08 August 2014

Helsinki & Finland

Phần Lan là một nước thuộc vùng Bắc Âu, giáp với Thụy Ðiển ở phía tây, Na Uy ở phía Bắc, Nga ở phía Ðông, còn phía Nam là Vịnh Phần Lan thông vào biển Baltic. Xa hơn về phía Nam bên kia biển Baltic là nước Estonia. Phần Lan là một nơi đất rộng người thưa: diện tích 338,145 km2 trong khi dân số chỉ có 5.6 triệu người. Do ở vùng cực Bắc với vĩ độ từ 59 tới 71, Phần Lan là một xứ lạnh. Phía trên vòng Bắc Cực, vào mùa Ðông mặt trời không mọc, còn mùa Hè lại có Ðêm Trắng, mặt trời không bao giờ lặn ngay cả lúc nửa đêm. Vào mùa Ðông, người ta lại thấy ở đây có hiện tượng cực quang do ảnh hưởng của gió mặt trời.

Theo dòng lịch sử, từ thế kỷ thứ 12 đến thế kỷ thứ 18, Phần Lan từng là một phần của Thụy Ðiển. Sau đó, Phần Lan nằm dưới sự cai trị của nước Nga từ năm 1809 đến năm 1917. Ngày 6 tháng 12 năm 1917, Phần Lan được độc lập thành một nước cộng hòa. Tuy là một nước trung lập, Phần Lan đã bị Liên Xô tấn công năm 1940. Cuộc chiến tranh này chấm dứt năm 1944 và Phần Lan phải nhượng bớt một phần lãnh thổ cho nước Nga.

Năm 1955 Phần Lan gia nhập Liên Hiệp Quốc. Năm 1995, Phần Lan gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU). Ðây là nước Bắc Âu duy nhất gia nhập EU và xài đồng Euro.

Về kinh tế, Phần Lan có nhiều ngành công nghiệp phát triển như gỗ, giấy, luyện kim, đóng tàu, cơ khí, hóa chất, dược phẩm... Về nông nghiệp, Phần Lan có thể tự túc 85% lương thực. Ngoài ra, Phần Lan là một nước có nhiều hồ và rừng, sản phẩm gỗ chiếm 45% ngoại tệ xuất khẩu. Phần Lan cũng được quốc tế đánh giá là một nước có rất nhiều sáng tạo trong lãnh vực công nghệ thông tin. Ðiện thoại Nokia là sản phẩm nổi tiếng của họ trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Phần Lan là khoảng 36,000 USD/năm tương đương các nước phát triển ở Châu Âu như Anh, Pháp, Ðức.

Ngành du lịch ở Phần Lan hàng năm thu hút khoảng 4 triệu du khách. Hàng năm họ tiêu xài 6.7 tỉ Euro ở đây. Ða số du khách đến Phần Lan theo các du thuyền.

Phần Lan được xem như là quê hương của ông già Noel. Nói chính xác hơn, gia đình ông già Noel sống ở vùng Lapland, phía bắc Phần Lan. Ông còn có hộp thư ở bưu điện nữa. Muốn viết thơ cho ông, các em bé chỉ cần ghi địa chỉ Santa Clauss, Finland thì thư sẽ tới.

Phần Lan còn nổi tiếng về tắm hơi (sauna) nữa. Ðối với người Phần Lan tắm hơi là một tập quán không thể thiếu trong cuộc sống. Họ tắm hơi xong thì ra ngoài trời nhảy ùm xuống sông hay hồ để bơi lội mà không thấy lạnh...

Helsinki - White City of the North

Thủ đô Helsinki nằm ở phía Nam đất nước bên bờ vịnh Phần Lan. Thành phố này có 595,000 dân và được gọi là Thành Phố Trắng của phương Bắc có lẽ do đa số kiến trúc ở đây được sơn màu trắng.Tên gọi khác của Helsinki là “Người Con Gái của Baltic” (Daughter of the Baltic) do nét duyên dáng của nó.

Thành phố được người Thụy Ðiển thành lập năm 1550 để làm nơi trao đổi hàng hóa và cạnh tranh với thành phố Tallinn (lúc đó thuộc Ðan Mạch). Ðể bảo vệ nơi đây, pháo đài Suomenlinna được trên một hòn đảo ở phía Nam vào giữa thế kỷ thứ 18. Tuy nhiên Thụy Ðiển thua trận với Nga phải “nhường” Helsinki lại cho người Nga năm 1809. Ðến năm 1812 thì nơi đây trở thành thủ đô của Phần Lan thay cho cố đô Turku.

Helsinki là trung tâm kinh tế, văn hóa, chánh trị của Phần Lan. Trong thành phố có những công trình kiến rúc đẹp mắt và được công nhận là thành phố văn hóa của Châu Âu từ năm 2000.

Các địa điểm du lịch nổi tiếng ở Helsinki là:
Quảng trường Thượng Nghị Viện nơi có ngôi Nhà Thờ lớn (Tuomiokirkko).
Nhà thờ nằm trong vách đá (Temppeliaukion kirkko- Rock Church)
Khu Chợ Hải Cảng và Tượng Amanta (biểu tượng của Helsinki)
Nhà Thờ Uspenski
Sân vận động Thế Vận Hội
Tượng đài kỷ niệm Sibelius


Quảng trường Thượng Nghị Viện Helsinki.

Sáng nay trời nắng đẹp. Chúng tôi rời tàu lúc 8:30 để đi thăm viếng thủ đô Helsinki-Phần Lan. Tại bến tàu có nhiều phương tiện để vào khu trung tâm như các loại xe Hop On Hop Off, xe shuttle của công ty Princess, xe taxi... Do đã nghiên cứu trước, chúng tôi không đi các loại xe này mà ra ngoài trạm xe buýt trước bến phà đi Tallinn để đi xe buýt cộng cộng của thành phố. Trạm này cách bến tàu Princess chừng 400 mét. Chúng tôi sẽ đi xe số 15 để về nhà ga trung tâm Helsinki. Từ đây sẽ tiếp tục đi các xe khác. Giá vé cho nguyên ngày di chuyển bằng các phương tiện công cộng là 7 Euro. Ta có thể đi bất cứ xe buýt, xe điện nào, kể cả tàu thủy ra đảo Suomenlinna là một di sản thế giới. Bạn có thể mua vé từng chuyến hoặc cũng có thể mua vé nguyên ngày với giá 7 Euro (từ tài xế, hay các tiệm tạp hóa, quầy hướng dẫn du lịch...). Với vé này bạn có thể đi nhiều phương tiện giao thông trong vòng 24 giờ rất tiện lợi và tiết kiệm so với mua vé lẻ.

Từ bến tàu về khu trung tâm không xa lắm. Người khỏe cũng có thể đi bộ. Còn đi xe buýt thì chỉ 15 phút là tới. Ðường về trung tâm rộng rãi, hai bên có nhiều nhà lầu nhưng sáng nay chủ nhựt nên tiệm quán còn đóng cửa, dọc đường không thấy khách bộ hành gì cả. Mấy xứ Bắc Âu này ít dân, chỉ có những khu thương mại lớn mới hơi đông một chút. Tới nhà ga xe lửa trung tâm là trạm chót, chúng tôi xuống xe hỏi đường sau đó đi bộ một chút để đón tiếp xe buýt số 24 với ý định sẽ đến địa điểm du lịch đầu tiên là:

Ðài tưởng niệm Sibelius

Trạm xe buýt số 24 nằm ngay trung tâm thành phố đối diện một thương xá to lớn tên là Forum. Chúng tôi chờ chừng 10 phút thì xe tới. Trên xe có một đoàn khoảng 20 khách người Hoa. Họ cũng đi xem đài tưởng niệm Sibelius giống như chúng tôi. Họ có người hướng dẫn, còn chúng tôi đi tự do. Xe chỉ chạy có 10 phút là tới. Tại công viên Sibelius, đã thấy có 3 chiếc xe chở khách đi tua tới đây rồi.


Ðài tưởng niệm Sibelius.

Jean Sibelius là một nhạc sĩ nổi tiếng người Phần Lan. Ông mất năm 1957 hưởng thọ 91 tuổi. Ðể tưởng nhớ ông, thành phố tổ chức một cuộc thi thực hiện một đài tưởng niệm. Trong số 50 điêu khắc gia tham dự, Eila Hiltunen được chọn với dự án làm 600 ống thép không rỉ đặt sát nhau cao thấp một cách mỹ thuật giống như biểu đồ âm thanh. Toàn bộ tượng đài sẽ nặng 24 tấn, rộng 10.5 mét, cao 8.5 mét. Lúc đầu, dự án bị nhiều người chỉ trích chê bai này nọ. Nhưng sau khi khánh thành từ năm 1961 tới nay nơi đây trở thành một địa điểm thu hút du khách khi họ tới thăm Helsinki, thậm chí phiên bản thu nhỏ của tượng đài đã được thực hiện và đặt tại trụ sở UNESCO Paris và trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.


Tượng ông Sibelius trong khu tưởng niệm.

Chúng tôi tới đây lúc gần 9 giờ sáng. Trời nắng đẹp. Tượng đài đặt trên một mô đất cao giữa một công viên nên trông sáng sủa và gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh tượng đài với các ống thép còn có tượng điêu khắc khuôn mặt của nhạc sĩ. Trông ông ta đẹp trai và có vẻ nghệ sĩ 

Sáng nay, tuy còn sớm mà số du khách tới đây để xem tượng đài cũng đông quá. Nhiều nhứt là người Hoa. Họ đi theo tour. Có lẽ thời giờ ít ỏi nên họ chen nhau chụp hình trông rất láo nháo, mất trật tự.
Chúng tôi đi chơi tự do nên có nhiều thì giờ hơn. Sau khi xem tượng đài về một nhạc sĩ nổi tiếng, được thực hiện bởi một điêu khắc gia tài giỏi, chúng tôi tiếp tục đi sâu vào bên trong. Phía tây công viên là bờ biển. Ở đó có băng ghế ngồi nghỉ, ngắm cảnh. Ðó là một vịnh nhỏ nơi có nhiều du thuyền nhỏ cặp bến. Có một tiệm cà phê ở gần đó. Vài người địa phương đang đi dạo buổi sáng. Khung cảnh thật tĩnh mịch, yên ả, thanh bình...


Thăm viếng khu đài tưởng niệm nhạc sĩ Sibelius xong, chúng tôi ra bến xe buýt để trở lại khu trung tâm thành phố. Chúng tôi xuống xe ở trạm cũ, sau đó chuyển qua xe điện số 3T để ra một địa điểm du lịch nổi tiếng của Helsinki là khu Market Square.



Market Square

Quảng trường nằm ở bến tàu du lịch, phía Ðông khu trung tâm của Helsinki. Ở đây có một chợ trời bán đủ thứ hàng hóa cho khách du lịch như bưu thiếp, đồ thủ công, thủy tinh, quần áo... Ngoài ra, họ còn bán thức ăn như trái cây và hải sản nữa. Khu chợ khá đông người bán, người mua tạo nên một không khí nhộn nhịp vui vẻ rất nhiều so với những nơi khác trong thành phố. Trên bến tàu, các tàu chở khác ra thăm đảo hay các du thuyền, tàu của người đánh cá ra vô không ngớt càng tạo thêm sự sinh động, náo nhiệt. Phía Bắc quảng trường là Tòa Thị Chánh, Dinh Tổng Thống Phần Lan. Ðây là hai dinh thự to lớn xinh đẹp nhưng hôm nay ngày Chủ Nhựt nên đóng cửa im lìm.


Nhà thờ Helsinki.

Ở bến tàu có trạm xe điện. Lúc này du khách từ các tàu cruise lần lượt đổ về đây. Phía tây quảng trường có một bồn nước xinh đẹp. Ðó là bồn nước có tượng Amanda, một biểu tượng của Helsinki. Ta hãy qua đó xem một chút.

Bức tượng Amanda

Bồn nước xây bằng đá hoa cương. Giữa bồn nước là tượng một phụ nữ khỏa thân có tên là Amanda. Tượng làm bằng đồng cao 1.94 mét đặt trên bệ cao 5 mét. Dưới chân tượng có 4 con cá phun nước. Phía ngoài lại có tượng bốn con hải cẩu cũng phun nước ngược vào hồ. Mấy con hải cẩu này cũng làm bằng đồng cao chừng 1.5 mét.


Bức tượng Amanda, biểu tượng của Helsinki.

Bức tượng được điêu khắc gia Ville Vallgren (1855-1940) tạc năm 1906 tại Paris theo mẫu của một thiếu nữ Paris 19 tuổi, tên là Marcelle Delquini. Lúc sáng tác, điêu khắc gia đặt tên tượng là Merenneito-Mỹ Nhân Ngư. Tượng được đặt tại Market Square-Helsinki năm 1908 thì đổi tên là Havis Amanda. Theo tác giả, tượng này mô tả một mỹ nhân ngư đứng trên rong biển thể hiện sự tái sinh của Helsinki.

Sau khi tượng được khánh thành thì có nhiều người phê phán, nhứt là giới phụ nữ. Họ nói bức tượng trông sexy quá, gợi tình quá không giống sự ngây thơ của một mỹ nhân ngư. Có người còn nói: Nó giống “một con điếm người Pháp.” Còn bốn con hải cẩu với chiếc lưỡi thè ra sao giống hình ảnh của quý ông đang thèm muốn người đẹp. Họ nói cũng đúng vì theo nhận xét của tôi bức tượng này tuy rất mỹ thuật nhưng dáng đứng hơi ưỡn ra phía trước của nó trông hơi khiêu khích về mặt tình dục.

Nói gì thì nói, tượng Amanda ngày nay đã trở thành một biểu tượng (không chánh thức) của thủ đô Helsinki. Tôi là người dốt về nghệ thuật nhưng cũng phải công nhận đây là một bức tượng rất đẹp... và rất gợi tình. Hàng ngày có rất nhiều du khách tới đây thăm viếng chụp hình. Hàng năm vào dịp lễ Vappu (nhằm ngày 1 tháng 5), sinh viên đại học có truyền thống đội một cái nón lưỡi trai màu trắng cho bức tượng, sau đó họ quây quần vui chơi ở đây rất vui vẻ.

Lại có nhiều người tin rằng, bức tượng này tượng trưng cho tình ái, nếu quý ông tới đây thì nên dùng nước hồ để rửa mặt và hét lên ba lần từ “Rakastaa!” (có nghĩa là Love-Tình Yêu) thì ông ta sẽ được tăng thêm khả năng tình dục!

Trụ đá Alexandra

Sau khi xem “con điếm Paris,” chúng tôi đi về phía đông với ý định sẽ thăm viếng Nhà Thờ Uspenski trên đồi cao. Dọc đường chúng tôi thấy có một trụ đá hoa cương màu đỏ, hình tháp khá cao. Trên đỉnh có tượng một quả cầu và một con chim đại bàng có hai đầu bằng đồng. Ðó là Trụ Ðá Czarina. Trụ đá này đặt ở đây để kỷ niệm chuyến viếng thăm của Nữ Hoàng nước Nga là Alexandra Feodorova năm 1835.

Nhà thờ Uspenski

Chúng tôi đi về phía Ðông về hướng nhà thờ Uspenski. Nhà thờ nằm trên đồi cao, xây bằng gạch đỏ, mái nhọn màu xanh, trên đỉnh có những vòm củ hành phủ vàng. Ðây là nhà thờ Chánh Thống Giáo theo giáo hội ở Nga. Kiến trúc này rất lớn, từ dưới chân đồi nhìn lên đẹp lắm. Ðồi không cao lắm chừng 20 mét là cùng. Sáng nay Chủ Nhựt, trong nhà thờ có làm lễ.


Nhà thờ Upenski.

Tuy nhiên, người ta cũng cho du khách vào xem. Trang trí bên trong nhà thờ tương tự như bên Nga nghĩa là trên trần, trên tường có khảm hay vẽ rất nhiều tượng thánh mà mình không biết là ai. Ðặc biệt là nhà thờ không có ghế. Nhiều tín đồ đang bu quanh một vị linh mục để làm lễ trước một bàn thờ. Ða số, người dân Phần Lan theo đạo Tin Lành. Ðạo Thiên Chúa theo Chánh Thống Giáo có ít tín đồ hơn, nhưng đây là nhà thờ lớn, lại là ngày Chủ Nhựt nên cũng đông người lắm.

Nhà thờ nằm trên đồi cao, phía trước có một sân rộng. Từ đây có thể nhìn được khá xa. Sáng nay trời nắng tốt nên phong cảnh cũng khá xinh đẹp.

Quảng trường Thượng Nghị Viện

Rời nhà thờ Uspenski, chúng tôi tiếp tục đi bộ đến thăm một địa điểm du lịch của Helsinki ở gần đó là quảng trường Thượng Nghị Viện (Senate Square). Ðây là một quảng trường hình chữ nhựt khá lớn, mỗi chiều khoảng trên dưới 100 mét. Phía Bắc quảng trường là nhà thờ Helsinki (trước đây có tên là Nhà Thờ Thánh Nicholas). Phía Ðông là Tòa Nhà Chánh Phủ. Phía tây là Trường Ðại Học. Phía Nam quảng trường là khu thương mại. Giữa quảng trường có tượng Nga Hoàng Alexander II. Hôm nay Chủ Nhựt, trong quảng trường, người ta căn lều triển lãm và bán hàng nên có nhiều khách tới thăm viếng mua bán. Họ cho nhiều xe hàng vào tận đây gây ra cảnh lộn xộn, không đẹp mắt chút nào. Trên các con đường vòng quanh, rất nhiều xe buýt của các tua chở du khách đậu ở đây để họ đi thăm viếng khu Market Square.


Tượng Nga Hoàng ở Helsinki.

Phía Bắc quảng trường là Nhà Thờ Helsinki trên đồi cao. Trước nhà thờ có làm bậc thang bằng đá để du khách ngồi chơi hay theo bậc thang mà leo lên đồi. Bậc thang ở đây tương đối dốc, leo lên cũng khá nguy hiểm. Lên tới nơi mới hay nhà thờ đóng cửa không cho thăm viếng do đó chúng tôi không biết bên trong nhà thờ này như thế nào. Còn phía ngoài thì nhà thờ này khá lớn, sơn trắng. Nó có một mái vòm lớn, xung quanh có bốn vòm nhỏ, tất cả đều sơn xanh. Do nằm trên đồi cao nên nếu nhìn từ xa nhà thờ này coi rất uy nghi tráng lệ, còn tới gần thì thật ra các trang trí bên ngoài đơn giản hơn nhiều so với các nhà thờ khác ở Châu Âu.

Trong khi dạo chơi ở Quảng trường Thượng Nghị Viện, chúng tôi gặp nhóm đồng hương Việt Nam cũng đi chơi ở đây. Họ có 6 người, cũng hơi lớn tuổi nhưng cũng đi chơi tự do chớ không mua tour của tàu Princess. Chắc họ đi xe shuttle để ra đây chớ thật ra kiếm bến xe buýt số 15 cũng không phải dễ.

Esplanade

Xem khu quảng trường xong, chúng tôi đi về phía Nam, trở lại khu Market Square và đi bộ dọc một khu công viên nằm giữa hai con đường mua sắm ở phía Bắc và Nam. Trong công viên có nhiều khách bộ hành. Họ từ các xe hop on hop off xuống. Họ từ các tua của du thuyền. Họ đến đây để mua sắm, ngồi chơi hay xem internet vì nghe nói ở đây có tín hiệu wifi miễn phí. Trong công viên có nơi bán kem nhưng giá rất mắc. Ngoài ra còn có một tiệm cà phê và một sân khấu lộ thiên. Có một anh kia thổi kèn để xin tiền và có một văn phòng hướng dẫn du lịch nơi phát miễn phí bản đồ thành phố. Giữa công viên có tượng của một nhà thơ của Phần Lan tên là Johan Ludwig Runeberg (nhà thơ mà được dựng tượng thì chắc chắn thơ phải trữ tình lắm. Khâm phục!). Ở đó lúc này có một cô gái cầm bảng nói sẽ hướng dẫn xem các thắng cảnh của thành phố miễn phí lúc 12 giờ trưa. Ai thích thì chờ tới đúng giờ, cô sẽ dẫn đi. Chúng tôi ngồi chơi, ngắm cảnh ở một băng đá chừng 15 phút cho đỡ mỏi chân, sau đó đi xe tram số 3T để viếng thăm một thắng cảnh khác của Helsinki là:

Nhà Thờ Ðá (Rock Catheral)

Nhà thờ nằm ở phía Tây thành phố và có tên là Temppeliaukion Church. Ta có thể tới đó bằng cách đi bộ (chừng 30 phút) hay theo xe tram số 3T (chỉ 10 phút).


Bên trong Nhà Thờ Ðá.

Nhà thờ khánh thành năm 1969. Người ta đào sâu khoảng 10 mét vào bên trong của một khối đá hoa cương tròn với đường kính khoảng 40 mét, sau đó làm một mái vòm bằng đồng nhưng có đường kính nhỏ hơn. Phần phía ngoài của mái là 180 thanh kim loại đồng tâm. Khoảng trống giữa các thanh kim loại phủ kiếng nhờ vậy ánh sáng thiên nhiên có thể lọt vào và chiếu sáng bên trong. Từ ngoài nhìn vào thì thấy nhà thờ này không gây ấn tượng gì cho lắm. Vào bên trong thì thấy tường nhà thờ là vách đá, bệ thờ, ảnh tượng cũng không thấy đâu, chỉ thấy một cây đàn organ với nhiều ống thép. Giữa nhà thờ có nhiều băng ghế để khách ngồi nghe nhạc. Ðơn giản vậy thôi. Thế nhưng do xây trong đá nên âm thanh ở đây rất tuyệt vời, vì vậy nhiều buổi hòa nhạc đã được thực hiện ở đây. Nhà thờ đá là một địa điểm du lịch đặc biệt thu hút hàng trăm ngàn du khách hàng năm khi họ tới thăm viếng Helsinki.

Trước nhà thờ đá có hai tiệm bán đồ kỷ niệm, do thuận tiện nên du khách vào xem và mua hàng rất đông, mấy cô thu ngân tính tiền không kịp.


Khu vực nhà ga

Xem nhà thờ trong đá xong, chúng tôi đón xe tram 3T trở lại khu nhà ga trung tâm Helsinki. Nhà ga rất lớn, cổng nhà ga hình vòm, mỗi bên cổng có hai tượng người thanh niên. Tổng cộng là bốn tượng. Trên trên tay mỗi tượng là một cái đèn tròn. Ðối diện nhà ga là một khu thương mại. Ở đó có tiệm bán quần áo, nhà hàng, tiệm kem, tiệm cà phê... Khu vực quanh nhà ga có nhiều kiến trúc đẹp. Quảng trường phía bên tay phải rất rộng, ở đó có nhiều kiến trúc to lớn. Ðặc biệt phía Bắc là Nhà Hát Quốc Gia Phần Lan. Nhìn phía ngoài, nhà hát này giống như một lâu đài.


Nhà ga Helsinki.

Bên trong nhà ga có nhiều sạp bán sách báo, bưu thiếp, đồ kỷ niệm, đồ ăn nhanh... Thấy để giá một phần bánh mì baguette là 5 Euros.

Chúng tôi còn 3 giờ để vui chơi ở Helsinki nhưng đã mỏi chân nên xin hẹn kỳ sau, nếu có dịp trở lại sẽ đi thăm đảo Suomenlinna hay sân vận động Helsinki, nơi tổ chức Thế Vận Hội năm 1956. Lúc này hơi mệt nên phải trở về tàu nghỉ ngơi.

Lúc 2 giờ trưa, chúng tôi trở lại bến xe buýt số 15 để đón xe về tàu. Trưa nay, nhiều du khách như chúng tôi cũng đang chuẩn bị trở về tàu nên tại bến xe người ta sắp hàng khá dài. Xe tới, tài xế bán vé chỉ nửa xe rồi chạy chớ không bán cho hết chỗ (có lẽ họ chạy theo thời khóa biểu nên không dừng lâu ở một chỗ). Khách có sắp hàng dài thì xin chờ chuyến sau. Chúng tôi mua vé ngày nên không cần mua vé nữa mà chỉ cần trình vé đã mua hồi sáng. Xe chạy chỉ 10 phút là về tới bến tàu. Từ trạm xe buýt đi bộ về tới tàu cũng hết 10 phút nữa. Ði chơi chuyến này đi bộ khá nhiều nên tuy có ăn nhiều một chút thì cũng không lên cân bao nhiêu.

Xem văn nghệ tối

Tối chúng tôi đi xem ảo thuật tại một rạp hát nhỏ. Chương trình này không hay lắm. Tới 8:30 chúng tôi xuống rạp hát lớn xem biểu diễn violon do nhạc sĩ Chris biểu diễn. Tôi vốn không rành về nhạc nhưng thấy quảng cáo ông nhạc sĩ này từng biểu diễn cho Hoàng Gia Anh Quốc và Mã Lai xem thì cũng tò mò xuống xem coi ông ta trình diễn hay dỡ thế nào. Té ra hay quá. Ổng kéo vĩ cầm thật điêu luyện. Tiếng nhạc réo rắt lôi cuốn khán thính giả từng giây phút một.



Cây đàn độc đáo của nhạc sĩ Chris.

Rõ ràng ông này là một thiên tài. Cây vĩ cầm của ổng cũng rất đặc biệt. Ðây là vĩ cầm điện. Nó được thiết kế với hình dáng rất mỹ thuật và được dát những hạt đá quý lên trên mặt nên trông rất lấp lánh. Ông nhạc sĩ này được khán giả thưởng thức và vỗ tay khen thưởng rất nhiều. Sau chương trình văn nghệ ổng còn ra trước sân khấu để bán DVD nữa.

Lúc 10:30 còn có chương trình văn nghệ do các nhân viên phục vụ trên tàu phục vụ hát múa nhưng chúng tôi không xem mà về phòng nghỉ ngơi. Tối nay sẽ vặn ngược đồng hồ 1 giờ vì tàu chạy về hướng Tây qua múi giờ Stockholm chậm hơn giờ Helsinki một giờ. Như vậy chúng tôi được ngủ thêm 1 giờ...


Cảnh quan Senate Square, Market Square và nhà thờ Tin Lành Helsinki Cathedral. 

Finland có chung biên giới với Norway về phía Bắc, phía Ðông giáp Russia, phía Tây giáp ranh với Sweden, và phía Nam vượt qua Vịnh Finland là Estonia. Ðiểm nổi bật nhất của xứ sở Finland là vì đây cũng chính là “quê hương” của một nhân vật dễ yêu trong thế giới trẻ em. Ðó là Ông già Noel “Santa Claus” người đem niềm vui cho trẻ con mỗi năm vào ngày Chúa ra đời. Nơi ở của ông là thành phố nhỏ Rovaniemi nằm trong tỉnh Laplan về phía Bắc Finland. Ông cũng cho mở văn phòng “Santa Claus Village” tại đây đón nhận du khách quanh năm, đồng thời mở thêm các công viên nuôi các con Tuần-lộc (Reindeer và Huskies) cùng các dịch vụ du lịch khác dành cho những ai muốn đến thăm ông. Có lẽ đây là một điểm văn hóa nổi bật nhất của Finland ảnh hưởng đến thế giới phương Tây nói chung.


Cảnh quan thành phố Helsinki và nhà thờ Chính Thống Giáo Uspenski.

Tuy nhiên, so với số tuổi lịch sử Finland là một đất nước còn rất tươi trẻ trong cộng đồng Âu Châu, nó chỉ mới ra đời vào năm 1812. Phải nói thêm rằng, nằm giữa hai cường quốc Russia và Sweden mà Finland có được một thế đứng độc lập như ngày nay thì quả là một điều may mắn cho người dân Finland. Ngoài ra, so sánh với các thủ đô khác trong cộng đồng Âu Châu thì Helsinki quả là một thủ đô quá nhỏ bé vì dân số chỉ có hơn 600,000 người sinh sống ở đây. Thắng cảnh không gian của thành phố này hầu như tụ vào hai ngôi nhà thờ lớn Helsinki Cathedral và Uspenski Cathedral. Helsinki Cathedral là nhà thờ Tin Lành màu tường trắng vòm xanh lam xây trên đồi tại ngay Senate Square và Uspenski Cathedral là ngôi nhà thờ Chính Thống Giáo với tường gạch nâu đỏ, chóp đỉnh màu xanh-lam-đậm nằm cách đó không xa. Có lẽ đó là hai building lớn nhất nhì thành phố tạo cho Helsinki một sắc thái khác hẳn các thành phố khác trong khu vực Scandinavia.


Hải đảo vây quanh thành phố Helsinki. 

Ðứng trên boong tàu nhìn thành phố Helsinki xa dần khi con tàu rời bến, hình như chỉ còn hình ảnh nhà thờ Helsinki Cathedral, Uspenski Cathedral, và các hải đảo quanh thành phố còn hiện hữu trong tâm tư. Hình ảnh này luôn tạo cho tôi một nỗi buồn nhè nhẹ không biết từ đâu len đến.
Mùa Hè sinh hoạt của thành phố như tụ về khu vực cảng Market Square nằm ngay gần quảng trường Senate Square. Người ta dựng các lều vải và buôn bán các món ăn đặc sản địa phương, các trái cây như blueberry, nho, dâu. Những loại trái cây được trồng ê hề ở các xứ vùng nhiệt đới. Ðặc biệt người dân bản xứ bán các món ăn trưa bao gồm cá salmon, cá cơm chiên, mực chiên bột (kalamari), khoai tây và các món cà rốt, rau cải. Một phần ăn như thế khoảng 14 Euros (thời điểm năm 2013), tức khoảng 20 USD. Ngoài ra, các hàng quà souvenir, thường là “hand made” cũng được các nghệ nhân bày bán. Tôi có dịp làm quen với một vài người Việt Nam buôn bán ở đây. Một kios nhỏ do một gia đình người Việt trông nom bán các món hàng lẻ như thuốc lá, bánh kẹo và các món quà lưu niệm. Biết thêm một anh cũng đứng tuổi, anh cho biết công việc của anh là dọn dẹp khu chợ về chiều. Ai cũng than về cái lạnh ở xứ sở ông già Noel và 6 tháng mùa Ðông là 6 tháng buồn, không chợ búa và tôi cũng chưa bao giờ hỏi họ làm gì cho hết 6 tháng mùa Ðông đóng cửa chợ. Anh ta lúc nào cũng sốt sắng khi gặp lại người Việt ở đây và luôn nhắc nhở “các anh coi chừng bị móc túi”!


Tượng tiên nữ Havis Amanda, biểu tượng cho vùng biển Baltic Phần Lan. 

Nhưng đã đến Market Square thì du khách cũng không nên bỏ lỡ cơ hội ghé qua thăm tượng người thiếu nữ kiểu mẫu Havis Amanda, biểu tượng cho biển Baltic Finland, ở sát ngay bên cạnh. Tiên nữ “Havis Amanda” được thành phố Helsinki sinh ra để khoe sắc đẹp so với nàng Tiên cá “Little Mermaid” bên phố cảng Copenhagen của Denmark. Và thế nào bạn cũng được thành phố Helsinki giới thiệu đến một nhạc sĩ giao hưởng nổi tiếng của họ, nhạc sĩ Jean Sibelius. Ðất nước này đã trân trọng làm công viên “Jean Sibelius Memorial Park” để tưởng nhớ ông.
Nếu bạn là người không thích dạo shopping và thăm museum, có lẽ thành phố Helsinki chỉ lưu giữ chân bạn trong vòng một ngày là đã hết nơi đi. Tôi chưa có dịp biết đến thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” Pleiku ngày xưa ra sao để mà so sánh với Helsinki, nhưng nơi đây thì quả thật nhỏ bé so với những nơi tôi đã đến.


Suomenlinna, thành lũy pháo đài bảo vệ thành phố Helsinki, di sản thế giới của UNESCO. 

Ngày nay, ngành kỹ nghệ giao thông thế giới đã tiến bộ vượt bực vào thế kỷ 20 nên việc di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác không còn là một vấn đề cho kỹ nghệ du lịch. Bạn có thể đi từ Helsinki, thủ đô Finland, đến Stockholm (thủ đô của Sweden) bằng hai cách: một là đi bằng máy bay, hai là ngủ đêm trên Ferry Cruise Ship. Mỗi phương tiện đều cho bạn những hình ảnh riêng biệt về nét đẹp của thiên nhiên trên đường đi. Nếu đường hàng không chỉ cho bạn hơn một tiếng đồng hồ ngắm cảnh quan trời, biển, nước, mây, hải đảo, và hồ thì tuyến đường biển cho bạn cả một đêm hải hành trên vùng biển Baltic. Ðây cũng là dịp bạn có cơ hội thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố biển Helsinki cùng các lũy pháo đài được xây dựng để bảo vệ thành phố từ thế kỷ 19. Suomenlinna là một lũy pháo đài đã được UNESCO công nhận là một di sản thế giới năm 1991.


Bên trong Ferry Cruise Silja Line. 

Có hai tuyến đường Ferry Cruise Ship Helsinki-Stockholm là Vicki Line và Silja Line. Ðây là một phương tiện di chuyển đi lại giữa hai thành phố mà tôi cho là rất thích thú dành cho những ai cần sự thoải mái nghỉ ngơi. Silja Line có phẩm chất cao hơn và là một Ferry Cruise Ship có chuyến đi lại hàng ngày xuyên qua biển Baltic giữa Findland và Sweden. Chuyến khởi hành từ Helsinki thường thì vào lúc 5:00 chiều và đến Stockholm sáng ngày hôm sau lúc 9:30 sáng. Các dịch vụ trên thuyền cũng gần giống như các du thuyền khác nhưng hơi đơn giản hơn vì chuyến đi chỉ có một đêm. Trên thuyền có một hành lang dành cho các cửa hàng shopping, casino, khu vui chơi của trẻ em, các tiệm ăn và café teria. Có một tầng dành cho supper market tương đối khá lớn dành cho du khách với đủ loại rượu bia, áo quần, kẹo chocolate của các nước Âu châu. Tôi chọn bữa ăn tối buffet trên cruise vì các món tôm, các loại salmon, con hà, trứng cá hồng & đen, và steak là những món ăn ngon của vùng Scandinavia. Nhất là được bao gồm luôn cả nước uống, wines, beer, trà và café. Dĩ nhiên một phần ăn buffet không rẻ ở các vùng đất Scandinavia (khoảng 50 USD/người), nhưng nếu bạn đi ăn riêng thì chắc cũng chẳng rẻ hơn được bao nhiêu.

Chuyến hải hành Helshinki-Stockholm chạy len vào các hải đảo dọc theo lộ trình đường biển. Chỉ chừng 5 giờ sáng là du khách đã thấy mờ mờ các các hải đảo vây quanh hai bên đường biển. Kể ra cũng thật là thú vị được ngắm trời cao biển đảo vây quanh. Có muộn phiền nào ở lại được với cơn gió lộng cuốn đi.

Nhưng bạn nên chú ý một điều, múi giờ Helsinki luôn đi trước Stockholm 1 giờ (thí dụ Helsinki 6:00am thì Stockholm mới 5:00am). Hơn thế nữa, chắc cũng chẳng bao giờ bạn có thể nghĩ ra rằng số hải đảo của Finland lên đến khoảng 180,000 đảo (mỗi đảo lớn trên 100m2) và có trên 187,000 hồ rộng trên 500m2. Finland xứng đáng là xứ sở của vạn-Ðảo vạn-Hồ.


Công viên tưởng nhớ nhạc sĩ Jean Sibelius nổi tiếng của Phần Lan. 

(Trần Nguyên Thắng)

No comments:

Post a Comment