15 August 2011

Du lịch Ấn Độ


Đến Ấn Độ nên đi thăm những đâu? Một câu hỏi thật khó trả lời. Ấn Độ là một tiểu lục địa. Quá nhiều nơi nên thăm thú. Quá nhiều thứ nên xem. Thăm những đâu phụ thuộc vào việc ta quan tâm đến lĩnh vực gì, ta có bao nhiêu thời gian và thành phố ta đến thuộc vùng miền nào trên cái tiểu lục địa mênh mông này?…

Đầu tiên và trên hết, cần đi thăm những nơi nổi tiếng nhất của Ấn Độ, những nơi đã thành biểu tượng cho đất nước.

Lâu đài Taj Mahal

Trong mắt người nước ngoài, Taj Mahal là tòa lâu đài biểu tượng cho đất nước Ấn Độ, cũng như tháp Eiffel là biểu tượng của nước Pháp, hoặc nhà hát Opera Sidney đối với Australia. Kiến trúc là một tòa lâu đài, nhưng thực tế lại là lăng mộ của hoàng hậu Mumtaz Mahal – bà mất khi sinh con vào năm 1631. Hoàng đế Shah Jahan cho xây lâu đài này trong 22 năm, từ 1631 đến 1653 ở thành phố Agra, cách thủ đô New Delhi khoảng 200 km. Kiến trúc sư trưởng là Isa Khan, người Iran, và một số kiến trúc sư người Châu Âu. Công trình cuốn vào đó khoảng 20.000 nhân công, chi phí 3 triệu rupee thời ấy, tương đương 60 triệu USD thời nay.

Sau khi xây dựng Taj Mahal bằng cẩm thạch trắng, Shah Jahan xây tiếp một lâu đài giống hệt như vậy, nhưng bằng cẩm thạch màu đen, dành cho chính mình. Vừa mới khởi công, ông bị con trai cướp ngôi, bắt nhốt vào Thành Đỏ, những ngày cuối đời chỉ biết ngồi nhìn sang lăng mộ Taj Mahal ở bên kia sông Yamuna.

Chuyến đi thăm Taj Mahal thường được kết hợp với việc ghé vào Mathura, nơi sinh của Krishna, về sau được coi là một hiện thân của Thần Bảo Vệ Vishnu. Thuở ban đầu, Mathura là một trung tâm Phật giáo với 20 thiền viện và khoảng 3000 nhà sư. Nhưng từ thế kỷ VIII, trung tâm này suy tàn khi đạo Hindu phục hồi ở vùng bắc Ấn.

Trong chuyến đi, du khách có thể dừng chân ở Fatehpur Sikri. Đây là kinh đô từ 1571 đến 1585 dưới thời hoàng đế Akbar, ngay sau đó bị bỏ hoang vì thiếu nguồn nước sinh hoạt. Kinh đô bỏ hoang (thành phố ma) với kiến trúc tuyệt vời xứng đáng thăm viếng cả một ngày, không chỉ là một vài tiếng đồng hồ dừng chân.

Khu đền Khajuraho

Vùng Khajuraho cách thủ đô khoảng 550 km, nổi tiếng với vô vàn pho tượng trai gái giao hoan. Quần thể 85 ngôi đền tuyệt tác ở Khajuraho, miền trung Ấn Độ, bị bỏ quên những tám thế kỷ. Mãi đến năm 1839, viên tiểu đội trưởng công binh Hoàng gia bang Bengal, thuộc chính quyền thực dân Anh, tên là T. S. Burt, mới tình cờ phát hiện ra quần thể đền đài này giữa rừng sâu.

Được những ông vua triều Chandella ở miền Trung Ấn xây dựng dần dần trong hai thế kỷ X và XI, ở Khajuraho hiện tại chỉ còn 22 đền trong tổng số 85 ngôi đền. Khắp bề mặt các ngôi đền, từ những bậc đá lên đến tận đỉnh tháp, là những bức tượng bằng đá diễn tả cảnh sinh hoạt mọi mặt của người Ấn Độ. Từ cảnh ăn chơi xa hoa của vua chúa trong hoàng cung cho đến cảnh lao động, học hành tu tập, thuần hóa thú dữ… Những hình chạm khắc trên đá miêu tả vũ nữ apsara trên thiên đình hay hình những thiếu nữ đồng trinh xuất hiện trên các đỉnh cột. Đặc biệt, xen kẽ giữa các nữ thần là tượng những cặp trai gái, hoặc từng nhóm trai gái, đang giao hoan.

Điều đó không có gì lạ khi mà trong các đền thờ của đạo Hindu, người ta đều thờ tượng dương vật của thần Shiva, biểu tượng của sự sáng tạo ra thế giới. Thời điểm hoạt động nhục dục giữa hai người yêu nhau được coi là sự hòa hợp và thống nhất hoàn toàn giữa linh hồn với sự thánh thiện. Một giáo phái Hindu thờ cúng biểu tượng hòa hợp thể xác này, coi lạc thú nhục dục và tu luyện yoga là hai con đường cùng dẫn đến sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi.

Nhưng cũng có người lại cho rằng quanh đền được trang trí bằng nhiều nhóm tượng nam nữ giao hoan để tránh cho đền bị sét đánh. Bởi lẽ Ngọc Hoàng Indra nổi tiếng phong tình, Ngọc Hoàng không bao giờ đặt lưỡi tầm sét xuống những ngôi đền như vậy.

Lại có ý kiến rằng đây là một cách làm trong sạch linh hồn cho những kẻ mộ đạo, một cách thử thách những người tới đền để cúng tế, khiến họ phải kiềm chế được bản thân và bỏ lại bên ngoài tất cả những ham muốn trần tục trước khi bước vào chính điện. Phía ngoài ngôi đền có pho tượng một người đang thuần hóa một con vật nửa sư tử nửa hổ báo, lớn hơn mình gấp bội – cảnh này được coi như cuộc chiến đấu chống lại con thú nhục dục trong chính con người.

Tứ thánh địa của Phật giáo

Thăm bốn thánh địa Phật giáo, nếu đi tàu hỏa thì cần khoảng mười ngày. Chuyến đi có thể bắt đầu từ Boddhgaya (nơi Phật giác ngộ, có cây bồ đề) đến Sarnath (nơi Phật giảng bài kinh đầu tiên), và Kushinagar (nơi Người nhập niết bàn), rồi đi tiếp qua biên giới Nepal sang Lumbini (nơi Phật ra đời).

Từ thủ đô New Delhi có thể bay đến Boddhgaya (khoảng hơn một giờ bay, 1000 km). Hoặc ta có thể bay thẳng sang Lumbini rồi thực hiện chuyến đi theo chiều ngược lại với hành trình trên.

Đền Vàng của đạo Sikh

Đền Vàng (Golden Temple) ở thành phố Amritsar, bang Punjab, cách thủ đô 428 km. Đây là ngôi đền thiêng nhất của đạo Sikh. Mái vòm dát 750 kg vàng nguyên chất, ngôi đền là sự pha trộn giữa kiến trúc Hindu giáo và kiến trúc Hồi giáo. Trong khi đền thờ Hindu hướng về phía đông, đền thờ Hồi giáo hướng về phía tây, thì Đền Vàng Hari Mandir lại hướng về khoảng giữa của hai phương này. Trong đền lưu giữ văn bản gốc của kinh thánh Guru Granth Sahib. Suốt ngày, bốn vị giáo sĩ thay nhau đọc bản kinh này qua hệ thống loa truyền thanh của khu đền.

Varanasi, thánh địa đạo Hindu

Varanasi là thành phố thiêng nhất của đạo Hindu, một trung tâm học vấn và văn minh. Gần 3000 năm tuổi, Varanasi (Benares) cũng thuộc số những thành phố cổ nhất của nhân loại. Sau lần dừng chân ở đây trong một chuyến đi diễn thuyết, nhà văn Mỹ Mark Twain nói rằng Varanasi “cổ hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, thậm chí cổ hơn cả huyền thoại, và trông như cổ gấp đôi tất cả những cái đó cộng lại”. Khúc sông Hằng chảy qua đây cũng là khúc thiêng nhất. Người theo đạo Hindu từ khắp đất nước hành hương về Varanasi, tắm nước sông Hằng để rửa sạch tội lỗi, để cầu tự hoặc gửi những điều ước lên thánh thần trên cao. Người chết được hỏa táng ở đây và rải tro cốt trên đầu nguồn để được lên thiên đường. Nên dậy sớm, đứng bên bờ sông Hằng ngắm mặt trời mọc cùng với người hành hương và nên thuê một con thuyền nhỏ đi trên khúc sông này. Trong thành phố có hàng trăm ngôi đền có giá trị lịch sử và kiến trúc.
Cách Varanasi khoảng 15 km là Sarnath (Lộc Uyển), nơi Đức Phật đến giảng bài kinh đầu tiên cho năm tín đồ đầu tiên của Phật giáo. Varanasi cách thủ đô New Delhi khoảng 750 km.


Ajanta và Ellora, khu đền chùa trong hang động

Hai khu này cách Mumbai khoảng 450 km. Ajanta là một hệ thống 30 thiền viện Phật giáo trong hang động, nổi tiếng với những bức tranh tường lớn và tác phẩm điêu khắc trong hang đá. Hệ thống thiền viện trong hang này được hình thành từ năm 200 trước CN cho đến năm 650 CN. Có rất nhiều cách lý giải khác nhau về việc các nhà sư thời ấy sử dụng ánh sáng từ đâu để vẽ và để tạo tác tượng trong hang đá.

Hệ thống đền chùa ở Ellora hình thành muộn hơn, trên một vùng kéo dài 2 km, với 34 đền chùa: 12 chùa hang Phật giáo (khoảng năm 600 đến 800 CN), 17 ngôi đền Hindu giáo (năm 600 đến 900), 5 ngôi đền đạo Jain (năm 800 đến 1000). Kiến trúc đền chùa trong hang đá và nghệ thuật điêu khắc ở đây thực sự đã đạt đến đỉnh cao.

Cũng có thể ta chỉ có một vài ngày, ở thủ đô New Delhi. Vậy thì một chuyến thăm thú thủ đô cũng có nhiều điểm hấp dẫn.

Vùng Cựu Delhi (Old Delhi)

Thành Đỏ do hoàng đế Shah Jahan xây dựng từ 1638 đến 1648. Thành dài 2 km, tường thành ở phía bên sông Yamuna cao 18 mét còn phía trong thành phố cao 33 mét. Vào thăm thành, kiến trúc đặc trưng Hồi giáo hòa trộn với Ấn giáo, ta cần ít nhất hai giờ đồng hồ hoặc nửa ngày.

Chandni Chowk: khu chợ mênh mông trong phố cổ, ngay phía trước mặt Thành Đỏ. Bạt ngàn hàng quán, phong phú về mặt hàng, ở đây người ta có thể tìm được hầu như tất cả những mặt hàng mình cần.

Đền thờ Hồi giáo Jama Masjid: ngôi đền Hồi giáo lớn nhất ở Ấn Độ, do vị hoàng đế yêu thích kiến trúc và xây dựng Shah Jahan cho xây từ năm 1644 đến 1658. Đền cao 40 mét. Sân trước có thể chứa 25.000 người cầu nguyện một lúc. Lưu ý: khi vào đền thờ Hồi giáo không để đầu trần (một cử chỉ bị coi là thiếu thành kính) mà phải trùm khăn hoặc đội mũ.

Vùng Tân Delhi (New Delhi)

Xuất phát từ đường Rajpath, nơi hàng năm có duyệt binh vào Ngày Cộng hòa 26-1, ta sẽ gặp Ấn Môn (India Gate). Đây là một đài tưởng niệm theo kiểu Khải Hoàn Môn, khắc tên 85.000 binh lính Ấn Độ hy sinh trong Chiến tranh Thế giới I và trong cuộc xung đột với Afghanistan năm 1919.

Đầu đường bên kia của Rajpath là Phủ Tổng thống. Hai bên đường là khu văn phòng của các bộ các ngành, cùng nhà Quốc Hội. Tất cả đều là những kiến trúc bề thế bằng sa thạch màu nâu hồng.

Thành cổ Purana Qila: cách Ân Môn khoảng 2 km. Khu thành cổ này được xây dựng từ 1538 đến 1545, hiện đã đổ nát nhiều, nhưng những bức tường thành cao rộng, những tòa nhà còn lại vẫn gây được ấn tượng hoành tráng. Đây chính là vùng Indraprastha, phần vương quốc được chia cho năm anh em Pandava trong sử thi Mahabharata.

Firoz Shah Kotla: di tích thành phố thứ năm thuộc vùng Delhi, một pháo đài do Firoz Shah xây dựng năm 1354. Ở đây vẫn còn chiếc cột đá Ashoka Pillar do hoàng đế theo Phật giáo Ashoka dựng lên vào thế kỷ III trước CN.

Quanh vùng Rajpath còn có nhiều lăng mộ của các vị hoàng đế, nhiều bảo tàng quan trọng như National Museum, Bảo tàng Tưởng niệm Nehru, Bảo tàng Tưởng niệm Indira Gandhi, Hội quán Tây Tạng (Tibet House)…

Connaught Place là vùng trung tâm của New Delhi, gồm những khu phố bán hàng hiệu, vây quanh một cái bùng binh lớn. Bùng binh lại chính là một cái chợ dưới hầm khá sầm uất.

Jantar Mantar là một hệ thống đồng hồ mặt trời, được xây dựng năm 1725. Một công trình đồ sộ màu hồng, đẹp về kiến trúc, nhiều thiết bị tính thời gian, dự báo nhật nguyệt thực… theo phương pháp đồng hồ mặt trời cổ.

Đền Lakshmi Narayan (còn gọi là Birla Mandir) do nhà tư bản công nghiệp B. D. Birla xây dựng năm 1938 để thờ Nữ Thần Tài Lộc Lakshmi. Ở New Delhi có rất nhiều đền thờ Hindu giáo, nhưng ít nhất cũng nên đến thăm ngôi đền đồ sộ này. Trong và phía sau đền có một không gian rộng và khá thanh tịnh.

Chùa thờ Phật: ngay bên cạnh đền Birla. Đây là một ngôi chùa nhỏ, ít người để ý, nhưng có ý nghĩa vì là ngôi chùa Phật hiếm hoi ở thủ đô New Delhi. Có lẽ đây cũng là biểu tượng về vai trò và vị trí khiêm nhường của Phật giáo trong xã hội Ấn Độ hiện đại.

Qutab Minar là ngọn tháp cao 73 mét, đường kính chân là 15 mét, đường kính phía trên ngọn là 2,5 mét. Tháp gồm năm tầng, ba tầng dưới bằng sa thạch màu đỏ, tầng bốn và tầng năm bằng cẩm thạch và sa thạch. Được khởi công từ năm 1193, nhưng phải đến 1368 mới hoàn tất.

Dưới chân tháp là ngôi đền Hồi giáo đầu tiên được xây dựng ở Ấn Độ, năm 1193, và phải mất hàng thế kỷ cho việc bổ sung và mở rộng. Trên sân trước của ngôi đền là Cột Sắt (Iron Pillar) cao 7 mét. Thân cột khắc bảy dòng chữ Sanskrit chỉ ra rằng ban đầu Cột Sắt được dựng lên trước một ngôi đền thờ thần Vishnu (có thể là ở bang Bihar), để tưởng nhớ vua Chandra Gupta II, người cai trị Ấn Độ từ năm 375 đến 413 CN. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được chất thép đặc biệt của cây cột này được luyện như thế nào mà qua gần 2000 năm, thép vẫn không gỉ. Người ta còn tin rằng nếu đứng tựa lưng vào cột, hai tay vòng ra sau mà ôm tròn cột và tay gặp được nhau thì có thể ước gì được nấy. Khoảng cuối những năm 1980, đầu 1990, tôi cũng như mọi du khách đã thử đứng ôm cột như vậy. Nhưng hiện nay, xung quanh cột đã có hàng rào bảo vệ.

Cũng ở phía nam New Delhi còn có đền thờ Bahai, một công trình hoành tráng bằng cẩm thạch màu trắng, hình một bông hoa sen cách điệu vươn trên nền trời. Đền được hoàn thành năm 1986 và du khách có thể tìm được một không gian đẹp và thanh tịnh trong quần thể rộng lớn này.

Ta cũng có thể chọn đi thăm những vùng miền khác nhau về khí hậu: vùng sa mạc, vùng núi cao tuyết phủ, vùng ven biển hoặc cao nguyên…

Rajasthan, xứ sở của những ông vua

Từ thủ đô, có thể thực hiện một tour đi thăm bang Rajasthan với những thành phố: Jaipur (nếu có 3 ngày), thêm Udaipur, Chittorgarh, Mount Abu (nếu có 5 ngày), đi tiếp đến sa mạc Thar với hai thành phố Jaisalmer và Jodhpur (nếu có 7 ngày).
Bang Rajasthan là một trong những vùng quyến rũ nhất của Ấn Độ. Nằm kề bên sa mạc Thar, đây là vùng đất nóng bỏng cả theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Trang phục lộng lẫy và sặc sỡ. Âm nhạc réo rắt đặc trưng. Kiến trúc hoành tráng và rực rỡ. Các lâu đài sử dụng nhiều màu nổi bật như màu hồng (toàn bộ lâu đài màu hồng ở Jaipur) màu trắng tinh (lâu đài trắng bên hồ nước ở Udaipur) màu mật ong (như các lâu đài và nhà dân ở thành phố “nghìn lẻ một đêm” Jaisalmer) màu nâu vàng (pháo đài hùng vĩ trên đỉnh núi ở Jodhpur)… Chiết tự thì raja nghĩa là nhà vua (hoặc tiểu vương, những vị vua của một vùng) sthan là vùng đất, vậy Rajasthan là “vùng đất của các ông vua”. Đẳng cấp chiến binh ở vùng này gọi là Rajput, những hiệp sĩ đề cao lòng dũng cảm và quyết tử trong chiến đấu. Lịch sử ghi lại ba trận tử chiến lớn nhất tại thành Chittorgarh. Khi thành thất thủ, các chiến binh Rajput khoác chiến bào màu vàng phi ngựa ra khỏi cổng thành quyết tử, trong khi vợ con họ tự sát bằng cách nhảy vào những giàn hỏa táng cực lớn, nhất quyết không chịu rơi vào tay quân thù. Trận lớn nhất là năm 1535, 32.000 chiến binh quyết tử, 13.000 phụ nữ và trẻ em chết trên giàn thiêu.

Những miền đất lạnh
Nói đến Ấn Độ, người ta lập tức hình dung ra một xứ nóng ghê người, khí hậu sa mạc. Nhưng miền cực bắc Ấn, nơi bắt đầu của dãy Himalaya, lại có những đỉnh núi tuyết vĩnh cửu. Đây là bang Himachal Pradesh, từ cổ đại đã có những tuyến đường buôn bán sang Tây Tạng, sang Trung Á và lên vùng Kashmir ở Tây bắc Ấn.

Shimla trở thành thủ đô mùa hè của Ấn Độ từ năm 1864. Trước đó, nơi này được người Anh phát hiện ra vào năm 1819, rồi họ lên đây xây dựng những cơ sở nghỉ mát. Những nhà thờ, những tòa nhà và văn phòng ở Shimla vẫn còn giữ được không khí phương Tây từ thời Anh cai trị. Shimla cách thủ đô New Delhi 380 km, là điểm du lịch và tránh nóng hấp dẫn với nhiều người.
Cũng ở bang Himachal, nhiều du khách còn tìm đến Dharamsala, nơi có chính phủ lưu vong Tây Tạng và trụ sở của Đức Dalai Lama. Giữa không khí mát lành của núi rừng Himalaya, ta sẽ gặp sắc áo nâu đỏ của các nhà sư Tây Tạng, và có thể nghe Dalai Lama nói chuyện bằng một thứ tiếng Anh ấm áp và hấp dẫn. Để đến Dharmasala, từ Shimla phải đi thêm 9 giờ đồng hồ nữa bằng xe khách, hoặc đi thẳng từ New Delhi, khoảng 12 giờ xe (520 km).

Jammu và Kashmir, vùng núi cao mát mẻ quanh năm, nhưng vẫn luôn xảy ra tranh chấp giữa ấn Độ và Pakistan, là nơi chịu nhiều cuộc khủng bố của các lực lượng khác nhau. Lượng du khách cuối những năm 1980 là 800.000 khách nội địa và 80.000 người nước ngoài/năm, đến nay chỉ còn xấp xỉ 3000 khách nước ngoài/năm. Du khách nước ngoài nếu có nhu cầu đến đây, nên tham khảo trước các cơ quan chức năng hoặc các hãng du lịch, bởi vì thỉnh thoảng chính phủ lại ban hành lệnh hạn chế du lịch khi tình hình căng thẳng trở lại.

Đây là vùng núi tuyệt đẹp và khí hậu tuyệt vời. Thời gian đẹp nhất đi thăm Kashmir (thủ đô mùa hè) là từ tháng 4 đến tháng 10, Jammu (thủ đô mùa đông) từ tháng 10 đến tháng 3, Ladakh (tiểu Tây Tạng) từ tháng 5 đến tháng 10. Đa dạng về văn hóa và tôn giáo, phía đông Ladakh chủ yếu là người theo đạo Phật, phía tây Ladakh chủ yếu là đạo Hồi, còn vùng Zanskar lại có nhiều Phật tử.
Nếu đã đến đây, người ta không thể quên những khu nhà nổi trên mặt hồ Dal (Dal Lake) ở Srinagar, không gian trong trẻo và thanh bình đến mức khó ai còn nhớ rằng đây là một vùng an ninh không ổn định. Những chiếc thuyền chở đầy hoa, những thuyền khác chở rau xanh, nhu yếu phẩm lướt nhẹ trên mặt hồ, ghé vào bán hàng cho du khách trên nhà nổi. Thêm nữa, ta có thể tham gia đi bộ leo núi, trượt tuyết hoặc những khóa học yoga, nghe giảng kinh trong các thiền viện.

Kolkata, trung tâm văn hóa Ấn Độ
Tên cũ là Calcutta, từ năm 2000 lấy lại một cái tên cổ là Kolkata, thành phố này mới chỉ được thực dân Anh xây dựng khoảng 300 năm và đã là thủ đô của ấn Độ cho đến đầu thế kỷ XX.
Ấn tượng ban đầu với nhiều người, đây là thành phố cũ kỹ, long lở, cảnh nghèo phô bày khắp nơi, những cuộc đình công triền miên, những vụ tắc đường thường xuyên trong ngày… Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mácxít) nắm quyền lãnh đạo bang Tây Bengal hàng chục năm qua, trong khi có những khó khăn về quản lý đô thị thì lại có cải thiện đáng kể ở vùng nông thôn. Kolkata từ rất lâu đã được coi là trung tâm văn hóa của Ấn Độ, tâm hồn Ấn Độ, với nhiều triết gia, nhà văn, nghệ sĩ, nhân sĩ như đại thi hào Rabindranath Tagore, ông hoàng điện ảnh Satyajit Ray, Mẹ Teresa… Ở Kolkata, nên đi thăm những nơi còn in dấu tích của những nhân vật này, đặc biệt là Nhà Tưởng niệm Tagore (Tagore House), nơi Tagore ra đời, nay đã thành bảo tàng và Đại học Rabindra Bharati. Cách thành phố khoảng 160 km là Shantiniketan, một trường học Tagore sáng lập từ năm 1901, nay vẫn được duy trì, đồng thời là bảo tàng mỹ thuật.

Dấu tích của một thành phố thời các vị quân vương thuộc Anh vẫn còn nhiều trong thành phố: tòa nhà Tưởng niệm Victoria (Victoria Memorial), những nhà thờ, những khu nhà cổ… Là một thành phố Ấn Độ, Kolkata cũng có nhiều đền thờ Hindu giáo và Hồi giáo bề thế.

Lấy Kolkata là trung tâm, người ta có thể từ đây đi thăm các bang miền đông bắc, lên những cao nguyên và những vùng nghỉ mát trên núi cao. Một chuyến xe khách 12 giờ đồng hồ đưa ta đến Darjeeling, vùng nghỉ mát của thực dân Anh ngày trước, nay còn nhiều tòa nhà do Anh xây dựng. Thuở xa xưa, đây là nơi có thiền viện Phật giáo Dorje Ling. Đây cũng là vùng trồng chè ngon nổi tiếng thế giới. Đặc biệt ở Darjeeling, du khách có thể ngắm cảnh núi rừng từ cửa sổ một chuyến tàu đồ chơi chạy bằng hơi nước (toy train).

Từ Kolkata, đi về phía nam, men theo bờ biển vịnh Bengal, khoảng 10 giờ xe lửa, đến thị trấn Puri, từ đây đi thêm 35 km nữa, sẽ tới đền thờ Mặt Trời đồ sộ (Konark Temple). Xây dựng dưới thời vua Narasimha năm 1255, ngôi đền được thiết kế giống như một cỗ xe trên 24 bánh xe bằng đá khổng lồ, chạm khắc tinh xảo. Cỗ xe do bảy con ngựa tâm linh kéo, biểu tượng cho sức mạnh và sự liên tục của mặt trời. Ngay ở cửa đền có hai con sư tử hung dữ, trên đó là voi, trên vòi voi là con người. Cả ba hình tượng này là thế chân kiềng làm nhiệm vụ canh gác cửa đền.
Ngôi đền trải rộng trên khu đất 12 mẫu Anh. Ngay lối vào là Natyamandap, diễn tả 128 điệu múa Ấn Độ bằng điêu khắc trên đá. Lễ hội Mặt Trời hàng năm diễn ra vào khoảng tháng giêng – tháng hai. Lễ hội đền Konark thì vào đầu tháng 12, âm nhạc và múa cổ điển Odissi được biểu diễn ngoài trời, ngay trước ngôi đền đèn đuốc sáng rực.
Trong đền có pho tượng Thần Mặt Trời Surya, tạo tác từ Ashtadhatu (8 khối kim loại). Tuy nhiên do thời gian hủy hoại, năm 1903, thị trưởng Bengal đã phải cho chống đỡ ở bên trong đền để khỏi sụt lún.
24 bánh xe khổng lồ của cỗ xe biểu trưng cho sự phân chia thời gian. Mỗi bánh xe tượng trưng cho nửa tháng trong năm, có 8 nan hoa mô tả 8 thời đoạn của một ngày. Khoảng 22.000 bức phù điêu trên đá, trong đó có cả cảnh huê tình nam nữ, cảnh chiến tranh, buôn bán, săn bắn, trò chơi trẻ thơ, những công việc hàng ngày, những điệu múa thần bí…

Mumbai, trung tâm kinh tế và thương mại
Mumbai (Bombay) là trung tâm kinh tế và thương mại của Ấn Độ, trung tâm điện ảnh tiếng Hindi và là một trong những cơ sở lớn nhất sản xuất phần mềm của đất nước. Còn là trung tâm công nghiệp lớn nhất, Mumbai phát triển từ ngành dệt cho đến công nghiệp hóa dầu. Giống như những thành phố lớn khác ở Ấn Độ, đây là nơi phô bày sự tương phản, từ những khu nhà giàu xa xỉ nhất cho đến những khu ổ chuột bạt ngàn nghèo đói bậc nhất ở Châu Á.

Ở Mumbai, nên đi thăm Ấn Môn (Gateway of India), một Khải Hoàn Môn bên bờ vịnh biển; đảo Elephanta có những ngôi đền Hindu trong hang đá, nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp; tuyến đường Marine Drive bên vịnh biển; Vườn Treo (trên đồi Malabar). Cũng trên đồi Malabar còn có Tháp Yên Lặng là nơi thiên táng của người theo đạo thờ Lửa, nhưng người lạ không được phép lên đây. Mumbai là thành phố hiện đại, nhưng cũng có rất nhiều đền thờ của đạo Hindu, đạo Hồi, đạo Jain… mà du khách nên thăm viếng.
Từ New Delhi, chuyến bay xuống Mumbai mất khoảng gần hai giờ đồng hồ.

Goa, thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha
Từ Mumbai, có thể đi ô tô, tàu hỏa hoặc máy bay xuống Goa, quãng đường khoảng trên dưới 10 giờ đồng hồ đi tàu hỏa. Người Bồ bắt đầu đến Goa từ 1510 để kiểm soát tuyến đường vận chuyển gia vị từ phương đông về Châu Âu. Tiếp đó, các nhà truyền giáo dòng Tên do thánh Francis Xavier dẫn đầu đến đây vào năm 1542. Ấn Độ giành độc lập từ tay thực dân Anh năm 1947, nhưng phải 14 năm sau, năm 1961 người Bồ Đào Nha mới chịu là thực dân cuối cùng rời khỏi Ấn Độ. Sau gần 50 năm thoát khỏi sự thống trị của Bồ Đào Nha, ảnh hưởng hơn 400 năm của văn hóa Bồ vẫn còn rất mạnh ở Goa. Phụ nữ mặc váy vẫn nhiều hơn là mặc sari cổ truyền Ấn Độ. Những bài ca điệu múa đầy màu sắc Bồ Đào Nha. ảnh hưởng này còn in dấu trong nhiều mặt đời sống, trong ẩm thực… Đến Goa, người ta thường tham gia vào những lễ hội tiệc tùng thường xuyên của dân địa phương. Điểm tham quan chính là những pháo đài cổ trên bờ biển, những nhà thờ Thiên Chúa giáo kiến trúc đa dạng. Nên vào thăm nhà thờ Thánh Francis (Church of St. Francis of Assisi), và nhà thờ Basilica of Bom Jesus nổi tiếng thế giới, nơi có lăng St Francis Xavier, một lăng mộ ba tầng bằng cẩm thạch, và một cái tiểu bằng bạc giữ một phần di hài của vị thánh.
Ở Goa còn có nhiều bãi biển đẹp và nên tham gia một chuyến đi chơi biển bằng tàu, xem cá heo và câu cá trên biển.

Bangalore, Thung lũng Silicon của Ấn Độ
Bangalore là một trong những thành phố tiên tiến nhất của Ấn Độ, cách Delhi 2 giờ 30 phút bay và cách Mumbai 1 giờ 30 phút. Có thể đi xe khách từ Chennai, cách 331 km. Hàng thập kỷ nay, Bangalore được coi là trung tâm khoa học kỹ thuật, là Thung lũng Silicon của Ấn Độ, chiếm quá nửa sản lượng phần mềm xuất khẩu toàn Ấn. Trong thành phố có rất nhiều công viên kỹ thuật, nhiều công ty đa quốc gia, các cửa hàng, quán bar, tiệm ăn hiện đại. Lối sống của dân chúng cũng Âu hóa, khác với hầu hết các vùng trên đất Ấn. Trai gái ở đây có thể nắm tay nhau đi trên đường – hình ảnh hiếm thấy ở những thành phố khác.

Bang Karnataka rất phong phú về văn hóa và tôn giáo: những tác phẩm kiến trúc ấn tượng của đền thờ đạo Hồi, những công trình đạo Jain, nhà thờ Thiên Chúa giáo, đặc biệt là đền thờ Hindu. Những bãi biển sạch tinh và những đồn điền trên núi cũng là điểm đến hấp dẫn. Karnataka sản xuất cà phê, gia vị, cau và 60% sản lượng lụa của Ấn Độ.

Mysore “thành phố hương thơm” cách Bangalore khoảng bốn giờ xe khách. Đây là thành phố của lụa, gỗ đàn hương, hoa nhài, hương trầm… Trong không gian lúc nào cũng lơ lửng mùi thơm như có lễ hội. Cho đến ngày Ấn Độ độc lập, đây là nơi đóng đô của các vị tiểu vương. Vì vậy một trong những điểm nên đến thăm là Lâu đài Tiểu vương (Maharaja’s Palace), kiến trúc, điêu khắc, cùng những tác phẩm nghệ thuật lưu giữ ở đó đều tuyệt mỹ.

Từ Mysore, nên dành ít nhất một ngày tham gia tour đi thăm khu đền Belur và Halebid (cách ba giờ xe hơi). Nghệ thuật điêu khắc ở hai khu đền này lên đến đỉnh cao, chỉ có hai nơi có thể sánh được là khu đền Khajuraho và Đền Mặt Trời Konark. Toàn bộ đời sống con người, muông thú, đời sống vua chúa, thần linh… được thể hiện trong điêu khắc đá trên khắp bề mặt đền. Nó cũng gây cảm tưởng chất liệu đá xanh trong tay nghệ nhân thời xưa chỉ giống như một thứ chất dẻo mà thôi.
Tour tham quan này còn bao gồm ngôi đền ở Sravana Belagola, nơi có pho tượng giáo sĩ đạo Jain thuộc phái “áo trời”. Đây là pho tượng giáo sĩ lõa thể, cao 18 mét, pho tượng đá nguyên khối cao nhất thế giới. Tượng dựng trên đỉnh núi cao khoảng 200m, cho nên từ rất xa du khách đã có thể nhìn thấy. Muốn lên đến nơi thì phải leo 614 bậc đá cao và dốc.
Chuyện xưa kể lại rằng thời đó có hai vị hoàng tử cùng tranh giành một ngai vàng do vua cha để lại. Cuối cùng Bahubali là hoàng tử em đ• chiến thắng. Nhưng ngay lập tức chàng bị dằn vặt khi thấy người anh, Bharat, bị xiềng trong ngục tối. Bahubali ăn năn sám hối rồi trả lại ngai vàng cho Bharat, lui vào rừng sâu sống cuộc đời khổ hạnh của một giáo sĩ đạo Jain. Đức vua anh đ• cho dựng tượng Bahubali trên đỉnh núi này vào năm 981.

Lễ hội được tổ chức tại đền 12 năm một lần. Lễ hội năm 1993 và 2005 có đến hàng trăm nghìn người hành hương và du khách nước ngoài đổ về đây. Khán đài được dựng ngay đằng sau pho tượng, dành cho quan khách của chính quyền bang và các vị chức sắc trong đạo. Đến giờ làm lễ, pho tượng được tắm trong sữa dội từ trên đầu xuống, cùng với nước dừa, bơ tinh khiết, hạnh nhân, chà là, tiền xu bằng vàng, bột gỗ đàn hương, hàng tấn cánh hoa hồng… tức là những gì thanh khiết và quý giá theo quan niệm của tín đồ đạo Jain.

Tamil Nadu, cái nôi của văn hóa Dravidian

Bang Tamil Nadu được coi là cái nôi của văn hóa Dravidian. Thành phố Chennai (tên cũ là Madras, mới đổi tên từ năm 1997) là thủ phủ của cái nôi này. Cách xa New Delhi một chuyến bay 2 giờ 30 phút, đến Chennai, ta như đến với một nước Ấn Độ khác. Chennai là nơi sinh ra và nuôi dưỡng những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ và nghệ nhân của một dòng văn hóa đặc trưng miền nam Ấn. Đây là vùng nói tiếng Tamil và là trung tâm sản xuất phim truyện tiếng Tamil. Là thành phố lớn thứ tư ở Ấn Độ, có nhiều trung tâm giáo dục lớn, có truyền thống về báo chí và xuất bản, Chennai cũng là một nơi châm ngòi cho những cuộc tranh luận công khai và nghiêm túc.

Phía nam vịnh Bengal, ven bờ Ấn Độ Dương, Chennai hơn 2000 năm qua đã thu hút những nhà đi biển và thương nhân buôn gia vị và vải vóc. Người Bồ Đào Nha đến đây vào thế kỷ XVI, tiếp đó là người Hà Lan. Năm 1639, Công ty Đông Ấn của Anh xây dựng cơ sở của họ tại một làng chài ở đây. Thế kỷ XVIII và XIX, Anh và Pháp tranh giành quyền thống trị trong khu vực, cho đến 1756, Pháp phải rút về vùng Pondicherry, ở gần đó.

Tại Chennai, ta sẽ đi thăm những nhà thờ Thiên Chúa giáo, những ngôi đền Hindu kiến trúc đặc trưng của miền nam ấn, trung tâm làm phim tiếng Tamil, các trường đại học có uy tín, có thể tham dự những lớp học yoga và trung tâm ca múa nhạc phương nam…

Khu đền trên bờ biển mang tên Mahabalipuram (Mamallapuram) cách Chennai 50 km. Đã đến Chennai, người ta không thể bỏ qua khu đền nổi tiếng về kiến trúc và điêu khắc này. Cả một quần thể những ngôi đền rải rác trên bãi biển cần thăm thú cho kỹ: Đền Bãi biển (Shore Temple) xây dựng từ thế kỷ VII. Một bức điêu khắc trên phiến đá lớn mang tên Arjuna hành xác (Arjuna’s Penance), dài 30 mét rộng 12 mét, miêu tả cảnh khai sơn lập địa và cảnh sông Hằng linh thiêng đang đổ nước xuống. Ngôi đền Ganesh Ratha thờ thần đầu voi Ganesha. Đền Trimurti Cave Temple thờ tam vị tối cao của Hindu giáo. Một cụm năm ngôi đền gọi là Five Rathas, đặt theo tên năm anh em Pandava trong sử thi Mahabharata, ngôi đền thứ sáu trong quần thể này mang tên Draupadi, vợ chung của năm anh em.

Tirupati và Tirumala: là thị trấn cách Chennai khoảng năm giờ đi tàu hỏa hoặc xe khách. Đền thờ thần Venkateswara, một trong những hiện thân của thần Vishnu, là ngôi đền đông đúc nhất trên thế giới, vượt cả Rome, Mecca và Jerusalem về số người hành hương trong một năm. Bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có khoảng 5.000 người xếp hàng vào đền. Lượng khách mỗi ngày lên đến 100.000 người. Mọi lời cầu khấn trước tượng thần trong chính điện đều trở thành hiện thực, người ta đồn đại thế.
Thần Venkateswara trong tranh tượng thường có băng che mắt, nếu không thì cái nhìn của thần sẽ thiêu cháy cả trần gian. Những tràng hoa quàng kín trên cổ thần, thõng xuống đến tận chân. Tất cả các cửa hàng, khách sạn, tiệm ăn ở đây đều có tranh tượng thần. Ngày đêm khói hương nghi ngút.

Đền có đội ngũ giáo sĩ, trợ tế, khu vực trường học (có cả cấp đại học) với nhiều giáo sư tiến sĩ, khu vực y tế, phát chẩn lương thực và thuốc men cho người hành hương, bộ phận cung cấp điện nước và nhà nghỉ… Toàn bộ biên chế của đền là 18.000 người. Tổng thu nhập của đền khoảng 330 triệu USD/năm. Phần lớn thu nhập được đầu tư trở lại để xây dựng hệ thống phòng chờ, nhà nghỉ, đường sá, lương thực thực phẩm.

Người hành hương có thể xếp hàng đi vòng quanh khu vực đền, có khi phải mất 12 giờ đồng hồ mới vào được chính điện, chầm chậm di chuyển qua trước tượng thần và cầu nguyện, không được đứng lại. Nếu mua một cái vé ưu tiên khoảng 1 USD thì được đưa đi tắt qua một số phòng, mất khoảng 2-4 giờ đồng hồ. Trên đường di chuyển, khách đi qua rất nhiều phòng chờ, có hệ thống TV băng đĩa hình phục vụ suốt ngày đêm. Những cặp vợ chồng mới cưới hoặc đính hôn có thể đóng góp từ 500 đến 1000 rupee (12 đến 24 USD), được đưa 5-7 người thân vào làm lễ.

Sau khi ra khỏi chính điện, người hành hương được phát một bát cháo phúc, một ít bánh ngọt laddu. Giờ ăn trưa và ăn tối sẽ được phát đồ ăn do nhiều xe chở đến. Người hành hương tin rằng nếu cạo trọc đầu trước khi vào đền (giũ bỏ trần tục ở bên ngoài) thì sẽ may mắn hơn. Gặp một gia đình hoặc một người cạo trọc đầu ở vùng này, ta có thể hiểu họ mới hành hương tới đền Tirumala. Chỉ riêng số tiền bán tóc của đền đã lên đến 1 triệu USD/năm.■

HỒ ANH THÁI

No comments:

Post a Comment