27 April 2008

Thăm chùa vàng Thái Lan


Với chương trình hội nghị khá dày đặc, chúng tôi chỉ có một ngày để đi tham quan du lịch. Những điểm du lịch của Bangkok thì tôi đã thăm không chỉ một lần, nhưng thời gian cũngđã khá lâu nên vẫn muốn đi thăm lại, cũng để thử lại tài "phó nháy" của mình xem tiến bộ ra sao.
Bangkok mùa này nắng đẹp nhưng khá nóng.







More...
Đây là hình ảnh khu chùa vàng nhìn từ sông Chao Phraya và từ bên ngoài khu di tích. 





Đây là Chùa Wat Traimit, nơi có tượng phật bằng vàng ròng lớn nhất thế giới nặng 5.5 tấn.
Trích Thư viện Hoa sen: Tượng Phật vàng : Ở trung tâm khu phố Chinatown của Bangkok, trong một con ngõ nhỏ, có một ngôi chùa Phật giáo - Wat Traimit. Bề ngoài, ngôi chùa trông khá bình thường vì nằm lọt giữa một khu nhà kiến trúc đơn giản. Nhưng đây chính là ngôi chùa rất độc đáo, chứa đựng bên trong nó một tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới: cao 3 mét và nặng hơn 5 tấn! Tượng được đúc theo phong cách Sukhothai tĩnh lặng và được khám phá một cách tình cờ vào thập niên 1950.
Ban đầu, nguyên bản pho tượng vàng cực kỳ quý giá này được giấu trong lòng một pho tượng Phật đồ sộ khác đắp bằng vữa trát tường (mà không một ai hay biết!) ở một tu viện Phật giáo bỏ hoang gần khu buôn bán sầm uất tại Bangkok. Tiếc pho tượng cũ nằm lăn lóc tại đấy, vị sư già trụ trì chùa Wat Traimit bèn cho người di chuyển tượng đến một khoảng đất rào kín thuộc chùa Wat Traimit để tiện việc thờ phượng. Trong khi di chuyển tượng, một sự cố xảy ra và điều lạ lùng nhất đã xuất hiện: dây treo cần trục căng thẳng và đứt, khiến cần trục dùng để nhấc đỡ tượng đổ sụp; pho tượng rơi xuống nền nhà, nứt vỡ. Tối hôm ấy, một cơn giông bão đã tràn qua Bangkok. Mưa xối xả trút nước xuống pho tượng vỡ. Sau khi mưa tạnh, vị sư trụ trì bắt đầu lau dọn bức tượng và chú ý thấy ánh kim loại lấp lánh bên trong qua một mảng vữa vỡ to. Thế là ông cùng một số thầy tu đập vỡ lớp vữa bao bọc bên ngoài tượng; và bí mật được hé lộ: bên trong là một pho tượng chói lọi và rực rỡ bằng vàng 18 carat với khoảng 80% là vàng nguyên chất! Các nhà khảo cổ Thái Lan lập tức vào cuộc; kết quả nghiên cứu cho thấy: Pho tượng Phật vàng này đã có từ thế kỷ XIV và được giấu trong lớp vỏ bọc là vữa trát tường vào thế kỷ XVIII để ngăn quân Myanmar (khi tấn công Ayuthaya) cướp bóc. Dĩ nhiên người ta không bao giờ biết được chính xác tác giả kiệt tác độc đáo nhất thế giới này là ai, bởi vì những tượng Phật Thái Lan ngày xưa được sơn, vẽ hoặc điêu khắc dùng trong việc thờ phượng - không bao giờ được ký tên hoặc mua bán! Sự cúng dường hoặc sự sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật phục vụ đền, chùa ở Thái Lan luôn được xem như một hành động đáng được ngợi ca. Và sự ngợi ca sáng tạo này luôn được coi trọng hơn tên tuổi tác giả! Ngày nay, chùa Wat Traimit luôn thu hút tín đồ Phật giáo và khách du lịch đến chiêm ngưỡng tượng Phật vàng cũng như lễ Phật, cầu phúc-an-khang.


Chùa Phật ngọc Wat Phra kaeo.
Trích Thư viện Hoa sen: Tượng Phật ngọc lục bảo
Đây là pho tượng Phật được sùng kính nhất Thái Lan (tạc dáng Đức Phật đang ngồi thiền định, rất phổ biến trong nghệ thuật Sri Lanka), chỉ cao khoảng 75cm, chạm khắc từ khối đá lục bảo quý hiếm, được tôn trí trang trọng trong chùa Wat Pra Kaeo (chùa Phật Ngọc Lục Bảo) tại cung điện lớn ở Bangkok. Ngôi đền được hoàn thành năm 1784.
Theo Sử biên niên Thái, pho tượng đã được phát hiện một cách kỳ diệu vào năm 1434 tại một ngôi chùa thuộc tỉnh Chiang Rai (Bắc Thái Lan). Hôm ấy, một tia chớp chói lòa bỗng dưng xuất hiện và chạm thẳng vào một chedi (tượng Phật được làm từ vữa stucco rắn chắc và sơn ở ngoài). Vị sư trụ trì ngôi đền vội đến xem, thấy lớp vữa bị bong ra và bên trong có một pho tượng nhỏ ánh xanh lộ ra. Tiếp đó pho tượng phát màu rực rỡ siêu nhiên, khiến dân chúng tò mò tụ tập lại để chứng kiến biểu tượng đẹp của Đức Phật. Tương truyền, sức mạnh huyền diệu của pho tượng đã hấp dẫn tất cả những ai đi ngang qua đó. Cuối cùng, pho tượng đã được đưa về Chiang Mai, rồi lưu lạc qua Lào vào thế kỷ XVI. Năm 1778, viên tướng người Thái - Phya Chakri - đã chinh phạt để đoạt lại bức tượng. Trong niềm vui chiến thắng, vị tướng này đã được tôn làm vua với vương triều Rama. Ông quyết định mang tượng Phật ngọc lục bảo về Bangkok trong niềm tin tưởng pho tượng sẽ ban cho kinh đô một vận hội tốt cũng như sẽ bảo vệ nền độc lập cho đất nước.
Từ đó đến nay, tượng Phật ngọc lục bảo được đặt trên chóp bệ thờ mạ vàng cao 11 mét, tại tầng cao nhất của chùa Wat Pra Kaeo. Chiếm phần còn lại của không gian xung quanh bảo tượng là một nhóm tinh tuyển những đồ trang trí rực rỡ và các tượng Phật nhỏ hơn, cùng vô số tranh sơn tường dựa theo những đề tài Phật giáo. Tượng Phật ngọc lục bảo mỗi năm được thay pháp phục 3 lần: mùa nắng, mùa mưa và mùa lạnh. Vua Rama I đã cho thiết kế 2 áo cà sa để phục trang cho tượng Phật: 1 áo chùng không tay 60 nút (dùng trong mùa nắng) và một áo choàng ngoài mạ vàng lốm đốm xanh (dùng trong mùa mưa). Đến đời vua Rama III, vua đã ra lệnh làm thêm 1 áo choàng nghi lễ bằng vàng nguyên chất (dùng trong mùa lạnh)! Vào thời kỳ giao mùa, cũng là lúc diễn ra nghi thức thay áo cà sa. Nghi thức bắt đầu bằng câu “Tâu bệ hạ...”, rồi nước thiêng được tưới lên tiền sảnh (phòng đợi viếng tượng và cầu nguyện) bên ngoài. Vào dịp này, đông đảo Phật tử, nhân dân Thái Lan và khách hành hương các nước đến chùa Phật Ngọc Lục Bảo để dâng sen hồng, hoa quả, thắp nến và nhang trầm tôn niệm Đức Phật - vị “Bệ hạ” đã ban phước lành cho muôn dân và giữ yên bờ cõi đất nước “mùa Xuân Phật giáo”.


Chùa Wat Pho, nơi có tượng phật nằm khổng lồ.
Trích Wikimedia: Wat Pho là ngôi chùa (wat) lớn nhất và cổ nhất ở Bangkok (với diện tích 80.000 m2) và có hơn một ngàn ảnh Phật, nhiều hơn bất cứ chùa nào ở các quốc gia khác. Chùa này cũng có bức tượng Đức Phật ngồi tựa. Tượng này được tạc như một phần của đợt phục dựng thời vua Rama III. Bức tượng Phật này dài 46 m và cao 15 m, được trang trí bọc vàng trên thân tượng và ngọc mẫu (mother of pearl) trên đôi mắt và bàn chân. Trên bàn chân trang trí 108 cảnh điềm lành theo phong cách Trung HoaẤn Độ.


Tiệc mừng hội nghị ở Royal Navy Park bên bờ sông Chao Phraya. NHững mỹ nhân ngồi trên đài sen đón tiếp quí khách.

NGhệ nhân với món ăn truyền thống của Thái, bánh bột lọc hình trái cây các loại.




No comments:

Post a Comment