Đến thành phố Salzburg thuộc phía tây nước Áo, nhiều người phải thốt lên: “phim thật giống như đời!”.
Toàn bộ cảnh phim ca nhạc kinh điển The sound of music được quay ở đây không hề thêm thắt chút kỹ xảo màu mè. Salzburg thế nào thì lên phim như vậy, khiến hàng triệu du khách đổ về đây mỗi năm để được sống trong khoảnh khắc phim và đời là một.
The sound of music – Giai điệu hạnh phúc công chiếu từ năm 1965 nhưng đến nay bộ phim vẫn hấp dẫn các thế hệ ra đời sau nó hàng mấy chục năm. Đến Salzburg, đoàn khảo sát lữ hành Saigontourist chúng tôi được mời thưởng thức phim ngay trên xe.
Trong khi hành khách vừa xem phim vừa háo hức quan sát xem cảnh nào quay ở đâu… thì bác hướng dẫn Maroine Dib tỏ ra tâm đắc: “Khoảng 85% du khách đến Salzburg chỉ vì The sound of music. Salzburg có Mozart và có The sound of music. Những khung cảnh đang hiện ra trước mắt quý vị chính là phim trường thực tế của bộ phim này”.
Những ngày đầu thu
Mỗi chặng dừng ở đây du khách lại như thấy Maria, nữ gia sư cho bảy đứa con của vị thuyền trưởng đang bước ra khỏi tu viện và cất giọng hát thánh thót, đang chèo thuyền trên dòng sông lấp lánh nắng hay bối rối trao nụ hôn đầu tiên trong khu vườn đêm hoa cỏ đẫm sương và bàng bạc ánh trăng.
Salzburg tuy nhỏ nhưng có tất cả những gì du khách mong đợi cũng như tưởng tượng: Thành phố sở hữu những công trình lịch sử của nhiều thời đại và đa dạng với các kiến trúc thời Trung cổ, cho tới giai đoạn Phục hưng, thời Lãng mạn hoặc Baroque và hầu hết đều còn nguyên vẹn.
Băng qua cung điện Hellbrunn được xây dựng từ thế kỷ XVII, đoàn chúng tôi đi cáp trượt lên núi để thăm Hohensalzburg – pháo đài lịch sử lớn nhất Trung Âu. Hàng triệu người đã từng chọn vị trí này để ngắm toàn cảnh sân khấu Salzburg tuyệt đẹp từ trên cao.
Một phần dãy núi Alps bao quanh những tu viện, thảm cỏ, khu công viên, dòng sông, nhà thờ… Tất cả mở ra như cuốn phim quay 3D góc độ toàn cảnh sắc nét nhất.
Salzburg có nhiều công trình lộng lẫy, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc các thời kỳ
Khi chúng tôi đang mải mê chụp ảnh, bỗng một giai điệu lạ kỳ cất lên giữa đỉnh núi cao. Tất cả dừng lại, cùng nhắm mắt để mọi giác quan dồn cả vào đôi tai: thì ra là 35 chiếc chuông nhà thờ cùng cất tiếng thánh thót theo cung bậc khác nhau lan ra giữa không trung, rồi dải âm thanh cuối ngân lên và tụ lại khiến ai nấy có cảm giác mình đang đứng giữa một quả chuông khổng lồ.
Quả chuông ấy bao chụp lấy mọi người trong thứ ánh chớp sáng kỳ ảo và trong thứ âm thanh vang động vừa du dương đại ngàn vừa trong trẻo tinh tế mà không một nhạc trưởng nào, không một khán phòng nào có thể mang lại.
Salzburg lúc này đúng là một sân khấu ngoài trời vĩ đại nhất mà tôi từng biết.
Một nhà thờ cổ xưa uy nghiêm
Từ pháo đài Hohensalzburg có thể thấy tu viện Nonnberg – giáo đường cổ nhất thế giới dành cho các nữ tu, cũng là bối cảnh quay The sound of music. Chúng tôi cứ gắng căng mắt nhìn xem đâu là nơi Mẹ bề trên và các sơ giúp gia đình Maria trốn trong tu viện khi bị Đức quốc xã vây lùng.
Cảnh vợ chồng Maria cùng đàn con trốn thoát thành công trong đêm tối để tiến lên vùng núi Alps (phía Thụy Sĩ) đón ánh bình minh ngày mới chính là giai điệu hạnh phúc đẹp nhất mà người ta muốn được nghe và được thấy.
Ở Salzburg chỉ một ngày ngắn ngủi nhưng nhiều người đã thấy giai điệu hạnh phúc ấy giữa đời thực.
Xuống lòng đất xem pháo hoa
Trên cung đường tuyệt đẹp từ Salzburg tới Berchtesgaden vào những ngày thu lá vàng, lá đỏ đã phủ lớp áo rực rỡ khắp các triền đồi, rừng thông, đồng cỏ và dệt thảm trên mái nhà nhỏ xinh chênh vênh sườn núi, chúng tôi đến với mỏ muối Berchtesgaden hơn 500 tuổi.
Người châu Âu giỏi ở chỗ không bỏ phí bất cứ thứ gì, một tòa nhà cổ xưa đổ nát, một hầm than hay mỏ muối khai thác đã hàng trăm năm trước đây không hề bị bỏ quên hay vùi lấp.
Tất cả được giữ lại, phục chế, thiết kế trở thành một bảo tàng và luôn là bài học sống động để con người hôm nay theo hành trình ngược thời gian tìm lại những giá trị đơn giản nhất, nhưng thiết yếu nhất của sự sống.
Những ngôi nhà cổ bình yên trong nắng sớm
Ấy là bài học về muối ở Berchtesgaden. Nổi trên mặt đất là ngôi nhà nhỏ rất giản dị. Chỉ đến khi người ta yêu cầu du khách mặc thêm trang phục của thợ mỏ muối ngày xưa để giữ ấm, nhiều người mới bắt đầu thấy hồi hộp. Xe lửa chạy theo một trục ray hút sâu xuống lòng đất.
Đường hầm hẹp dần, càng xuống sâu càng lạnh và ẩm ướt. Khi có người bắt đầu thắc mắc bao giờ được trở ra với ánh nắng trên kia thì một khán phòng có sức chứa hàng trăm người, bốn bề tường đá rắn chắc hiện ra.
Ở đây có cả phòng cầu nguyện dành cho thợ mỏ phải làm việc theo chu kỳ ít nhất một tháng dưới lòng đất. Theo máng trượt dốc 45 độ, du khách tiến đến những điểm dừng chân kế tiếp để thử cảm giác di chuyển hằng ngày của cánh thợ mỏ.
Ai yếu tim được khuyến cáo dùng thang bộ. Một thế giới dưới lòng đất khá bề thế, phòng nào cũng ngăn cách bằng cửa gỗ lớn, mỗi phòng là một câu chuyện thú vị về muối thông qua lối kể trực quan sinh động bằng hệ thống tia lazer quét thẳng lên tường đá mô tả quá trình khai thác muối hàng trăm năm trước.
Mỗi ngày thợ muối dùng tay đục sâu vào vách được khoảng 2cm, thời gian sau hiện đại hơn, có máy móc hỗ trợ thì đào được từ 8 – 12cm.
Khu vườn xinh đẹp ở cung điện Hellbrunn
Căn phòng số 4 là một rạp phim ngay dưới lòng đất. Chúng tôi ngồi quanh khối hộp thủy tinh 3D mô phỏng cấu trúc tinh thể muối để cùng xem một bộ phim về quá trình phân tách, lọc muối từ những tảng chất rắn trong lòng đất. Mùi vị muối mặn phảng phất trên đầu, dưới chân.
Phòng trưng bày “đá quý” chính là cách người dựng bảo tàng muối này muốn cho khách tham quan thấy tận mắt muối cũng chính là một loại đá quý: Những khối tinh thể muối nguyên chất được bày trong tủ kính lấp lánh như kim cương đủ hình dạng, màu sắc với các mặt cắt đa dạng.
Tưởng rằng mỏ muối dừng lại ở đây, nào ngờ lại một cánh cửa nữa mở ra, trước mắt cả đoàn là hang động có mái vòm khá cao và chân tôi đang bước trên tấm gương khổng lồ.
Người ta mời khách lên thuyền, đèn phụt tắt, mọi người nhận ra mình đang di chuyển trên một hồ nước muối lớn nằm ngay trong lòng đất. Giờ thì du khách đã hiểu tại sao có thể tìm thấy muối ở dưới lòng đất: Bởi vì qua sự biến đổi địa chất, một vùng biển bị chìm sâu dưới đất tạo thành mỏ muối ở Berchtesgaden.
Cung đường đồng quê nên thơ
Bỗng nhạc giao hưởng của Beethoven nổi lên, chùm tia lazer nhảy nhót trên mái vòm và hai bên vách phản chiếu tinh thể muối kết thành nhiều kiểu hoa văn chuyển động như màn pháo hoa bung tỏa ra từ lòng đất.
Đối với tôi, đó không phải là màn pháo hoa tạm biệt bắn ra từ ngàn vạn tinh thể muối được chiếu sáng đơn thuần. Đó là hoa văn của bàn tay thợ mỏ, là hoa của sự sống, và là niềm hân hoan ngắm nhìn vẻ đẹp lao động của con người tỏa sáng.
Chợt hiểu rằng người ta có thể sống thiếu kim cương chứ không thể thiếu muối, và mình thực sự may mắn khi được đặt chân đến mỏ muối này.
DiaOcOnline
No comments:
Post a Comment