19 February 2017

Lên cổng trời đóng phim Avatar

Đất nước Trung Quốc rộng lớn có hàng nghìn thắng cảnh đẹp như chỉ xuất hiện trong chốn bồng lai tiên cảnh.
Thiên Môn Sơn là con đường nằm trong Vườn quốc gia Thiên Môn, Trương Gia Giới, phía tây bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Dù chỉ dài 11 km nhưng chênh lệch chiều cao giữa điểm đầu và điểm cuối Thiên Môn Sơn lên tới 1.100 m. Nơi cao nhất của con đường ở mức 1.300 m so với mực nước biển. Việc xây dựng con đường này bắt đầu từ năm 1998 và phải đến năm 2006 mới hoàn thành.


Trương Gia Giới - Thiên Môn Sơn: cung đường hiểm trở dẫn tới cổng trời



999 bậc cầu thang lên tới Cổng Trời



Điểm đặc biệt ở cung đường chính là 99 khúc cua với nhiều góc chết thách thức mọi tay lái. Từ đó, vượt qua 999 bậc thang, du khách sẽ đặt chân đến “Cổng trời”, nơi được cho là điểm trung chuyển giữa thiên đường và hạ giới. Cổng cao 130 m, rộng 57 m, hình thành sau một cơn đại hồng thủy khiến núi đá vôi sụp xuống tạo thành mái vòm. Tên Thiên Môn cũng ra đời từ đó.



99 khúc cua hiểm trở



Ngoài ra, Khu thắng cảnh Thiên Môn Sơn còn nổi tiếng với con đường trong suốt làm từ kính cường lực, được gọi là Skywalk. Con đường men theo vách đá dựng đứng đem lại cảm giác thích thú, hồi hộp. Vì thế, Skywalk luôn nằm trong số những điểm thu hút khách du lịch nhất tại Thiên Môn Sơn.







Thêm một thử thách thú vị là trải nghiệm cáp treo không cabin giữa 2 khe núi trên Thiên Môn Sơn



Chùa trên Thiên Môn Sơn với kiến trúc ấn tượng




Rời xa những đô thị náo nhiệt và bụi bặm của thành phố du lịch với 1,68 triệu dân, được hít đầy lồng ngực bầu không khí trong lành tinh khiết và tận hưởng cái không gian yên tĩnh chỉ có tiếng vượn hót chim kêu, bạn chắc chắn sẽ phải nấn ná, không muốn rời khỏi chốn này.



Thả thuyền trên hồ Bảo Phong, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức phong cảnh đẹp như tranh vẽ của những rặng núi xanh ngắt hai bên bờ và thác nước trắng muốt đổ xuống từ sườn núi





Tiếp tục chuyến hành trình của mình, du khách khám phá trấn cổ Phượng Hoàng - vẻ đẹp mộng mị bên dòng Đà Giang. Không gian cổ kính, kiến trúc độc đáo của nhà cửa, đền chùa từ 1.300 năm trước tạo nên một Phượng Hoàng cổ trấn đẹp đến nao lòng. Phượng Hoàng là một thị trấn cổ nằm ở huyện Phượng Hoàng, phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Nơi đây được xây dựng bên dòng Đà Giang hơn 1.000 năm trước nhưng vẫn còn nguyên vẹn nét văn hóa, kiến trúc đặc trưng của nghìn xưa để lại.


Toàn cảnh Phượng Hoàng Cổ Trấn uốn lượn bên dòng Đà Giang

Phượng Hoàng trấn là trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của cả vùng. Nằm cạnh con sông Đà Giang, trấn cổ còn lưu giữ nhiều thành quách, gia trang, văn miếu, đền chùa... Số tuổi của nó khiến cho Phượng Hoàng trở thành một trong những bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc. Giữa những nét cổ kính, nơi đây vẫn pha trộn nhiều điểm hiện đại, chắc chắn sẽ khiến du khách cảm thấy rất thú vị. 





Dọc sông Đà Giang chỉ khoảng 5 km nhưng có rất nhiều cây cầu, có cầu gỗ, cầu đá nhưng đặc biệt nhất có lẽ là Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc độc đáo có mái che, Đây là chiếc cầu được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng. Đứng từ bên đây cầu nhìn sang phía bên kia cầu, bạn sẽ thấy thấp thoáng Phượng Hoàng cổ trấn trải dài với những ngõ sâu hun hút, những ngôi nhà rêu phong với mái ngói cổ âm dương dày đặc, màu xám như đá tai mèo. Những tượng phù điêu trên đầu mái cong vút một cách đầy kiêu hãnh. Bước chân vào cổ trấn có tuổi đời 1.300 năm này, du khách sẽ có cảm giác như mình đi lạc vào câu chuyện cổ tích.


Hồng Kiều duyên dáng với kiến trúc độc đáo có mái che. Đây là chiếc cầu được thiết kế theo phong cách “Phượng Hoàng” đặc trưng



Người dân trong thành hiện nay vẫn cùng sinh hoạt trên dòng sông Đà Giang. Họ thường ra bờ sông để tắm táp, giặt giũ, rửa rau, hoa quả trước khi mang ra các khu phố cổ bán dù trong nhà có phòng tắm riêng, có máy giặt nhưng chỉ dùng để vắt đồ... Có thể bạn sẽ nghĩ lối sinh hoạt này khiến nước sông ô nhiễm, nhưng tại đây luôn có công nhân vệ sinh, dọn dẹp sạch sẽ. Bởi vậy, nước sông Đà Giang vẫn luôn trong xanh.






Men theo con đường lát đá phủ kín màu thời gian là những cửa hàng bày bán các sản phẩm truyền thống, món ăn đặc trưng của địa phương như: Kẹo lạc, bánh tép khô, bùa túi, đồ trang sức bạc, lụa là gấm vóc đủ sắc màu... Nếu biết trả giá du khách có thể mua những món hàng bằng một nửa giá ở Lệ Giang. Tham quan cuộc sống bình dị của người dân tộc Miêu, len lỏi từng góc phố, ngắm nhìn đường nét cổ xưa sẽ cho bạn những giây phút thư giãn không thể quên ở Phượng Hoàng cổ trấn.



Cổ trấn có diện tích không lớn. Nếu chuyến đi của bạn gấp gáp, trong một ngày cũng có thể thăm thú hầu hết những địa điểm đẹp. Đến đây hãy đi và khám phá hết những ngóc ngách, cảm nhận không khí và hơi thở cuộc sống của người dân. Tại đây, bạn sẽ được chứng kiến cuộc sống sinh hoạt đời thường của các dân tộc, có thể dễ dàng gặp được một vài người Miêu bên mẹt hàng nhỏ thêu thùa, khâu vá. Hay gặp người Hán, người Thổ đi lang thang bán những chiếc vòng hoa đeo cổ, đồ lưu niệm cho du khách tới thăm.


Cảnh sắc thần tiên, cứ như được lấy ra từ những bộ phim cổ trang

Khi màn đêm buông xuống, cảnh sắc của Phượng Hoàng cổ trấn càng thêm lung linh huyền ảo như trong một bức tranh nhiều màu sắc, như một con Phượng Hoàng lửa đang tắm mình trên dòng Đà Giang nên thơ và tĩnh lặng. Con sông nối giữa khu phố cổ soi bóng những chiếc đèn lồng và cả khúc sông rực rỡ trong ánh đèn. Hồng Kiều, cây cầu cũ đẹp bậc nhất thành cổ được trang hoàng lộng lẫy. Những chiếc đèn nến được bán quanh khúc sông. Bập bềnh trôi những đóa hoa nến huyền ảo…


Từ ngõ phố, đền đài, nhà cửa đều toát lên vẻ lộng lẫy của cánh chim Phượng Hoàng. Mỗi góc nhỏ đều mang dáng vẻ của chiếc lông chim ghép lại theo dòng chảy của thời gian. Khi màn đêm buông xuống, Phượng Hoàng cổ trấn trở nên lung linh huyền ảo như tìm về hào quang của 1.300 năm trước. Cả một khúc sông Đà Giang rực rỡ trong ánh đèn lồng, những ngôi nhà bên sông thêm sắc màu, tô điểm cho không gian cổ kính nên thơ.


Buổi tối, Phượng Hoàng sẽ được thắp đèn lung linh, huyền ảo, rất giống cảnh đêm ở Hội An (Việt Nam)


No comments:

Post a Comment