15 August 2008

Phú Sĩ huyền thoại

Với độ cao 3776m, Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất, nằm ở vị trí gần như trung tâm của quần đảo Nhật, trên đường ranh giới giữa 2 tỉnh Shizuoka và Yamanashi, ở trung bộ đảo chính Honshu... Trong quan niệm của người Nhật, Phú Sĩ tượng trưng cho sự tốt lành. Ngọn núi uy nghi tượng trưng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Nhật Bản.
Chiều là thời khắc đẹp nhất của Phú Sĩ. Trên nền ánh sáng đỏ của mặt trời sắp lặn, ngọn núi hiện rõ mồn một... Nếu là chiều Đông, núi phủ tuyết trắng nuột. Còn vào mùa Thu, Hè, ngọn núi có một màu xanh nổi bật... 

Tuyệt tác thiên nhiên...

Có lẽ, một trong những nét đẹp và sự hấp dẫn của Phú Sĩ nằm ở sự độc đáo của các quần thể thiên nhiên xung quanh núi. Từ đỉnh núi xuống đến độ cao 2800 - 2400m, chóp núi trơ trụi toàn nham thạch. Nhưng ở phía dưới, lưng núi lại được bao phủ bởi những tầng cây cối xanh tươi. Dưới chân núi, nơi đường kính rộng tới 40 - 50 km, 5  hồ nước ngọt lớn, nổi tiếng giống như những viên ngọc khẳm vào thân núi là Kawaguchi, Yamanaka, Sai, Motosu và Shoji. Cùng với hồ Ashi, 5 hồ này cùng các con suối, những khu rừng già rậm rạp và những động vật, cây cối hoang dã đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp. Chúng chính là một phần của công viên quốc gia Phú Sĩ Hakone - Izu.



Núi Phú Sĩ với hình chóp bốn cạnh rất đều đặn, với đường kính của miệng núi lửa gần 700m, sâu khoảng 220m có hình dáng gần giống cái bát của nhà sư nên được gọi là "Ngự bát". Trên ngọn núi có các ngôi đền thờ thần. Xung quanh có hơn 2.000 giống cây, giống như một khu vườn bách thảo. Trên đỉnh núi tuyết trắng xóa, du khách có thể nhìn thấy 8 đỉnh núi xung quanh là Kiếm, Bạch Sơn, Cửu Tu Chí, Đại Nhật, Y Đậu, Thành Tựu, Câu và Tam - được ví như 8 cánh hoa nở hướng lên trời cao. Do đó, chúng còn được gọi là "Tám cánh phù dung".



Núi Phú Sĩ hùng vĩ tráng lệ và muôn hình muôn vẻ vào các mùa: mùa Xuân hoa lá xanh tươi, mùa Hè nước chảy rì rào, mùa Thu lá đỏ phủ khắp đồi núi, mùa Đông băng tuyết trắng xóa. Điểm lạ lùng, khác thường nhất của Phú Sĩ là ở chỗ tuy đã từng phun nham thạch lên độ cao tới gần 4000m ở những thế kỷ trước, là 1 ngọn núi lửa trẻ nhưng kể từ khi nằm im, nó lại hoàn toàn không có hoạt động phun khói hay động đất nào. Vào những ngày đẹp trời,du khách có thể ngắm Phú Sĩ từ thủ đô Tokyo với khoảng cách 130 km, thậm chí có thể từ 1 vị trí xa hơn nữa, chừng 300 km. Đỉnh núi Phú Sĩ quanh năm tuyết phủ tạo nên 1 vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ không chỉ ở trong thi ca, hội họa Nhật Bản mà còn cả ở trong đời thường.

Chặng đường gió bụi...

Mặc dù chặng đường leo lên đỉnh núi mấy ngàn mét này vô cùng vất vả gian nan nhưng hàng năm, vẫn có cả ngàn người hành hương lên đỉnh. Xưa kia, những đoàn người này thường vận áo trắng và phải tẩy rửa thân thể trong sạch tại 5 hồ lớn dưới chân núi. (Ngày nay, thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những người vận đồ trắng để leo núi. Họ chính là các tín đồ của Fujikyo - 1 đoàn thể vừa mang những yếu tố của thần đạo, vừa mang những yếu tố của đạo Phật - coi ngọn núi như 1 nơi linh thiêng. Tục truyền rằng, người sáng lập ra Fujikyo đã 128 lần lên tới đỉnh Phú Sĩ trong suốt quãng đời 106 năm của mình)



Mùa leo núi được kéo dài từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 hàng năm - đây cũng là thời điểm mở cửa núi của Nhật Bản. Có khoảng 200.000 lượt người leo lên ngọn núi này mỗi năm, trong số đó có khoảng 30% là người nước ngoài. Hành trình leo núi mất từ 3 - 7 giờ, thời gian hạ sơn thường nhanh hơn thời gian đăng sơn, chỉ mất từ 2 - 5 giờ.

 Hầu hết những người leo núi thường chọn thời điểm khởi hành vào ban đêm để đến khi lên tới đỉnh núi họ có thể ngắm được mặt trời mọc lúc sớm mai... Từ thủ đô Tokyo, du khách có thể đi bằng xe buýt về phía Tây Nam để đến Phú Sĩ. Qua công viên Fujiyama, qua những đường tàu lượn trên cao và các đu quay khổng lồ, đỉnh Phú Sĩ hiện dần qua làn sương khói cùng con đường nhỏ vắt từ chân núi lên cao dần nom như 1 dải lụa mảnh mai giữa bầu không gian lồng lộng.



Đến chân núi, du khách sẽ thấy ấm áp hơn nhờ những chiếc xe hơi đỗ bên các lều trại - của các tốp leo núi khác. Dọc các chặng leo núi, các khu dịch vụ, vệ sinh, bãi đậu xe được bố trí khá hợp lý và đậm tính dã chiến. Một điều đáng lưu tâm là nơi đây, nham thạch của núi lửa có rất nhiều sát nên từ trường ở khu vực này rất mạnh, nó có thể làm nhiễu sóng điện thoại di động hoặc các thiết bị định vị vê tinh.



Lên đỉnh có 5 đường chính với 10 chặng. Ô tô của du khách chỉ có thể lên tới chặng thứ 3, hành trình tiếp theo sẽ là đi bộ, mất từ 5 - 9 tiếng. Thời tiết khắc nghiệt, đường dài khó khăn, hiếm trở song bước chân tìm về cội nguồn của người dân Nhật không lúc nào ngơi nghỉ...
Càng lên cao, cảnh sắc càng tuyệt vời, những sắc đỏ, vàng, xanh chen lẫn tựa như bức tranh thiên nhiên vừa hài hòa, dễ chịu.



Phú Sĩ mang vẻ đẹp thật độc đáo về đêm khi nhìn từ thành phố .
(from net)

No comments:

Post a Comment