Tôi nghĩ hành trình đến những ngọn núi luôn là một điều gì đó đặc biệt trong mọi nền văn hoá. Và với mỗi con người cũng vậy, những ngọn núi luôn gợi cho người ta một cảm giác rất đặc biệt. Đứng trước núi, con người cảm thấy như mình vừa tách rời khỏi núi, vừa nhỏ bé trước núi, nhưng cũng như có một sợi dây nào đó nối kết, một cảm giác như là một phần của rừng núi mênh mang đấy. Và núi cứ muôn đời như thế, như hàng triệu năm từng trôi qua, vừa dửng dưng vừa gần gũi trong sự bí ẩn màu nhiệm. Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các nền văn hoá, dường như các vị thánh thần đều cư trụ trên những ngọn núi: Zeus cùng những vị thần Hy Lạp trú ngụ trên đỉnh Olympus, giáng sấm sét xuống trần gian và quan sát loài người; còn trong thần thoại Ấn Độ, thần huỷ diệt Shiva cũng ngự trên đỉnh Kailash cùng người phối ngẫu của mình là nữ thần Kali tai quái, kẻ đòi những nghi lễ hiến tế bằng máu và đầu lâu.
Thế nhưng người phương Tây và phương Đông dường như lại có thái độ khác nhau với núi. Với người phương Tây, cảm giác mà họ khao khát là chinh phục. Họ muốn vươn tới những đỉnh cao nhất, lập những kỷ lục muôn đời ganh tị, là người đầu tiên đặt chân lên đỉnh cao nhất...để sánh ngang với các vị thần. Cũng dễ hiểu thôi bởi lẽ ngay cả các vị thần ở phương Tây cũng là sự phóng chiếu những hình ảnh của con người họ và ước mơ leo lên đỉnh Olympia để chè chén với các vị thần đã có ngay từ thời thần thoại Hy Lạp. Với phương Đông, cảm giác với núi lại khác, con người phương Đông dường như hoàn toàn thiếu vắng cảm giác muốn chinh phục các đỉnh núi. Thái độ của người phương Đông với các ngọn núi là sự kính ngưỡng, và là biểu tượng của những bí ẩn về tâm linh mà họ khao khát muốn vươn tới - vươn tới chứ không phải muốn lấp đầy nó. Và nếu một người phương Đông (cổ điển) muốn leo lên đỉnh núi thì thường không phải là để chinh phục nó như để lưu danh sử sách mà là vì anh ta có thể coi đỉnh núi ấy như là một nơi để anh ta có sự giao hoà sâu sắc nhất với thiên nhiên, với những cõi bí ẩn nào đó của thế giới mà anh chưa biết. Khi mà thiền sư Không Lộ thời Lý viết “Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng/Một tiếng kêu vang lạnh tới trời" thì cảm giác mà ông tìm kiếm không phải là sự hân hoan khi chinh phục một đỉnh cao, mà là sự giao hoà với núi, với thiên nhiên ở nơi mọi thứ đều tươi mới và đầy sức sống. Nhưng thường thì họ dừng lại và chọn cách ngắm những đỉnh núi thay vì tìm cách trèo lên chúng.
Trong muôn vàn đỉnh núi trên thế giới thì Kailash có lẽ là một trong những ngọn núi đặc biệt nhất. Kailash cao 6638 mét, cao hơn tất thảy các ngọn núi ở châu Phi hay châu Âu. Thế nhưng trong dãy Himalaya, nóc nhà của thế giới có tới hơn 100 ngọn núi có độ cao trên 7200 mét và 14 ngọn núi cao trên 8000 mét. Kailash đặc biệt vì nó được coi là ngọn núi thiêng của hơn một tỷ người trên thế giới, của tín đồ các đạo Hindu, Phật giáo Tây Tạng, đạo Jaina ở Ấn Độ và đạo Bon Tây Tạng. Theo tín ngưỡng cuar đạo Hindu thì đây là nơi thần Shiva, vị thần của sự biến đổi và huỷ diệt cư ngự. Theo đạo Phật Tây Tạng thì ngọn núi này được đồng nhất với núi Tu Di trong kinh điển Phật giáo và là trung tâm của vũ trụ, từ đây mà có sự hình thành nên thế giới loài người đang sống với cái tên Nam Thiệm Bộ Châu. Với người theo Kim Cương thừa (Phật giáo Tây Tạng) thì ngọn núi này còn gắn với những chứng vật của thời Phật giáo truyền vào Tây Tạng. Đạo sư Liên Hoa Sinh, hoá thân của Phật Thích Ca và là người phục hưng Phật giáo ở Tây Tạng từng tu luyện ở đây và để lại nhiều chứng tích. Đây cũng là nơi vị đạo sư ẩn tu Milarepa, một nhân vật lịch sử thế kỷ 12 và đậm tính huyền sử đã tu tập và đạt thành tựu: Milarepa là sự hiển hiện của kẻ tội lỗi (từng vì thù riêng giết chết 35 người) sau bỏ dao thành Phật, sống tiêu dao giang hồ như Trang Tử, một mình ẩn tu trong những hang động Kailash, như một sự biểu hiện cho một tâm hồn thanh cao, khổ hạnh, xa rời những cám dỗ thế gian mà những Phật tử Tây Tạng mong hướng đến. Ông cũng là một nhà thơ lớn của Tây Tạng được dân gian đặc biệt hâm mộ.
Trong khi tất cả các ngọn núi trên 8000 mét đều đã được chinh phục thì đỉnh Kailash vẫn là một đỉnh núi nguyên sơ chưa từng có bàn chân người đặt lên, có lẽ ngoại trừ trong truyền thuyết khi vị đạo sư Tây Tạng Milarepa đã cưỡi lên những tia sáng để trèo lên đỉnh núi trong cuộc đấu tâm linh để giành linh hồn người Tây Tạng với đạo sư đạo Bon Naro Bon-chung.
Núi Kailash được người Ấn Độ và Tây Tạng thờ phụng từ khi nào? Thật khó biết. Có lẽ từ hàng ngàn năm trước. Dường như có quá nhiều lý do để người Ấn Độ và người Tây Tạng xem nó là ngọn núi thiêng. Trước hết về hình dáng Kailash. Kailash có hình tháp có chóp nhọn như một kim tự tháp với các vách núi thẳng đứng. Chính vì hình dạng này mà Mundarep, một bác sĩ người Nga, từng coi Kailash là kim tự tháp do một giống người thượng cổ cao quý đã diệt vong tạo ra. Chúng ta có thể chê cười thuyết đó như một trong vô số thuyết âm mưu về nguồn gốc văn minh (người Atlantic chẳng hạn). Thế nhưng cũng có điều gì khá kỳ lạ là tất cả các nền văn minh cổ có sự phát triển cao như người Ai Cập ở châu Phi hay, người Maya, người Inca, người Aztec ở châu Mỹ đều xây dựng các đền thờ của họ dưới dạng Kim Tự Tháp và hình chóp này được coi như là hình dạng lý tưởng nhất trong khát vọng giao tiếp với Thượng đế, với thần Mặt trời, với thế giới thần linh...Thêm vào đó, nếu như dãy Himalayas bao gồm các ngọn núi trùng điệp nối kết với nhau thì Kailash lại như một người hùng lạnh lùng đứng riêng, tự đặt ra các quy tắc cho thế giới. Xung quanh nó không có ngọn núi nào có chiều cao xấp xỉ nó cả, chỉ có những ngọn núi thấp như những vị Kim Cương, Bồ Tát đứng hộ vệ, yểm trợ tả hữu, trước sau.
Núi Kailash vào buổi sáng
Và Kailash soi mình xuống hai hồ thiêng. Hồ Manasarovar mênh mông có hình dáng tròn trịa, mặt nước trong sáng, êm đềm, nơi mùa hè có những đàn hải âu và thiên nga đến cư trú, thường được gọi là hồ mặt Nhật và hồ Rakshastan, có hình dạng như mặt Nguyệt có màu nước xanh xao ma quái và được cho là nơi không có sinh vật nào sinh sống. Theo thần thoại Ấn Độ giáo thì hồ Rakshastan là nơi cư ngụ của quỷ Ravana, chính là kẻ bị Rama đánh bại trong sử thi Ramayana còn hồ Manasarovar là nơi cư trú và cung cấp năng lượng cho thần Shiva thần thánh và là nơi thiêng liêng, nơi các tín đồ Ấn Độ giáo chỉ cần tắm ở hồ cũng sẽ rửa được hết các tội lỗi trong đời. Còn theo truyền thuyết Phật giáo, thì Manasarovar cũng là hồ thiêng, nơi hoàng hậu Maya sau khi tắm ở đây đã hạ sinh ra đức Phật Gautama. Các tín đồ Phật giáo Tây Tạng cũng tin tưởng rằng uống nước ở hồ này sẽ giúp rửa sạch các nghiệp xấu trong đời và giải trừ bệnh tật. Manasarovar cùng với hồ Namso, hồ Yamdrok và hồ Lhamo La-tso tạo thành Tứ Đại hồ thiêng của Tây Tạng. Nhưng có lẽ phải gọi Manasarovar là hồ thiêng nhất vì chỉ có ở hồ này, người dân mới không được phép đánh bắt cá hay thả thuyền trên mặt hồ.
Rakshastan (trái) và Manasarovar (phải). Hình trên Internet
Rakshastan và Manasarovar tuy trái ngược nhau như nước với lửa, âm với dương, nhật với nguyệt nhưng lại được người Tây Tạng xem như hai hồ song sinh và thực tế là hai hồ này có thông với nhau, chuyển nước sang cho nhau. Điều này cũng dường như là một triết lý về tính âm dương, hay sự bổ khuyết cho nhau giữa thiện và ác và dường như phản chiếu cả lịch sử tôn giáo Tây Tạng, trong sự du nhập của đạo Phật tới nơi này, vừa đấu tranh kịch liệt với tôn giáo bản địa (đạo Bon) như trong câu chuyên về cuộc đấu giữa Milarepa và Naro Bon-chung, vừa có sự kết hợp, dung hoà các yếu tố bản địa (có lẽ không có đạo Phật ở nơi nào lại có các vị hộ thân dũng mãnh nhưng cũng đáng sợ như đạo Phật Tây Tạng và những hình tướng dữ tơn của các vị Phật kết tràng hạt bằng đấu người, xung quanh lửa cháy rực chắc không chỉ đơn giản có thể coi như sự chiêm nghiễm về cái chết mà còn là sự dung hợp các yếu tố văn hoá bản địa đậm tính shaman và đa thần giáo).
Mặt nước hồ Manasarovar buổi sớm mùa đông, những nơi gần bờ đã đóng băng
‘Không chỉ chiếu bóng mình xuống mặt nước hồ Manasarovar, núi Kailash (cùng với hồ Manasarovar) còn là nơi xuất phát của bốn dòng sông lớn chảy xuống Nam Á: sông Indus (mà nhờ nó nước Ấn Độ có tên), sông Sutlej, sông Brahmaputra và sông Karrnali. Bốn dòng sông, xuất phát từ chân ngọn núi chỉ nhỏ như những ngọn suối nhỏ nhưng khi đổ xuống hạ lưu sẽ thành những dòng sông lớn nuôi sống hàng trăm triệu người, và là nơi tạo ra một trong những nền văn minh cổ đại lớn nhất thế giới.
Đặc biệt hơn nữa, như nhà văn người Anh Colin Thubron viết trong cuốn sách “Tới một ngọn núi ở Tây Tang", Kailash còn rất khác các ngọn núi khác trong dãy Himalaya. Ít ai biết rằng hàng triệu năm trước đây, Tây Tạng từng là một phần của đại dương và tới ngày nay, người ta vẫn tìm thấy nhiều loại hoá thạch ở Tây Tạng có nguồn gốc đại dương (như san hô đỏ, một thứ rất được săn đón ở Tây Tạng). “Kailash là di tích cô đơn của một kỷ nguyên còn sớm hơn dãy Himalaya và đã từng là hòn đảo cao nhất trong Biển Tethys lúc biển này bị thu hẹp" (Thubron). Biển Tethys từng tồn tại cách đây khoảng 200 triệu năm. Khi mùa hè đến, những tảng tuyết tan phía nam Kailash tạo ra hình giống như chữ vạn (swastika) ẩn trên mặt núi. Có lẽ chính biểu tượng swastika này, một biểu tượng có tuổi đời hàng ngàn năm và được coi là thiêng liêng trong đạo Hindu và đạo Phật là một phần lý do khiến Kailash được coi như ngọn núi thiêng liêng nhất.
Đến với núi thiêng, người Tây Tạng và người Ấn Độ bày tỏ lòng kính ngưỡng của họ ra sao? Rất đơn giản, họ đi vòng qua núi theo chiều kim đồng hồ với một niềm tin rằng một chuyến đi vòng quanh như thế (được gọi là kora) sẽ giải hết những nghiệp xấu trong đời họ và chuẩn bị cho họ một cuộc đời mới. Rất dễ để có thể liên tưởng việc giải nghiệp này với truyền thống thú tội và giải tội trong Công giáo (và không phải ngẫu nhiên khi trong sự tiếp xúc lần đầu giữa Công giáo và Tây Tạng vào thế kỷ 16, cả các giáo sĩ Công giáo và người dân Tây Tạng đều ngạc nhiên vì những điểm chung giữa họ trong nhiều tín điều và nghi lễ). Nhưng không hẳn vậy, hành trình kora không phải là sự thú tội và giải tội mà nó gần với sự thực hiện một nghi lễ chết và sống lại. Hành giả thực hiện kora sẽ thực hiện một cái chết nghi lễ khi tới đèo Dolma La để từ đó dường như tái sinh trong hành trình này. Cũng không nên quên là người Tây Tạng rất ám ảnh về sự chết và cách chết (có lẽ trên thế giới chỉ có người Nhật là quan tâm một cách sâu sắc tới cái chết ở mức gần như vậy, nhưng theo một khía cạnh khác- người Nhật mỹ hoá cái chết còn người Tây Tạng coi cái chết như một mắt xích của luân hồi). Và cuốn sách nổi tiếng nhất của họ với phương Tây là một cuốn sách về cái chết, cách chết và làm thế nào để chết cho đúng (Tử thư Tây Tạng- tương truyền là do chính đại sư Liên Hoa Sinh soạn). Với người Tây Tạng, một vòng kora sẽ giúp giải các nghiệp xấu trong đời, 13 vòng là điều kiện cần để một hành giả có thể gia nhập hàng ngũ các vị chân tu, những người sẽ thực hiện hành trình kora nội (inner kora) nhiều thử thách hơn trên núi. Và 108 vòng kora sẽ đưa thẳng người hành giả vượt khỏi luân hồi- một thử thách quá lớn với tuyệt đại đa số mọi người nhưng có lẽ vẫn là một cái giá quá thấp so với phép tu theo Tiểu thừa khi một người tu tập có thể phải trải qua rất nhiều đời, nhiều kiếp mới tới được với cõi Phật.
Hàng năm có hàng ngàn người thực hiện hành trình kora ở Kailash, hầu hết trong số họ là người Tây Tạng và người Ấn Độ. Đây cũng là chặng đường nguy hiểm và thử thách với rất nhiều người trong số họ khi mà mỗi năm có hàng chục người chết, đa số là người Ấn Độ và người nước ngoài vì kiệt sức và vì sốc độ cao. Để thực hiện kora quanh núi, người thực hiện phải vượt hành trình dài hơn 50km ở độ cao trên dưới 5000 mét, có những chặng đường như khi lên đèo Dolma-La, đường rất dốc. Và nếu bạn tính tới việc ở độ cao trên 5000 mét, lượng oxygen trong không khí chỉ bằng 60% thông thường và tim bạn luôn phải làm việc với số nhịp đập bình thường 110-120 lần/phút thì việc leo dốc sẽ rất nguy hiểm nhất là với những người đang trong tình trạng sốc độ cao, và hiện tượng máu tràn não - thường xảy ra, nhưng không chỉ giới hạn trong số những người huyết áp cao hay mắc bệnh tim mạch- không phải là hiếm. Đó là một hành trình đầy hứa hẹn nhưng cũng là một thử thách không nhỏ. Tính trung bình, chỉ có 30% số người hành hương Ấn Độ là hoàn tất được hành trình, bằng ngựa hay đi bộ. Nhưng có lẽ điều nguy hiểm hơn với người hành hương chính là việc họ không biết nếu họ có gặp hay sẽ gặp triệu chứng sốc độ cao hay không, và nó sẽ đến khi nào và ở mức độ như thế nào, có quật ngã bạn hay sẽ chỉ là một triệu chứng khó chịu ban đầu và rồi cơ thể bạn sẽ kịp thích ứng với nó.
Hành trình của chúng tôi cũng bắt đầu như thế, một ngày cuối thu đầu đông năm 2016, với những hy vọng, phấn khích, hồi hộp và phảng phất lo âu như vậy.
(Vũ Hoàng Linh)
Hãy đặt mua vé máy bay đi Mỹ đi du lịch thăm thân từ trước thì lần này, bạn vẫn cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục như lần đầu. Khi phỏng vấn, hãy giải trình điều này cho nhân viên phỏng vấn biết.
ReplyDeleteHy vọng qua bài viết về thủ tục du lịch Mỹ thăm thân mùa hoa anh đào trên đây, chúng tôi đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích. Hãy chuẩn bị thủ tục thật cẩn thận và chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ tại đất nước xa hoa này. Xem thêm: vé máy bay đi Los Angeles giá rẻ .