01 August 2014

Oslo

Na Uy nằm ở phía Tây vùng Scandanavia của Bắc Âu. Nước này giáp biển Na Uy, Biển Bắc và Skagerak. Về phía đông Na Uy có biên giới giáp với Thụy Ðiển, Phần Lan và Nga. Trên biển, Na Uy có thêm khoảng 50,000 hòn đảo nhỏ. Diện tích của Na Uy là 385,155 km2, dân số khoảng 4.8 triệu người. Vùng đất của Na Uy đa số là đồi núi. Bờ biển của Na Uy dài hơn 2,500 km, lởm chởm với những fjord (vịnh hẹp). Thủ đô của Na Uy là Oslo với khoảng 600,000 dân cư sinh sống.


Vào thế kỷ thứ 9, vua Harald Fairhair đã tập hợp các nước nhỏ để thành lập nước Na Uy thống nhất. Trong thời kỳ Viking (thế kỷ thứ 8-thế kỷ thứ 10), người Na Uy đã có các khu định cư tại Iceland, Greenland thậm chí đi tới vùng New Foundland-Canada. Năm 1349, nạn dịch Tử Thần Ðen đã giết hại khoảng 40%-50% dân số Na Uy khiến nước này suy sụp. Na Uy đã bị Ðan Mạch thống trị trong liên minh Ðan Mạch, Na Uy, Thụy Ðiển từ năm 1397. Mãi tới năm 1814 Na Uy mới rời Ðan Mạch và trở thành một phần của Thụy Ðiển. Năm 1905, Na Uy tách ra độc lập khỏi Thụy Ðiển.


Năm 1940 Ðức xâm lăng Na Uy. Nhân dân Na Uy kháng cự mãnh liệt. Quốc vương Hakon II và toàn bộ nội các chạy trốn sang Anh. Tàu buôn, tàu chiến của Na Uy giúp quân đồng minh trong các chiến dịch rút quân ở Dunkirk hay đổ bộ Normandy. 1945 Ðức đầu hàng, Na Uy lại được độc lập. Na Uy gia nhập NATO năm 1949 nhưng không gia nhập Cộng Ðồng Chung Âu Châu. 1960 dầu mỏ được tìm thấy ở biển Bắc giúp rất nhiều cho sự thịnh vượng của quốc gia này.

Về kinh tế, Na Uy phụ thuộc nhiều vào khai thác và xuất dầu mỏ. Ðây là nước xuất khẩu dầu thứ ba trên thế giới sau Nga và Á Rập Saudi. Dầu khí đem lại 58% ngoại tệ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Về kỹ nghệ, ngoài dầu hỏa và khí đốt Na Uy còn có các ngành hàng hải, đóng tàu, khai mỏ, đánh cá... Về nông nghiệp có ngành chăn nuôi và đánh cá rất mạnh nhưng lương thực thì phải nhập cảng. Lợi tức bình quân đầu người khoảng 32,000 đô la/năm, tuy nhiên Na Uy cũng là một nước đánh thuế lợi tức cao nhất thế giới - trung bình là 52%. Người ta thường nhắc đến Na Uy khi mỗi năm nơi đây phát giải Nobel Hòa Bình. 

Đường từ biển Baltic vào thành phố là một vịnh hẹp (fjord) rất đẹp nên hầu hết du khách đều thức dậy sớm để ngắm cảnh từ ban công của mình, nhưng họ chỉ ngắm được cảnh có một bên vịnh. Ai ở phòng không có cửa sổ thì lên tầng 16 ở đó họ có thể ngắm cảnh hai bên vịnh hẹp Oslo. Trời buổi sáng tuy không có nắng nhưng cũng sáng và cũng không lạnh lắm.


Tòa thị chính Oslo nhìn từ tàu Princess.

Nối biển Baltic và thủ đô Oslo là một vịnh hẹp. Vịnh này dài khoảng 100 km bắt đầu từ Fredrikstad ở phía Nam vào đến Oslo ở phía Bắc. Vịnh không có những vách đá cao và những thác nước như ở Alaska, thay vào đó là những đồi đá thấp hay những đảo nhỏ. Hai bên bờ vịnh, là những cánh rừng bạt ngàn, thỉnh thoảng có những căn nhà nho nhỏ sơn màu xanh đỏ rất nổi bật điểm tô cho phong cảnh thêm xinh đẹp. Ðây là những căn nhà để nghỉ hè. Trước mỗi căn nhà thường có cầu tàu và một chiếc du thuyền nhỏ. Ðây là phương tiện di chuyển của chủ nhân từ Oslo tới. Thỉnh thoảng, lai có một bãi cát nhỏ ẩn mình trong một vịnh cong. Mấy con chim hải âu bay lượn quanh tàu và các hải đảo. Phong cảnh tuy không đẹp mê hồn như ở Alaska nhưng cũng tạo cho bạn một cảm giác yên bình và thanh thản khi nhìn thấy những cuộc sống thoải mái ở đây.

Càng lên phía Bắc, thì bề ngang của vịnh càng hẹp dần. Ðến Drobak, giữa vịnh có một đảo nhỏ. Trên đảo thấy bố trí súng ống của một căn cứ quân sự. Ðây là một vị trí chiến lược để bảo vệ Oslo. Ông John cho biết khi quân Ðức xâm lăng Na Uy năm 1940, tại đây đã xảy ra một trận đánh quan trọng. Người Na Uy trong đồn Oscarsborg trên đảo đã bắn chìm tàu Blucher của Ðức khi tàu này tiến vào vịnh. Nhờ có trận đánh này mà hoàng gia, chính phủ đã có thời gian di tản qua Anh. Họ đem được toàn bộ tài sản và ngân khố để tổ chức kháng chiến. Khác với Ðan Mạch, Na Uy đã không bao giờ đầu hàng quân Ðức. Năm 1945, khi đồng minh thắng trận, hoàng gia đã trở về Oslo trong vinh quang.
Qua khỏi đồn lính, bề ngang vịnh càng hẹp hơn, nhà cửa hai bên càng lúc càng nhiều hơn. Tàu bè nho nhỏ đi lại không ngớt. Lúc gần 10 giờ sáng, tàu đã vào tới đỉnh của vịnh hẹp. Chúng tôi đã tới Oslo thủ đô của nước Na Uy.

Tàu cặp vào một bến cảng nằm dưới chân một ngọn đồi. Từ tầng 16 của tàu, nhìn qua phía tay trái là Cổ Thành Akershus ngay sát bên cạnh tàu. Có thể nói trên thế giới chỉ có Oslo là thành phố cho phép tàu cruise chạy vào đậu sát ngay bên cạnh một cổ thành. Từ trên cao nhìn xuống ta thấy dọc phía nam ngọn đồi còn có rất nhiều súng đại bác. Thành có tường dầy và nhiều kiến trúc bằng đá. Rất nhiều khách du lịch đang đi lang thang dọc theo tường trong cổ thành. Họ là hành khách của một tàu cruise khác. Phía trước mũi tàu, cách xa chừng 100 mét là bến cảng Oslo với Tòa Thị Chánh gồm hai tòa nhà cao tầng xây bằng gạch đỏ.


Cổ thành Akershus ngay sát bến tàu Oslo.

Xa tận chân trời, chúng ta sẽ thấy cầu trượt tuyết Holmenkollen nổi tiếng. Nhìn qua phía tay trái của tàu xa xa là khu Aker Brygge, một khu thương mại sầm uất. Dọc bờ biển bên đó có rất nhiều tàu nhỏ, du thuyền... đang cặp bến. Trong vịnh, tàu bè đi lại không ngừng. Oslo là một thành phố sinh động. Oslo là thành phố của các viện bảo tàng.

Thủ đô Oslo của Na Uy nằm ở ngọn của một vịnh hẹp (fjord). Vịnh này dài 100 km từ ngoài biển Baltic vào tới Oslo. Diện tích khu trung tâm thành phố Oslo khoảng 454 km2, dân số 600,000 người nhưng nếu kể cả khu ngoại ô thì có thể đến 1.4 triệu. Ðây là vùng đông dân cư nhất Na Uy. Oslo được vua Harald II thành lập năm 1048 và trở thành thủ đô từ năm 1300. 
Một vụ cháy lớn đã xảy ra ở đây năm 1624. Thành phố dời về gần Lâu Ðài Akerhus và có tên mới là Christiania để vinh danh vị vua cai trị Na Uy lúc đó. Ta biết rằng Na Uy có thời do Ðan Mạch hay Thụy Ðiển cai trị, lúc đó vai trò của Oslo cũng ít quan trọng. Chỉ từ khi Na Uy được độc lập thì nơi đây mới trở thành thủ đô và lấy lại tên cũ là Oslo từ năm 1925.
Oslo có rất nhiều viện bảo tàng như Bảo Tàng Vikings, Phòng Tranh Quốc Gia, Bảo Tàng về Trượt Tuyết, Bảo Tàng Văn Hóa... Do đó, người ta còn gọi Oslo là thành phố bảo tàng.

Về kinh tế, nơi đây có các ngân hàng, các công ty lớn và nhiều nhất là các công ty hàng hải. Về văn hóa xã hội, Oslo được đánh giá là thành phố đáng sinh sống trên thế giới, nhưng cũng là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. 


Nhà bảo tàng giải Nobel Hòa Bình Oslo.

Các địa điểm du lịch

Về kiến trúc, du khách nên xem các công trình sau đây: Lâu Ðài Hoàng Gia, Nhà Hát Thành Phố, Nhà Thờ Oslo, Quốc Hội, Tòa Thị Chính... Về bảo tàng: Người ta hay đến xem viện bảo tàng Viking, phòng trưng bày tranh của quốc gia, Bảo Tàng Hàng Hải Na Uy, Bảo Tàng Văn Hóa Na Uy... Về công viên: Oslo có công viên rất nổi tiếng là Frogner, nơi trưng bày các tượng của Gustav Vigeland.

Phương tiện di chuyển
Tuy thành phố Oslo nhỏ và có thể dễ dàng thăm viếng bằng cách đi bộ nhưng chúng ta cũng cần tìm hiểu hệ thống xe công cộng ở đây để nếu có mỏi chân thì biết cách đi xe về bến tàu. Về tiền tệ, Na Uy xài tiền riêng có tên là Norway Krona (NOK). Tỷ giá lúc này 1USD = 5.8 NOK

Oslo có hệ thống vận tải công cộng rất tốt gồm các loại xe buýt, tram, tàu điện, và tàu thủy... Vé xe có thể sử dụng cho mọi phương tiện di chuyển công cộng. Giá một vé xe là 30 NOK (mua trước) và 50 NOK (mua từ tài xế trên xe). Sau khi đóng dấu ngày tháng thì vé có thể đi trong vòng 1 giờ trong vùng quy định.


Trong công viên Frogner, nơi trưng bày các tượng của Gustav Vigeland.

Hành khách có thể mua vé nguyên ngày (24-hour ticket) với giá 75 NOK (13 USD). Vé mua ở máy bán vé, trạm xe điện, các trạm chỉ dẫn du lịch, bến tàu, nhà ga hay tiệm Narvesen, 7-Eleven. Với loại vé này ta có thể đi bất cứ phương tiện nào trong một ngày. Vé xe khá mắc và một điều khó khăn ở đây là phải có tiền Na Uy để mua vé, nếu không phải tới trạm và dùng thẻ tín dụng để mua. Vé xe phải validate (đóng dấu) mới có giá trị. Tại trạm xe điện không có người soát vé, nhưng thỉnh thoảng có thanh tra giao thông kiểm soát, nếu đi xe không có vé sẽ bị phạt rất nặng (750 NOK).

Ngoài ra, để di chuyển trong thành phố, ta cần có bản đồ các tuyến xe. Bạn có thể lấy bản đồ để xem trước từ internet. Tài xế taxi ở Oslo rất tốt, bạn không cần cho tiền típ nhưng tiền xe không rẻ tí nào. Lên xe là phải trả ít nhứt 80 NOK (hơn 10 đô la), mỗi cây số tính thêm 14-30 NOK. Ban đêm còn mắc hơn nữa.

Mười giờ sáng chúng tôi rời tàu để bắt đầu chuyến thăm viếng Oslo. Tàu sẽ ngừng ở đây tới 5 giờ chiều mới đi, nên chúng tôi có nhiều thời giờ để vui chơi ở một thành phố xinh đẹp.


Phố đi bộ nhộn nhịp ở Oslo.

Một đoàn xe buýt đang chờ sẵn để chở các du khách đã mua vé tua của tàu Princess để xem thành phố. Các xe hop on hop off sơn màu sặc sỡ cũng đang chờ. Vé đi xe này khoảng 30 USD và có giá trị nguyên ngày, du khách có thể đi bao nhiêu lần cũng được. Xe sẽ chạy vòng thành phố qua các địa điểm du lịch để khách xuống thăm viếng, xem cảnh...

Bên tay trái là trạm tiếp đón của bến tàu. Ðây là nơi có nhiều tiệm bán hàng đặc sản, hàng lưu niệm... Ngay cửa ra vào có một trạm chỉ dẫn du lịch. Họ còn bán vé xe, vé vào cửa để xem các viện bảo tàng... Chúng tôi vào đó lấy bản đồ thành phố và xếp hàng để mua vé xe công cộng. Hàng thì dài mà chỉ có 2 cô gái đứng sau quầy để giải thích và bán vé nên phải chờ khá lâu. Nhiều người mua Oslo Pass 24 giờ, với vé này họ có thể đi bất cứ xe công cộng nào trong ngày hôm nay và có thể vào xem một số viện bảo tàng miễn phí (hay được giảm giá vé). Chúng tôi không định xem bảo tàng nên chỉ mua vé đi xe công cộng trong một ngày với giá 75 NOK (khoảng 13 USD). Phải có tiền Na Uy mới mua được vé nếu không phải trả bằng thẻ tín dụng. 

Mua vé xe tram xong thì cũng hơn 10 giờ 30. Chúng tôi đi bộ về phía Tòa Thị Chánh. Chỉ đi có 5-10 phút là tới. Phía trước Tòa Thị Chánh là một công viên lớn. Ở đây có một bồn nước phun và nhiều tượng rất đẹp. Phía Nam công viên là bến tàu nơi có các quán bia, tiệm cà phê và cầu tàu để ra tàu khách hay phà. Phía Ðông có tượng một danh nhân. Phía Bắc công viên là Tòa Thị Chánh với hai tháp cao. Tòa Thị Chánh Oslo được khánh thành năm 1950. Ðây là nơi Hội Ðồng Thành Phố và các cơ quan công quyền làm việc. Ðây cũng là nơi trao giải Nobel Hòa Bình hàng năm vào ngày 10 tháng 12. Phía Tây của công viên là Nobel Peace Center (Trung Tâm Giải Nobel Hòa Bình).


Tòa thị chánh Oslo, nơi trao giải Nobel Hòa Bình.

Ðây là nơi triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của ông Nobel cũng như những người được lãnh giải Nobel Hòa Bình. Hôm nay tôi thấy có mấy băng rôn về việc bà Aung San Suu Kyi đến đây nhận giải sau mấy chục năm bị quản thúc tại gia.

Nói đến đây cũng xin nhắc sơ qua về Giải Nobel Hòa Bình. Theo nguyện vọng ghi lại trong di chúc của ông Nobel thì: “Giải Nobel Hòa Bình nên được trao cho người đã có đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh tình đoàn kết giữa các quốc gia, trong việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và trong việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình.” Từ khi thành lập năm 1901 đến nay đã có 92 giải trao cho: 101 cá nhân và 20 tổ chức. Người đầu tiên nhận giải là ông Henry Dunant, người sáng lập và là chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế. Riêng Hội Hồng Thập Tự được nhận giải 3 lần vào các năm 1917, 1944 và 1963. Giải Nobel Hòa Bình hay bị người quan sát tranh cãi vì sự lựa chọn của họ. Nhiều người nhận giải đã bị phê bình như trường hợp của các ông Yitzhak Rabin, Shimon Peres, Yasser Arafat, Lê Ðức Thọ, Henry Kissinger, Rigoberta Menchú, Jimmy Carter, Al Gore, Lưu Hiểu Ba, và Barack Obama (theo wikipedia). Ngoài ra, giải này cũng bị phê bình vì đã bỏ qua các nhân vật nổi tiếng đã có đóng góp cho hòa bình thế giới như ông Gandi, Cesar Chavez.

Bây giờ xin nói tiếp về chuyến đi. Chúng tôi tới trạm xe điện nằm ở phía Tây Tòa Thị Chánh gần khu thương mại Aker Brygge. Sáng nay Chủ Nhựt, thành phố vắng vẻ, hình như cư dân Oslo còn ngủ, chỉ thấy đám du khách khoảng chừng 30 người từ tàu Princess là chờ xe buýt ở đây. Chờ khoảng 20 phút xe mới tới. Khi lên xe hỏi ông tài xế làm sao để cho thẻ có giá trị đi xe (validate) thì ổng chỉ vào một cái nút tròn tròn, đường kính chừng 10 cm. Hành khách chỉ cần áp thẻ vào nút đó. Hệ thống điện tử sẽ đọc và “đóng dấu” vào thẻ của mình để sử dụng trong ngày.

Xe chạy ra ngoại ô Oslo. Dọc hai bên đường có nhiều cây xanh. Nhà cửa, tiệm quán ở đây rất khang trang nhưng hầu hết chưa mở cửa. Xe cộ thì rất ít, khách bộ hành cũng vậy. Oslo là một thành phố có ít dân. Vùng này ra hơi xa thành phố lại còn buồn hơn nữa. Chỉ 15 phút, sau khi qua vài trạm, chúng tôi đã tới nơi thăm viếng đầu tiên trong ngày. Ðó là công viên Vigeland.

Công viên nằm cách trung tâm thành phố khoảng 3 km. Nó rộng khoảng 80 mẫu (320,000 m2). Bên trong công viên này có đặt 212 bức tượng của điêu khắc gia Gustav Vigeland (1869-1943). Ðây là công viên lớn nhứt thế giới đặt tượng điêu khắc của một tác giả duy nhứt.


Bức tượng Em Bé Giận trong công viên Vigeland.

Ðiêu khắc gia Gustav Vigeland sinh năm 1869 tại một tỉnh nhỏ ở Na Uy. Từ năm 15 tuổi, ông đã bắt đầu điêu khắc trên gỗ. Những năm sau đó, ông đã có nhiều tác phẩm làm cho người dân và chánh quyền Oslo thích thú. Họ đã dành cho ông một khu công viên rộng lớn để ông có thể đặt các tượng điêu khắc của mình cho công chúng thưởng lãm. Công việc này kéo dài từ năm 1924 tới năm 1949 thì hoàn tất.

Qua một cổng chào thật lớn, chúng ta bước vào trong. Phía tay phải là tượng của nhà điêu khắc, tay ông cầm búa và đục. Ðây là bức tượng do chính ông ta tạc lấy. Ðây cũng là bức tượng duy nhứt trong công viên có mặc quần áo. Các tượng khác đều khỏa thân nên dân Việt mình ở Na Uy gọi đây là Công Viên Sexy. 

Từ đây vào trong theo một trục chính dài 850 mét, chúng ta sẽ lần lượt qua 4 khu trưng bày:

- Khu Cầu: đây là một chiếc cầu dài khoảng 100 mét, rộng khoảng 15 mét. Hai bên cầu là 58 tượng đồng tạc đàn ông, đàn bà, trẻ em... Họ đang vui chơi, đấu vật, khiêu vũ, ôm, nắm tay nhau... Nét mặt của họ thể hiện những tình cảm của con người như vui, buồn, yêu thương, oán ghét, hận thù, giận dữ... Các bức tượng này không có tên. Nổi tiếng và có nhiều người hâm mộ nhứt là tượng một em bé đang giận dữ. Tượng chỉ cao chừng 60 cm nhưng rất có hồn. Du khách tới đây hay xoa lên chân, tay của em để dỗ em đừng giận nữa. Chỗ du khách xoa, màu đồng trở nên láng bóng.

- Khu Ðài Phun Nước: đây là một bồn nước lớn chế tạo bằng đồng. Giữa đài là một đài phun nước gồm nhiều người với tư thế khác nhau đang nâng đỡ một cái dĩa lớn. Nước từ trong dĩa theo chu vi tràn ra và rơi xuống. Quanh giếng có những cây khổng lồ và những người đang leo trèo hay vui đùa trên các nhánh cây. Theo chu vi của bồn nước có 60 bức phù điêu mô tả các hoạt động của con người từ lúc sinh ra cho tới lúc chết vơi những tình cảm vui, buồn, ham muốn, ghen ghét, giận dữ...


Bức tượng Hong Tóc.

- Khu Thạch Trụ: nằm trên một đồi cao, thạch trụ là một cột làm bằng đá nguyên khối cao 14.12 mét đặt trên bệ. Trên bề mặt của thạch trụ có tạc 121 người đang vươn lên bầu trời. Họ đang vươn tới thế giới tâm linh, thánh thần hay thượng đế. Nó cũng thể hiện sự gần bên nhau, và hòa quyện vào nhau khi họ đang cầu xin và tìm về sự cứu rỗi. Xung quanh thạch trụ còn có 36 bức tượng bằng đá cũng cùng đề tài về sự sống, chết và tình cảm con người.

- Bánh xe đời sống: miêu tả bốn người nam nữ và một em bé bay bổng theo một vòng tròn. Tác phẩm này biểu tượng sự luân hồi và hành trình cuộc sống của con người từ khi sinh ra cho tới khi chết đi và tái sinh...

Trong công viên còn có rất nhiều bồn hoa, bãi cỏ, cây xanh, sông nước... Vào mùa hè hoa hồng nở rực rỡ mang lại màu sắc tươi vui thay cho tuyết trắng của mùa đông. Hôm nay du khách tới đây rất đông. Ða số du khách tới từ các xe tua chở họ từ các du thuyền. Họ nói tiếng Nhựt, Hoa hay Ðại Hàn. Ngày nay du khách từ Châu Á chiếm số lượng không nhỏ trong các chuyến cruise.

Theo nhận xét của tôi, công viên Vigeland là nơi vui chơi độc đáo nhứt của thủ đô Oslo. Nếu bạn có dịp đến đây thì nơi đầu tiên mà bạn cần thăm viếng chính là công viên này. Ðiều đặc sắc của các tượng điêu khắc của Vigeland là ông không đặt tên mà để cho người xem tự cảm nhận. Người bình thường có thể thấy rằng đây là một công viên to lớn, với các tượng đẹp được sáng tác rất tự do theo cảm hứng. Người hiểu biết hơn có thể thấy tình cảm và sự trừu tượng của các tác phẩm điêu khắc. Họ có thể thấy triết lý của Vũ Trụ Giáo, Phật Giáo với sinh tử, tái sinh, luân hồi... Mỗi người có thể cảm nhận khác nhau tùy theo cảm quan của mình, nhưng có lẽ đa số đều công nhận rằng, đây là một công viên có những tượng điêu khắc với những ý tưởng khác thường. Ðó chính là nét đặc sắc của công viên này.


Công viên Vigeland xinh đẹp.

Vui chơi ở công viên Vigeland tới hơn 12 giờ trưa, chúng tôi tìm đường ra trạm xe điện Majorstuen để trở lại khu trung tâm. Trên đường đi, chúng tôi thấy thành phố Oslo này thật vắng vẻ. Trên đường có xe chạy, nhưng dọc hai bên phố ở đây không có một bóng người, đi lạc cũng không biết hỏi ai. Gần tới trạm xe điện mới có lai rai vài người địa phương dẫn chó đi dạo. Xứ sở này quá ít dân, so với Saigon thì thiệt là một trời một vực. Chúng tôi chỉ đi xe điện một đoạn ngắn, tới trạm Nhà Hát Thành Phố thì xuống.

Ðây là một tòa nhà lớn có ba tầng, xây từ năm 1899. Phía ngoài nhà hát có một công viên nơi có nhiều cây xanh, sân cỏ và những bồn hoa được trồng nhiều bông hoa đẹp. Quanh công viên có nhiều tượng các nghệ nhân nổi tiếng của Na Uy. Phía trước Nhà hát có một bồn nước phun. Trưa nay trời không nắng lắm, khu vực này tương đối vui một chút vì có đông đảo hành khách của trạm xe điện và các du khách bốn phương. Chúng tôi ngồi nghỉ và uống nước ở đây. Ðang ngồi chơi thì có một người vô gia cư tới xin tiền. Ðiều này gây ngạc nhiên vì ai cũng nghĩ rằng Na Uy là một nước giàu có sẵn sàng giúp đỡ nhiều quốc gia, nhiều người tị nạn,... mà sao ngay tại thủ đô cũng có người vô gia cư. Nhìn kỹ xung quanh thì thấy cũng có cả chục người chớ không phải ít (vì ở đây gần một nhà ga xe điện ngầm). Té ra, ở đâu cũng vậy, có người giàu thì cũng có người nghèo. Có người đàng hoàng mà cũng có người bê bối... 


Nhà hát thành phố Oslo.

Cung Ðiện Hoàng Gia Oslo được xây cất để làm nơi cư ngụ của vua Carl Johan nhưng khi ông mất vẫn chưa hoàn tất. Tới năm 1849, dưới thời vua Oscar I, cung điện mới được khánh thành. Nằm trên đồi cao, mặt bằng của cung điện có dạng như hình chữ H. Tòa nhà chính dài 100 mét, rộng 24 mét, cao 23 mét. Có tất cả 173 phòng với diện tích tổng cộng là 17,624 m2. Hàng ngày cung điện có tổ chức bán vé để du khách vào xem bên trong, nhưng họ phải theo tua và theo giờ quy định chớ không được đi xem tự do. Quanh cung điện có công viên cây xanh nhưng không có hàng rào. Ðể bảo vệ, chỉ có lính canh trước cổng mà thôi.


Cung điện hoàng gia Oslo.

Phía trước cung điện có tượng của vua Carl Johan (1763-1844) cỡi ngựa đứng trên bệ cao nhìn xuống con đường Karl Johan Gate ở phía trước. Nếu bạn chịu khó đọc lịch sử thì sẽ thấy một điều lạ, bởi vì ông này là một người... Pháp nhưng lại trở thành vua của nước Na Uy và Thụy Ðiển từ năm 1818. Trưa nay, thấy thiên hạ đứng lố nhố phía trước cung điện để chờ coi lễ đổi gác, chúng tôi cũng tò mò ngồi chơi, chờ tới giờ.

Bên tay phải có một căn nhà lớn là nơi lính canh cư ngụ. Phía trước đã thấy mười mấy anh lính mặc quân phục đen đang xếp hàng đứng im. Hai bên là một hàng rào “người” là mấy anh lính khác đứng sát nhau. Họ không có vũ khí, chỉ mặc đồng phục. Mấy anh này chắc là học viên quân sự chớ chưa phải là lính. Phía sau hàng rào người này là đám du khách từ các tàu cruise đủ mọi quốc tịch. Tới hơn 1 giờ, một tốp lính từ lâu đài đi ra. Họ đi im ru, không kèn không trống. Quân phục cũng bình thường chớ không có nhiều màu sắc xanh đỏ như ở Anh hay Thụy Ðiển. Chúng tôi thấy lễ đổi gác trước Hoàng Cung ở Oslo xem chán quá, không có gì đặc biệt nên từ giã nơi đây và bắt đầu đi theo con đường vui vẻ nhứt Oslo. Ðó là: Ðại lộ Karl Johans Gate.

Ðại lộ Karl Johans Gate là một đại lộ lớn của Oslo kéo dài từ Cung Ðiện Hoàng Gia ở phía tây về tới Nhà Ga Thành Phố ở phía đông. Ðường này dài khoảng 1.5 km. Phía Nam là một công viên có cây xanh, hồ nước, bồn hoa, ghế đá để du khách ngồi nghỉ. Ngoài ra còn có tiệm bán kem, bán hoa, bán báo... Karl Johans Gate là một con đường mua sắm. Phía bắc có những quán hàng, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn sang trọng. Hôm nay ngày Chủ Nhựt, các khu thương mại đóng cửa nhưng nhà hàng, tiệm cà phê, quán bia vẫn làm việc. Du khách, người địa phương đi lại vui chơi rất đông đảo. Các xe hop on hop off cũng có trạm ngừng ở đây để du khách đi mua sắm. Vấn đề là phải có thẻ tín dụng hay tiền địa phương. Hầu hết các tiệm quán ở đây không nhận đô la hay Euro, các tiệm nhỏ còn không nhận thẻ tín dụng. Do đó nếu khát nước thì phải vô tiệm lớn để mua. (Kinh nghiệm là khi đi chơi ở bất cứ thành phố nào cũng nên đem theo một chai nước nhỏ).


Tòa nhà Quốc Hội Na Uy.

Các kiến trúc hai bên đường đều rất đẹp nhưng không có những tòa nhà chọc trời. Ða số chỉ ba bốn tầng nhưng trang trí bên ngoài rất hoa lệ. Ðặc biệt tôi thấy có một nhà hàng Việt Nam có tên là Nhà Hàng Xích Lô nằm ở tầng hai của một tòa nhà lớn ở đây. Ðây là một nhà hàng sang trọng của người Việt ở Oslo. Thực đơn của nhà hàng viết bằng tiếng Na Uy và giá tiền cũng rất mắc (trên 200 NOK hay 30 USD cho một món ăn chính).

Khoảng giữa đường là Tòa Nhà Quốc Hội, một kiến trúc lớn và đẹp. Phía đông của đại lộ không có xe chạy mà chỉ dành cho người đi bộ. Ở đây đường hẹp hơn nhưng vui hơn nhiều vì có những nghệ sĩ đường phố đang đàn hát, làm ảo thuật, làm xiếc, vẽ tranh... Họ thu hút những du khách tò mò đang nghe nhạc hay xem vẽ. Khu này là một khu náo nhiệt. Từ sáng tới giờ mới thấy Oslo vui hơn một chút.

Nhà Thờ Oslo: Chúng tôi đi tới ngã tư đường Kirkegata và Karl Johans Gate thì thấy có một tháp nhọn ở phía Bắc nên theo hướng đó để vào xem. Ðó là Nhà Thờ Oslo. Nhà thờ này xây bằng gạch đá và hoàn thành năm 1697. Ðây là nơi Hoàng Gia và chính phủ Na Uy tổ chức những sự kiện có tính cách công cộng. Năm 2001, đám cưới của Hoàng Tử Haakon đã diễn ra ở đây. Nhà thờ không lớn lắm, trang trí bên trong cũng đơn giản chớ không hào nhoáng như các nhà thờ ở Châu Âu. Tuy nhiên ở đây có một cây đàn phong cầm khá lớn đặt dưới tháp chuông.


Nhà thờ Oslo.

Ði bộ tới đầu phía Ðông của đường Karl Johans chúng tôi tới một quảng trường lớn. Phía Ðông quảng trường này là Nhà Ga Xe Lửa Trung Tâm Oslo. Nhìn từ phía ngoài nhà ga này chỉ là một tòa nhà không lớn, nhưng đây là đầu mối giao thông của Oslo. Từ đây xe lửa chạy đến khắp nơi trên đất nước. Phía dưới còn có các xe điện ngầm nối liên nhà ga và các địa điểm khác trong thủ đô. Phía trước nhà ga là rất nhiều trạm xe tram, xe buýt... Lúc này đã hơn 2 giờ trưa, chúng tôi đi xe tram số 12  về tàu nghỉ ngơi. Tôi còn luyến tiếc Oslo nên tiếp tục tìm hiểu thêm vài địa điểm du lịch khác.


Nhà hàng Xích Lô ở Oslo.

Cổ thành Akershus
Tàu Princess cặp bến ở chân một ngọn đồi phía Ðông Nam thành phố Oslo. Trên đỉnh đồi là Cổ Thành Akershus. Cổng chính để vào thành nằm ở phía Bắc, nhưng ở phía Nam cũng có cổng phụ. Tôi theo đường nhỏ để vào thành theo cổng phía Nam. Thành xây từ năm 1299 với vật liệu chủ yếu là gạch đá. Thành này đã chống đỡ được nhiều cuộc xâm lăng của Thụy Ðiển nhưng trong thế chiến thứ hai nơi đây đã bị quân Ðức chiếm đóng và làm bộ tổng tư lịnh từ năm 1941 tới năm 1945. Ðường vào thành vòng vèo theo đường dốc và qua một cổng vòm. Bên trong có những sân rộng. Dọc theo bờ đồi phía nam được bố trí rất nhiều đại bác. Từ đây, nhìn xuống hải cảng, phong cảnh khá đẹp với nhiều tàu bè di chuyển trong vịnh. Cặp bến, sát chân đồi là chiếc Emerald Princess to lớn mà sinh hoạt trên tàu có vẻ uể oải vì hầu hết du khách đã xuống tàu đi chơi đây đó trong thành phố. 

Trong phạm vi của cổ thành ngày nay còn có: Trại lính và trụ sở Bộ Quốc Phòng Na Uy, Nhà thờ Akershus, Viện Bảo Tàng Quân Ðội, Viện Bảo Tàng Kháng Chiến, vài tiệm bán cà phê đồ lưu niệm và nhiều nơi bí mật trong lòng đồi. Có tua dẫn du khách đi xem các phòng trong lâu đài nhưng phải tới đúng giờ và phải mua vé... Ngày xưa, cổ thành này còn là một nhà tù và là nơi xử bắn tội phạm. Có mấy người Na Uy đã bị xử bắn ở đây vì tội theo Phát Xít Ðức trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Tôi chỉ “cỡi ngựa xem hoa” một vòng trong các sân lâu đài và sân cổ thành, sau đó đi về phía bắc và xuống đồi từ hướng đó.





Trong cổ thành Akershus.

Nhà Hát Opera

Ra khỏi cổ thành, tôi rẽ theo hướng Ðông. Ði thêm chừng 500 mét, tôi tới một vịnh biển khác của Oslo. Ở đó có một kiến trúc đặc biệt. Ðó là Nhà Hát Opera Oslo. Nằm bên vịnh biển, Nhà hát được thiết kế theo phong cách hiện đại với hình dạng hai tảng băng đang đụng vào nhau. Nóc nhà hát là hai triền dốc và người ta có thể đi trên đó để ngắm cảnh Oslo. Nhà hát này hoàn thành năm 2007 với kinh phí là 700 triệu đô la. Diện tích sử dụng của nhà hát là 38,500 mét vuông với 1100 phòng. Rạp hát chánh có 1,364 ghế. Hai rạp nhỏ khác có thể chứa 400 và 200 ghế. Kiến trúc này nhận được giải World Architecture Festival Cultural Award năm 2008.

Từ Nhà Hát Opera mới của Oslo, tôi đi bộ về phía nhà ga với ý định tìm xe lên Viện Bảo Tàng Quốc Gia để xem bức tranh nổi tiếng của Munch là “The Scream.” 


Nghệ sĩ đường phố ở Oslo.

Trở về tới công viên trước Tòa Thị Chánh Oslo thì mới gần 4 giờ, còn sớm và lúc này ở đây khá đông đảo và vui vẻ. Hình như giờ này bà con mới bắt đầu một ngày, hay là lúc các du khách đi chơi khắp nơi dần dần trở về để chuẩn bị lên tàu. Các tiệm cà phê, tiệm bia đều đông khách ngồi chơi uống nước. Các tiệm bán đồ lưu niệm cũng có nhiều người đang xem hàng để mua trước khi lên tàu. Trên đường về tàu Princess, thấy có một chiếc tàu nhỏ của hải quân Na Uy đang cặp ở đó. Ðây là một tàu vớt mìn nhưng đã “về hưu” và hiện giờ trở thành một bảo tàng nổi. Ðặc biệt là tàu mở cửa cho du khách lên xem tự do. Thế là mình cũng lên xem một vòng cho biết chớ thật ra, cũng chẳng có gì hấp dẫn.

Hôm nay đi bộ khá nhiều nên hơi mệt. Về tới tàu, ngủ một giấc ngắn thì tới giờ đi ăn tối. Lúc 8:15 chúng tôi đi xem chương trình ca vũ nhạc đầu tiên của chuyến đi có tên là Motown. Ðây là chương trình ca vũ theo kiểu Mỹ như ở Las Vegas. Tuy nhiên số lượng vũ công và ca sĩ ít hơn. Ban văn nghệ Princess chỉ có 4 ca sĩ (hai nam, hai nữ), 9 nữ vũ công và 6 nam vũ công. Trong vòng 45 phút, họ trình diễn liên tục, vừa ca vừa nhảy múa. Họ hát cũng hay và thay trang phục liên tục. Chương trình ca vũ được tập dợt và thực hiện rất công phu nhưng thật ra chúng tôi xem thì cũng không thích lắm vì mình không biết nhiều về âm nhạc của người Mỹ, nhứt là âm nhạc thời thượng hiện nay. Xem ca vũ nhạc xong, chúng tôi về phòng xem TV để nghe ông John giới thiệu về thành phố Aarhus nơi tàu sẽ ghé bến vào trưa ngày mai.


Nhà hát Opera Oslo.

(Nguồn: Minh Tâm)

No comments:

Post a Comment