồ sơ là 5 ngày làm việc. Nếu có trục trặc họ sẽ gọi điện thông báo kêu nộp bổ sung. Nếu đến ngày hẹn mà ko báo gì thì coi như là được cấp. Chú ý là chỉ được lấy visa vào buổi chiều thôi.
Nếu không được cấp thì họ sẽ gọi bạn lên nhận passport về. Còn các giấy tờ khác sẽ không được trả lại.
Lệ phí visa: khoảng 650 ngàn/visa single. Được cái là nếu có visa mới phải đóng tiền, còn ko có visa thì khỏi mất đồng nào. Bạn Nhật là nhân đạo nhất, mình yêu bạn nhất (^ ^)
Có khả năng các bạn ở miền Bắc khi xin ở Đại sứ quán Nhật ở Hà Nội sẽ khó hơn. Tớ có người bạn đến nộp hồ sơ thì họ lại đòi phải có thư mời, trong khi thông tin trên web thì lại không bắt buộc có giấy này.

PHẦN 2: MUA VÉ RẺ VÀ CHI PHÍ
VÉ MÁY BAY

Tớ sẽ chia sẻ kinh nghiệm săn vé rẻ của tớ ở đây.

Đối với các chuyến bay trong nước hoặc các nước lân cận thì tớ check baynhe.vn thường xuyên

Đối với các chuyến bay xa hơn thì tớ hay dùng 2 trang này:
Skyscanner.com: điểm đặc biệt là nó có thể scan mức vé rẻ nhất trong 1 giai đoạn luôn (giai đoạn này có thể là 1 tháng hoặc cả năm). Cách làm: Lúc bạn chọn ngày đi/về thì chọn Nguyên tháng hoặc Tháng rẻ nhất để tìm giá tốt nhất, lúc đó Skyscanner sẽ cho ra bảng giá cả tháng hoặc biểu đồ giá để bạn chọn (Nhưng thông tin này chỉ đúng vào thời điểm đó thôi nha, như bạn đã biết, giá vé máy bay lên xuống như chứng khoán). Điểm yếu duy nhất của Skyscanner là không scan được multi-city (hay còn gọi là multiple destinations), nghĩa là điểm đến và điểm về không cùng nhau. Tớ hay đi dạng này. Đối với các hãng hàng không giá rẻ thì mua tách thành 2 vé một chiều giá cũng bằng khứ hồi, nhưng với các hãng hàng không quốc gia thì giá 2 vé một chiều có khi mắc bằng 2 vé khứ hồi luôn.
Kayak.com: để có thể tìm được multi-city (điểm đi và điểm về khác nhau/nhiều chặng khác nhau trong cùng 1 vé, thông thường bao giờ cũng rẻ hơn mua 2 cái vé one-way). Nhưng điểm yếu của nó lại là không tìm được theo giai đoạn mà phải định ngày cụ thể.
Cho nên để tìm được multi-city giá tốt thì tớ kết hợp cả 2 trang này. Ví dụ chuyến bay sắp tới của tớ là Saigon-Nagoya và Sapporo-Saigon. Đầu tiên tớ tìm vé khứ hồi Saigon-Nagoya-Saigon ở skyscanner.com thì thấy ngày đi rẻ nhất trong tháng 5-6-7 là 20/5 với giá 354 USD. Sau đó tớ qua Kayak.com tìm SGN-NGO ngày 20/5 và CTS-SGN ngày 1/6 thì cũng ra giá $354. Vậy là tớ tiết kiệm được chuyến từ Sapporo xuống Nagoya mà giá vẫn như vậy.

Vé khứ hồi rẻ nhất từ Saigon đến Osaka/Tokyo mà tớ từng thấy là của Cebu Pacific, khoảng 4.5 triệu, giờ bay không đẹp (vì từ Saigon qua Manila phải bay 2h sáng, chờ lâu ở sân bay mới có chuyến nối tiếp đi Nhật) nhưng tổng thời gian bay chỉ khoảng 6 tiếng (nếu bay thẳng non-stop sẽ khoảng hơn 5 tiếng).

Cuối 2015 vừa rồi tớ có người bạn mua được vé AirAsia chiều đi SGN-TOKYO và chiều về OSAKA-SGN vào dịp tháng 11/2016 với tổng giá 5.7 triệu, giờ bay đẹp hơn (nối chuyến ngắn) nhưng tổng thời gian bay hơi dài vì phải bay ngược xuống Kuala Lumpur rồi bay ngược lên lại Nhật. Các bạn cũng biết là đối với AirAsia thì cần phải mua trước từ 6 tháng đến 1 năm thì mới có giá tốt nhất được.

Tớ để ý thấy hàng năm vào khoảng sau Tết (đầu tháng 3), Vietnam Airlines hay có khuyến mãi đi Nhật với giá khoảng 9.5 triệu khứ hồi, bay thẳng non-stop. Tháng 3/2014 tớ chụp được vé SGN-Nagoya với giá này nhưng phải đi 2 người mới được khuyến mãi. Thực ra đây là giá tốt nhất cho bay thẳng và hàng không quốc gia.

Còn 1 lựa chọn hàng không quốc gia nữa là China Eastern hoặc China Southern. China Eastern cũng hay có vé khứ hồi giá khoảng 8 triệu, transit ở Thượng Hải khoảng 3-4 tiếng ban đêm. Mua trước khoảng 3-4 tháng là được giá này.

Nghe đồn là Vietjet với đội bay A320 mới của mình sẽ nhắm đến các điểm đến trong vòng 5 giờ bay. Nhật cũng nằm trong bán kính này. Seoul vừa rồi là 1 ví dụ rất đáng mừng. Với việc Nhật Bản nới rộng visa cho người VN và nhu cầu du lịch Nhật đang lên cao như thế này thì tớ nghĩ việc mở đường bay Nhật của Vietjet sẽ sắp xảy ra thôi.

Tháng 7/2016 thì có thêm đường bay của Vanilla Air transit ở Taipei, giá rẻ nhất cho chặng Saigon-Tokyo-Saigon là khoảng 5.5 triệu. Tớ chưa đi hãng này bao giờ nên ko biết chất lượng, nhưng nếu đã là hãng của Nhật thì khỏi phải lăn tăn. Nếu bạn nào muốn đi Tokyo thì giờ bay rất đẹp, dừng ở Taipei có hơn 1 tiếng; còn đi Osaka hay các thành phố khác thì giờ hơi bị xấu. Hiện tại tớ thấy option này đang là ngon, bổ, rẻ nhất.

Theo kinh nghiệm hơn 10 năm đi bụi của tớ thì thời điểm giá vé rẻ nhất là bay tháng 3-4 hàng năm (các hãng sẽ hay bắt đầu có chương trình giảm giá vào giữa tháng 2), kế tiếp là tháng 10-11 (tháng 9 bắt đầu bán vé rẻ). Tuy nhiên, có 2 trường hợp đặc biệt đối với Nhật: dịp hoa anh đào nở (tuần cuối tháng 3 và tuần đầu tháng 4) và dịp Golden week (thường rơi vào 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 là dịp được nghỉ dài ngày nên cả nước Nhật đi du lịch) là 2 thời điểm hot nên hầu như sẽ không có promotion và hotel thì mắc.

Baynhe.vn cập nhật các chương trình vé rẻ thường xuyên nên bạn chỉ cần chú ý theo dõi thì sẽ săn được vé rẻ thôi.


CHI PHÍ

Tớ sẽ share thực tế chi phí của một chuyến đi Nhật của tớ để các bạn có khái niệm phải để dành khoảng bao nhiêu tiền nhé. Cách tớ đi là budget travel có nghĩa là ở hostel chứ ko phải ở khách sạn, đi lại bằng phương tiện công cộng chứ ko đi taxi, ko ăn nhà hàng sang trọng, không tính shopping nhé.

Tháng 11/2013, tớ đi Saigon-Osaka-Kobe-Kyoto-Saigon trong 12 ngày: tổng chi phí khoảng 28 triệu. Trừ vé máy bay khoảng 8.5 triệu thì tính ra trung bình mỗi ngày 1.5 triệu.

ĂN UỐNG

Ăn uống ở Nhật, theo tớ thấy, thực ra là rẻ nếu so với các nước phát triển khác như Úc, Âu, Mỹ.

Bạn có thể trải nghiệm 1 bữa ăn trưa lunch set (bento) ở 1 nhà hàng Nhật (giống mấy nhà hàng Nhật ở Saigon chứ không phải quầy trong food court nhé) với giá khoảng 1000 yên (200k VND). Buổi tối sẽ mắc hơn buổi trưa khoảng 50%-100%.


Muốn rẻ hơn thì bạn có thể ăn đồ ăn nhanh trong các siêu thị tiện lợi (7-Eleven, Lawson, Family Mart): cơm nắm gói rong biển Onigiri (theo tớ ngon nhất là loại nhân cá ngừ mayonnaise, giá khoảng 120 yên/cái). Nên trải nghiệm luôn loại truyền thống hình cờ Nhật (nghĩa là giữa nắm cơm trắng chỉ có 1 cục mơ muối màu nâu hồng, giống như mặt trời đỏ trong nền trắng của lá cờ Nhật). Mì ly trong này cũng bán giá khoảng 150 yên, có sẵn bình nước sôi và lò viba để bạn ăn tại chỗ.


Trong các siêu thị tiện lợi còn có 1 loại thức ăn tớ rất thích là Oden (không bán mùa hè), là các món như trứng, đậu hũ, củ cải… nấu trong nước dùng sukiyaki nóng. Bạn sẽ chọn cái mình thích bỏ vào trong tô giấy, chan nước, rồi họ sẽ tính tiền cho các món bạn chọn. Trung bình khoảng 50-100 yên/món. Một tô ăn no cũng chỉ khoảng 400-500 yên.


Trong 7-Eleven có bán pack café sữa 3 trong 1 (nếu tớ nhớ không lầm thì gồm 7 cái ly giấy, 7 bịch café, 7 bịch cream, 7 bịch đường, 7 cái muỗng), giá khoảng 500 yên, nghĩa là mỗi buổi sáng bạn chỉ mất <20k VND cho 1 ly café, rẻ hơn ở VN nữa.

Một hình thức khác là ăn mỳ udon ở các tiệm mỳ đứng (noodle bar) thường hay có ở các ga tàu điện ngầm và các khu trung tâm. Giá cho 1 tô mì trứng như hình chỉ khoảng 300 yên, 1 tô có tempura tôm khoảng 500-600 yên. Ăn no căng bụng, ngon, rẻ, nhanh gọn.


Nhật là đất nước có số lượng vending machine (bán bán hàng tự động) nhiều nhất thế giới. Khắp mọi góc đường bạn sẽ thấy máy bán nước tự động hoặc bán các thể loại khác nên không bao giờ lo bị khát nhé. Trung bình 1 chai nước suối sẽ khoảng 100 yên. Nếu tiết kiệm nữa bạn có thể giữ lại cái chai và đổ nước vào uống tiếp (nước vòi ở Nhật uống được nhé).

Ở/NGỦ/NGHỈ:

Nói chung là giá hostel sẽ khoảng VND 600k/đêm/người/giường dorm. Đặc biệt là chất lượng hostel ở Nhật cao hơn tất cả các nước mà tớ đã đi qua.

Capsule hotel đã xuất hiện ở Nhật từ 1979, nghĩa là gần 40 tuổi rồi, giá khoảng 2500-3000 yên/đêm/người. Các bạn cũng biết là đàn ông Nhật thường làm muộn (7-8h tối mới xong việc) và sau đó hay đi uống bia/rượu với đồng nghiệp đến khuya, mà nhà thì thường xa chỗ làm (đi tàu khoảng 1 tiếng) nên capsule hotel ra đời để đáp ứng nhu cầu qua đêm của các ông. Họ sẽ chỉ cần xách cái thân vào, capsule hotel sẽ cung cấp tất tần tật dép, bàn chải đánh răng, khăn, sữa rửa mặt, lotion, nước súc miệng,… sáng hôm sau xách cái thân đi làm tiếp. Trong cái hộp capsule còn có gắn sẵn màn hình vừa làm TV vừa làm máy vi tính nữa. Do đó đa số capsule hotel chỉ là “Male only”, chỉ có một số ít là có 1 tầng dành riêng cho các chị em. Có một số capsule hotel kiểu mới, tớ sẽ share trong các phần sau.


Nếu bạn đi 2 người thì khả năng thuê 1 phòng khách sạn 2 sao có khi giá cũng chỉ bằng 2 giường dorm cộng lại. Lưu ý rằng khách sạn ở Nhật chia rất rõ phòng 1 người và 2 người nhé, không như ở VN 1 cái phòng ở 1 người hay 2 người đều như nhau. Phòng 1 người chỉ là 1 cái single bed (bề ngang <100cm), phòng rất nhỏ (<10m), giá chỉ bằng 50-70% phòng 2 người, và họ sẽ không cho ở 2 người mặc dù 1 người chịu ngủ dưới sàn (^^). Phòng 2 người thường gọi là double, nhưng chú ý là giường double cũng có nhiều loại. Loại small double thì chỉ rộng từ 120-140cm, còn loại standard double thì 140-160cm.

Mặc dù đi du lịch bụi nhưng đã đến Nhật thì các bạn cũng nên trải nghiệm ít nhất 1 đêm ở 2 hình thức nhà nghỉ đặc trưng và truyền thống của Nhật sau đây:

Ryokan (nhà nghỉ truyền thống): thường có ở các thành phố cổ như Kyoto, hoặc các thị trấn suối nước nóng (onsen). Bạn sẽ nằm nệm Nhật trải trên sàn chiếu tatami, và ăn 2-3 bữa các món ăn truyền thống luôn (bạn có thể lựa chọn có ăn hoặc không). Chuẩn bị túi tiền ít nhất là 10000 yên (100 USD) cho 1 người 1 đêm nhé. Lưu ý một lần nữa là giá 1 người/phòng khác nhiều so với 2 người/phòng nhé.


Minshuku: thường thì phòng nhỏ hơn và giá rẻ hơn ryokan, là family business, dịch vụ ít nghiêm trang hơn. Có thể xem minshuku là Japanese-style bed and breakfasts.


Bạn có thể thử Airbnb.com (dịch vụ giống như Uber dành cho chỗ ở, nghĩa là nếu nhà bạn có phòng trống thì bạn cho khách thuê lại tính tiền theo đêm).

Cách rẻ nhất là xin ở nhờ trên Couchsurfing, nếu như bạn không sợ cảm giác bất tiện và mắc nợ ai đó. Đây cũng là cách tốt để bạn làm quen với 1 người địa phương.

ĐI LẠI

Cái tớ thấy mắc nhất ở Nhật là đi lại. Nếu đi lại trong nội ô 1 thành phố thì rẻ vì thường là có cái metro pass đi unlimited, giá chỉ khoảng 500-700 yên/ngày. Tớ thì rất khuyến khích các bạn thuê xe đạp đi vòng vòng trong các thành phố, cực kỳ tiện và hay nhé.

Nhưng đi lại giữa các thành phố thì rất mắc.

Mọi người biết nhiều nhất là Japan Rail Pass, là cái pass đi lại bằng tàu trên toàn nước Nhật. Loại rẻ nhất là 7 ngày liên tục, giá 29110 yên (khoảng 6 triệu). Nếu bạn có thể affort được cái này thì Japan Rail Pass là cái giúp bạn đi lại tiện lợi nhất, nhanh nhất, nhiều nhất. Nó bao gồm luôn cả shinkansen (tàu siêu tốc, ~300km/h) giúp bạn đi từ Tokyo đến Osaka chỉ mất khoảng 2-3 tiếng.

Nếu bạn không muốn trả nhiều tiền cho Japan Rail Pass thì có thể xem xét đến Japan Bus Pass củaWillerexpess (http://willerexpress.com/st/3/en/pc/buspass/). Bus của Willerexpress cực kỳ cool nhé: ghế ngồi ngửa ra 140 độ, có dù che đầu để ngăn bớt ánh sáng, có gối, có mền, có chỗ gác chân, có chỗ cắm sạc điện thoại, có màn hình, (http://willerexpress.com/st/3/en/pc/bus/seat/index.php) … Bạn có thể chọn chuyến đi đêm để vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm 1 đêm khách sạn. Tớ vốn không thể ngủ ngồi được nhưng ngủ thẳng cẳng trên 1 chuyến bus đêm của Willer nên tớ cực kỳ khuyến khích bạn thử cách này.

No comments:

Post a Comment