28 March 2018

Sigiriya huyền bí

Sigiriya (Lion Rock) là tảng đá sư tử khổng lồ cao gần 200 mét, từng là kinh đô của Sri Lanka trong thế kỷ thứ 5, là biểu tượng du lịch của Sri Lanka, là di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận, dĩ nhiên là điểm đến yêu thích của tất cả du khách. 



Cũng như những di sản văn hóa thế giới khác ở Sri Lanka, di tích này được quản lý bảo tồn rất chu đáo. Điểm đến đầu tiên là bảo tàng và dĩ nhiên là mua vé tham quan cho toàn bộ di tích với giá cao ngất ngư: 30$. Bảo tàng ở đây khá đẹp và phong phú. Ấn tượng nhất là có mấy cây cổ thụ hiên ngang đứng giữa bảo tàng vì khi xây nhà người ta không chặt cây đi mà chừa chỗ cho cây tồn tại giữa nhà.


Bảo tàng Sigiriya


Cây chung sống với nhà bảo tàng


Xung quanh núi đá sư tử cảnh quan như một công viên xanh mướt và đẹp tuyệt. 




Bên móng vuốt của sư tử đá



Đường leo lên núi cũng rất ngoạn mục, có thể ngắm nhìn cả thành phố xa xa. Hôm đó là cuối tuần nên du khách đông như kiến, gần như phải xếp hàng trên đường lên núi, tuy vậy cũng là tốt cho những cặp chân mỏi mệt vừa leo vừa nghỉ. 



Con đường vào di tích nhìn từ trên cao


Núi nhũ hoa nhìn từ núi sư tử


Phế tích của cung điên hoàng gia ngày xưa

Vì sao cung điện hoàng gia được xây dựng tít trên đỉnh núi đá là cả một câu chuyện bí ẩn của vua Kashyapa. Câu chuyện lịch sử cho thấy, năm 477 sau Công nguyên, hoàng tử Kashyapa đã lật đổ Vua cha Dhatusena. Kashyapa, dù là con vua nhưng mẹ ông không phải là hoàng hậu, đã tìm cách chiếm luôn ngôi của người thừa kế ngai vàng hợp pháp là hoàng tử Moggallana. Moggallana đã phải chạy trốn sau cuộc binh biến sang phía nam Ấn Độ để sống lưu vong. Vì sợ bị Moggallana trả thù và tấn công, Kashyapa đã dời đô từ Anuradhapura về Sigiriya và cho xây cung điện tại đây. Trong suốt thời gian trị vì từ năm 477 đến 495, Sigiriya đã được xây dựng thành một thành phố và một pháo đài phức hợp. Nhưng rồi đến năm 495, hơn 20 năm sau vụ binh biến, Moggallana quay lại trả thù, đánh bại Kashyapa, chiếm lại ngai vàng. Kể từ đó, Sigiriya trở thành một tu viện Phật giáo cho đến khoảng thế kỷ 14. Ngày nay thì chỉ còn lại phế tích của cung điện hoàng gia trên đỉnh núi. 

Phong cảnh nhìn từ đỉnh núi sư tử


Hân hoan lên đỉnh

No comments:

Post a Comment