03 July 2010

Niagara Falls, thiên đường trên mặt đất




















Thác Niagara là thác nước ở sông Niagara nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada. Cụm thác nước này có 3 thác. Thác Horseshoe Falls (Móng ngựa) hay còn còn gọi là Canadian Falls (thác nước Canada) vì nằm bên lãnh thổ Canada. Thác thứ hai là American Falls (thác Hoa Kỳ) và một thác nhỏ khác là Bridal Veil ( khăn voan cô dâu) vì thác này nhỏ và có hình tựa giống chiếc khăn voan của cô dâu ngày cưới vậy. Thác Bridal Veil rất nhỏ nằm ngay cạnh thác American Falls. Đảo Dê (Goat Island) ngăn cách thác Horseshoe Falls và cũng là đường biên giới giữa Mỹ và Canada. Với hơn 168.000 m³ nước rơi xuống mỗi phút vào thời điểm nhiều nhất, và trung bình gần 110.000 m³ mỗi phút, đây là thác nước mạnh nhất ở Bắc Mỹ. Thác Niagara tọa lạc khoảng 20 phút đi từ thành phố Buffalo của Hoa Kỳ và Toronto của Canada. Các thác Niagara nổi tiếng vì vẻ đẹp và nguồn giá trị cho thủy điện và một dự án gây thách thức cho bảo vệ môi trường. Là một địa điểm du lịch nổi tiếng một thế kỷ, kỳ quan thiên nhiên này nằm giữa hai thành phố kết nghĩa Niagara Falls, Ontario và Niagara Falls, New York.

Thác Horseshoe Falls cao khoảng 173 feet (53m). Chiều cao thác Mỹ thay đổi từ 70-100 feet (21m) do khối đá lớn nằm dưới chân thác. Thác Horseshoe Falls rộng khoảng 2600 feet (792 m), còn Thác Mỹ American Falls rộng 1.060 feet (323 m). Thể tích nước của thác vào mùa nước lớn có thể đạt tới 202.000 cubic feet mỗi giây (5.720 m³/s). Suốt mùa hè, mỗi giây khoảng 2.832 m³ nước chảy qua thác, trong đó tới 90% là qua thác Horseshoe Falls.
Đặt chân đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút bởi khung cảnh hùng vĩ pha lẫn nét quyến rũ của nó kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Thác nước tung bọt trắng xóa dưới ánh nắng tạo nên những sắc cầu vồng lúc ẩn, lúc hiện. Khi màn đêm buông xuống, hệ thống đèn cao áp với nhiều sắc màu chiếu vào làm khung cảnh của thác trở nên lung linh, huyền ảo. Những du khách có dịp đến đây bao giờ cũng trú ngụ lại một đêm để chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp kỳ ảo đó. Phần lớn du khách chọn cách đi bộ tham quan quanh bờ thác hoặc đi thuyền vào lòng thác tận hưởng cảm giác mạnh nhưng cũng có nhiều du khách lại chọn lựa tham quan bằng tàu từ hướng cuối thác phía American Falls rồi chạy vòng đến thác Canadian Horseshoe Falls.

Niagara Falls nằm ở Ngũ Đại Hồ, năm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới nối liền nhau. Thác nước Niagara Falls là một trong những thác nước lớn nhất thế giới, là một trong những kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Trên thực tế, Niagara Falls không phải là một thác mà là nhiều thác. Thác Niagara cũng không phải là thác nước cao nhất thế giới, đứng thứ 10 về chiều dài nếu gộp cả 3 thác lại. Vậy điều gì đã làm cho thác nước này nổi tiếng thế giới. Điều gì đã thu hút hàng chục triệu khách du lịch đến đây thăm quan thác nước này mỗi năm, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như người nổi tiếng như nữ hoàng Anh Elizabeth, công nương Diana, các đời thủ tướng Âu Mỹ, các đại văn hào, họa sỹ, nghệ sỹ cũng đến đây để tìm nguồn cảm hứng. Điều gì đã đem lại doanh thu nhiều tỉ đô la cho ngành du lịch nơi đây.

Niagara bắt nguồn từ ngôn ngữ của người da đỏ Neutral có nghĩa là "Sự gầm thét của nước", còn thông tin in trên tờ hướng dẫn du lịch bên Mỹ cho rằng Niagara trong tiếng của người da đỏ Iroquois có nghĩa là "eo biển". Tuy nhiên khi đến đây chứng kiến sức mạnh của nước, với tiếng thác đổ, mưa nước bắn xa cả cây số chẳng khác gì thần sấm đang nổi giận,  ý nghĩa Sự gầm thét của nước có lý hơn. Trong tài liệu ghi chép đầu tiên về thác Niagara Falls vào năm 1683 của nhà truyền giáo người Pháp, linh mục Louis Hennepin cũng viết rằng: "Người thổ dân Da Ðỏ vốn mê tín luôn tin rằng tiếng gầm thét của dòng thác Niagara, nhất là trong lúc mưa to gió lớn, cách xa 15 dặm còn nghe thấy, khác nào sự nổi giận của các thần dữ."

Niagara Falls cũng như vùng Ngũ Hồ được tạo ra do băng tan thời kỳ Băng Hà Cuối cách đây trên 12000 năm, các nhà khoa học cho rằng lúc đó cả khu vực này được bao phủ bởi một tầng băng dày khoảng 2-3km. Ngay cả cho đến ngày nay cũng chỉ có trên dưới 1% nước ở khu vực này là nước tái tạo, còn lại vẫn là nước nguyên bản từ thời kỳ băng hà, thậm chí có nhà khoa học còn cho rằng đây chính là nước hóa thạch, nghiên cứu nước ở đây chính là nghiên cứu nước của thời kỳ Băng Hà Cuối.

Niagara Falls nằm ngay đường biên giới Mỹ và Canada, thành phố hai bên bờ của mỗi quốc gia đều mang tên Niagara Falls. Một cái là Niagara Falls thuộc bang New York của Hoa Kỳ, một cái là Niagara Falls thuộc tỉnh Ontario của Canada. Lượng nước ở đây rất lớn 1/5 trữ lượng nước ngọt trên thế giới nằm ở Ngũ Đại Hồ. Tốc độ nước chảy ở đây rất mạnh khoảng 180000 m3/phút với tốc độ 65 km/h chính vì vậy bào mòn các tầng đá vôi với tốc độ khá cao. Ngày nay 1/3 thác Horseshoe Falls hay còn gọi là Thác của Canada do nước bào mòn mở rộng thác cho nên mở rộng thêm 1/3 thác sang phía Mỹ, những người Mỹ lạc quan cho rằng với tốc độ bào mòn tiếp tục có lẽ một ngày nào đó ½ thác Canada sẽ nằm sang bên kia đường biên giới thuộc địa phận Mỹ. Tuy nhiên để ngắm chính diện thác, có lẽ người Mỹ vẫn phải sang Canada để ngắm. Cũng do nước bào mòn mà còn tạo ra nhiều danh thắng khác ở khu vực này, những hẻm núi cao thẳng đứng hai bên bờ sông, những khe nứt, những dòng chảy xoáy dẫn nước biến mất giữa khe núi, v...v. Nước thậm chí bào mòn vách đá, ăn sâu vào đất liền, cộng với địa chấn, đá lở làm sập nhà máy thủy điện Schoellkopf vào năm 1956. Nếu đi ở bờ bên Mỹ về phía Đông khoảng chục cây số từ thác chính sẽ thấy vẫn còn dấu vết của nhà máy thủy điện bị đổ nát bên dưới bờ vực.

Ngày nay, dòng nước đã được điều phối làm chảy chậm lại, nhất là vào mùa băng tan để tránh hiện tượng xói mòn và để làm thủy điện. Hệ thống nhà máy thủy điện của Mỹ và Canada nằm hai bên bờ cũng rất hiện đại, với các hệ thống đường ống dẫn ngầm nằm sâu dưới lòng đất cùng với bể chứa nước dự phòng. Vào mùa du lịch cao điểm, hệ thống đập nước sẽ bảo đảm có ít nhất 3000 m3/giây đổ ra thác vào ban ngày để tạo cảnh quan hùng vĩ và tự động điều chỉnh hạ xuống chỉ còn 1500 m3/giây vào ban đêm. Đập nước sẽ điều phối nước vào hệ thống bể chứa dự trữ của các nhà máy thủy điện để các nhà máy thủy điện hút ra vào ban ngày, khi nước được điều phối cho thác. Từ tháng 11 đến tháng 4 các nhà máy thủy điện được sử dụng toàn bộ nguồn nước 24h trên 24h.

Ấy vậy nhưng cũng đã có những lúc thác không có chút nước nào, lòng sông khô cạn, người dân có thể đi bộ xuống dưới lòng sông tìm kiếm những đồ vật kì lạ hoặc rơi vãi từ nhiều năm. Vì nguồn nước ở đây là do băng tan, có lần do một tảng băng to nằm chắn ngang thượng nguồn làm tắc nghẽn dòng sông, cho nên nước không chảy về xuôi được. Vào năm 1969, chính phủ Hoa Kỳ còn cố tình làm cho thác American Falls và Bridal Veil ngừng chảy trong nhiều tháng bằng cách xây hẳn một cái đập chắn nước để nghiên cứu về sự xói mòn , nghiên cứu làm giảm tốc độ ăn mòn và cả dự án làm thẩm mỹ cho thác American Falls bằng cách di chuyến các tảng đá bên dưới thác để làm thác đẹp hơn. Dự án làm đẹp sau đó bị hủy bỏ vì chi phí quá lớn và không có tính khả thi. Sau vài tháng nghiên cứu, công binh Mỹ nổ mìn phá đập để nước chảy lại qua thác.

Điều thú vị của thác Niagara Falls là đẹp cả bốn mùa, mỗi mùa một vẻ. Mùa Xuân cây lá đâm chổi nảy lộc, băng tuyết vùng phía Bắc tan cũng là mùa nước. Mùa Hè, cầu vồng xuất hiện suốt ngày. Mùa Thu lá đổi màu dọc hai bên bờ tạo nên một bức tranh màu sắc tuyệt hảo. Mùa Đông, hơi nước do thác chảy bay lên bám vào các cành cây, vách đá, các công trình kiến trúc sau đó đóng băng lại, trông tựa như thành phố băng tuyết trong các câu chuyện cổ tích vậy. Nước thậm chí đóng băng cứng mặt sông có thể đi lại được, trượt băng trên mặt hồ. Trượt băng lại là trò thể thao ưa chuộng nhất ở Canada, cho nên đến mùa đông người ta thường ra các mặt hồ đóng băng để chơi trượt băng, khúc côn cầu, câu cá, v...v. Riêng ở Niagara Falls do một lần có đông người chơi trên mặt sông đóng băng quá, mặt băng sập và nhiều người chết cho nên từ đó chở đi không ai được phép chơi trên mặt sông đóng băng ở Niagara nữa. Vẻ đẹp của Niagara Falls thay đổi bốn mùa, mỗi mùa một vẻ. Ban ngày cầu vồng xuất hiện thường xuyên có lúc ba bốn cái cầu vồng xuất hiện cùng một lúc, đến đêm thác được chiếu đèn bảy màu, xanh đỏ tím vàng trông rất đẹp mắt.

Niagara Falls nổi tiếng với những trò mạo hiểm. Người Mỹ và Canada nổi tiếng thế giới về các trò mạo hiểm và thác Niagara Falls nằm ở Bắc Mỹ chắc chắn là nơi thử thách của những người ưa chơi trò mạo hiểm, những người liều mạng dám thách đố với tử thần (dare-devil). Quả nhiên, thác nước này chứng kiến rất nhiều người mạo hiểm vượt thác hoặc làm những trò kỳ cục mạo hiểm nơi đây.

Người mạo hiểm đầu tiên là Sam Patch, một người Mỹ đến từ Rhode Island. Ngày 7/10/1829, lúc mới 23 tuổi, Sam đã phi thân từ trên đảo Goat xuống dòng sông Niagara ở độ cao 30 m thành công. Không bằng lòng với chính mình, Sam thử nghiệm thêm nhiều lần nữa, tự phá kỷ lục của chính mình ở các độ cao hơn và cuối cùng mất mạng.

Jean Francois Gravelet (hay còn gọi là Blondin vĩ đại) là người đi dây thăng bằng vượt qua sông Niagara đầu tiên vào ngày 30/6/1859. Người đầu tiên dám chinh phục thác Horseshoe lại là một người phụ nữ, một bà giáo già 63 tuổi người Mỹ ở Michigan, bà Annie Taylor.  Vào ngày 24 tháng 10 năm 1901, cô giáo 63 tuổi ở bang Michigan tên là Annie Edson Taylor đã là người đầu tiên vượt thác trong một cái thùng; Bà này cũng sống sót, tuy bị xây xước một chút nhưng hầu như bình yên vô sự. Sau bà Taylor, 14 người khác cũng muốn vượt thác trong hoặc trên một phương tiện nào đó. Một vài người không hề hấn gì nhưng đa số bị thương nặng. Những người sống sót sau những trò phô trương này đều bị buộc tội và bị phạt bởi vì luật cấm nhảy thác đã được đưa ra ở cả 2 nước.

Niagara Falls quá nổi tiếng với những người ưa mạo hiểm và họ thích đến đây với hy vọng trở nên nổi tiếng, dẫn đến nhiều kết cục bi đát. Trong suốt gần hai thế kỷ, không biết bao nhiêu người đã mạo hiểm đến đây, thử sức với thiên nhiên, thách thức với tử thần hy vọng sẽ trở nên nổi tiếng, đem lại cho họ danh vọng và tiền tài, trong đó phần lớn là bỏ mạng. Để ngăn chặn việc này, chính phủ hai nước Mỹ- Canada đã ra luật cấm tự tiện thực hiện những trò mạo hiểm ở đây, nếu không sẽ bị phạt. Tuy nhiên đến thần chết còn không ngăn cản được họ chứ đừng nói luật pháp. Ở Niagra Falls có hẳn một viện bảo tàng của dân chơi trò mạo hiểm với những kỷ vật, hình ảnh của những con người thích đùa giỡn với tử thần.

Ngày 1/10/1995, Robert Overcracker, một anh chàng người California trang bị dù của phi công lái máy bay có thể tự bắn lên cao rồi bung dù, thực hiện một trò mạo hiểm hơn phi xe máy nước từ trên đỉnh thác xuống để quyên tiền cho những người vô gia cư. Cuối cùng do dù không mở, anh thiệt mạng và thay vì chiến dịch vận động cho người vô gia cư, sự kiện của anh trở thành quảng bá cho các hãng dù khuyên nên mua dù của họ với khẩu hiệu : có dù là chưa đủ mà bạn cần phải có một cái dù bảo đảm hoạt động tốt

Mới đây, ngày 20/10/2003, Kirk Jones người Michigan đang đi chơi cùng bạn bè đã nhảy qua hàng rào ngăn cách, bơi ra phía thác Horseshoe trôi theo dòng thác xuống dưới ở độ cao 60m với độc một cái quần xà lỏn rồi bơi vào bờ hoàn toàn bình an vô sự. Tuy nhiên anh được đưa vào thương xá gần đó để kiểm tra xem có làm sao không và sau đó bị phạt $2300 cũng như vĩnh viễn suốt đời không được đặt chân sang đất Canada. Vụ việc rùm beng thời đó và đưa tên tuổi Kirk như người đầu tiên dám vượt thác không cần dụng cụ cứu sinh.

Trong mùa hè này, từ tháng 6 cho đến tháng 9/2008, Jay Cochrane, một nghệ sỹ đi dây thăng bằng nổi tiếng thế giới người Canada với 6 kỷ lục thế giới với biệt danh Hoàng tử của không trung sẽ biểu diễn đi dây thăng bằng hàng ngày ở độ cao trên 200m từ sòng bài Niagara Fallsview Casino Resort đến khách sạn Hilton với khoảng cách 220m. Khách du lịch tham quan được chụp ảnh chung và ký tặng hình miễn phí.
Điều kỳ diệu ở Niagara "Miracle at Niagara" xảy ra ngày 9 tháng 7 năm 1960, một cậu bé 7 tuổi người Mỹ tên là Roger Woodward đã sống sót khi rơi từ trên đỉnh thác Horseshoe Fall xuống mà chỉ được bảo vệ bởi một chiếc áo phao. Cô chị gái của cậu, Deanne, được cứu khi chỉ còn cách miệng thác chừng 20 feet (6m) . Vài phút sau, Roger được cứu ở phía dưới chân thác bởi những người trên tàu Maid of the Mist (Tàu du lịch ở thác Niagara). Sự sống sót khó tin của cậu đã được đưa tin khắp thế giới.
Mỗi năm Niagara Falls đón tiếp 12 triệu khách du lịch, đem lại nguồn thu hàng tỉ đô la. Ngành công nghiệp không khói cực kỳ phát triển nơi đây. Các nhà đầu tư đổ tiền vào xây dựng các khu giải trí, vườn hoa, bách thú, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, các sòng bài dọc hai bên bờ biên giới Mỹ-Canada. Hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, các sân bay khu vực, cộng với hệ thống đường cao tốc cực tốt nối liền với các thành phố lớn đã thu hút khách du lịch đến nơi này. Chỉ cần một giờ đồng hồ lái xe, người ta có thể tránh được sự ồn ào, náo nhiệt, của chốn phồn hoa đô thị như Toronto để hòa mình vào thiên nhiên, đi tản bộ dọc bên bờ sông hoặc nằm phơi mình tắm nắng bên thảm cỏ nghe tiếng thác đổ. Cả gia đình có thể cùng thư giãn tại các khu nghỉ mát giải trí như Công viên nước Niagara (Niagara Marineland).

Đây cũng là một trong những nơi các đôi uyên ương mới cưới chọn để hưởng tuần trăng mật. Một trong những điều kỳ thú hẳn sẽ làm bạn ngạc nhiên, Niagara Falls được mệnh danh là thủ đô tuần trăng mật của thế giới chứ không phải là Hawaii, Paris (Pháp) hay Venice (Ý). Con các tổng thống Mỹ hay em trai của Hoàng đế Pháp nổi tiếng Napoleon cũng chọn nơi này để hưởng tuần trăng mật. Các tập đoàn khách sạn lớn như Hilton, Marriott, Sheraton đều đầu tư mạnh vào khu vực này, xây dựng không chỉ một khách sạn mà nhiều khách sạn và khu vui chơi giải trí.

Vì vậy mặc dù Niagara Falls không cao như thác Angel ở Venezuela hay rộng như thác Inga ở Congo nhưng do được đầu tư xây dựng cũng như quảng bá tiếp thị tốt, hệ thống cơ sở hạ tầng tuyệt hảo cũng như nằm ở Hoa Kỳ cho nên lượng khách du lịch đến đây rất lớn. Mọi tầng lớp đến đây đều có thể vui chơi nghỉ ngơi thư giãn được, từ đôi vợ chồng mới cưới đến hưởng tuần trăng mật, các cụ già nghỉ hưu đi tham quan thắng cảnh cho đến trẻ con được vui chơi tại các khu vui chơi của trẻ em với hàng trăm loại hình giải trí, cụm rạp hát có thể xem bất kỳ thể loại phim gì. Phụ nữ có thể đi mua sắm quần áo, thời trang, mỹ phẩm tại khu mua sắm rất lớn với đủ các loại nhãn hiệu tên tuổi. Các quý ông muốn thử vận đỏ đen có đến 3 sòng bài mở cửa 24/24 chờ phục vụ. Hệ thống khách sạn nhà hàng nhiều vô kể xiết với đủ các loại giá tiền từ bình dân vài chục đô một tối cho đến 5 sao, cao cấp phục vụ tuyệt vời.

Nếu bạn là người thích lái xe ô tô đi du lịch, bạn có thể thuê xe ô tô tự lái từ các sân bay của Mỹ và Canada rồi lái xe đi thăm quan đây đó. Phía Canada, từ Toronto, nếu bạn lái xe về phía Tây khoảng 1tiếng sẽ đến Niagara Falls, từ thủ đô Ottawa của Canada mất khoảng 6 tiếng. Phía Hoa Kỳ, khoảng cách từ New York, Boston đến Niagara Falls khoảng 8 tiếng lái xe, từ thủ đô Washington DC mất khoảng 12 tiếng. Khi đến đây nên ở lại ít nhất một ngày để ngắm thác Niagara Falls vào buổi tối. Buổi tối thác được chiếu sáng bởi một hệ thống đèn pha Xenon cực mạnh, công suất 250 triệu nến, với màu sắc lung linh huyền ảo tựa như cầu vồng xuất hiện về đêm vậy. Vào mùa du lịch, cuối tuần nào cũng bắn pháo hoa vào tối thứ Sáu, thứ Bảy, và Chủ Nhật.

Địa điểm ngắm thác nước đẹp nhất là bên bờ Canada vì vậy ngay cả người Mỹ cũng thường đi qua Canada để ngắm thác Mỹ chứ không đứng bên bờ Mỹ ngắm thác Mỹ. Các nhà đầu tư cũng vậy, đổ tiền đầu tư phía bên bờ Canada nhiều hơn bên Mỹ, nếu bạn có cơ hội thăm quan cả hai bên bờ sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng. Khung cảnh bên Canada náo nhiệt, sôi động hơn hẳn, đường phố đầy ắp khách du lịch nhất là khu Clifton Hill, có đến hai sòng bài (casino) được mở ngay sát cạnh nhau bên bờ Canada mà lúc nào cũng đông khách.
Nếu bạn có thể đi xem được cả hai bên bờ Mỹ và Canada là tuyệt vời nhất. Bạn có thể đi bộ, hoặc lái xe qua cầu Cầu Vồng ( Rainbow Bridge), cửa khẩu biên giới nằm ở ngay hai đầu cầu. Nếu bạn chỉ đi được Mỹ, chỗ ngắm cảnh thác Horseshoe đẹp nhất là Terapin Point trên đảo Dê (Goat Island). Đây cũng là công viên tiểu bang lâu đời nhất nước Mỹ, từ đảo Dê men theo dòng chảy đi sát bờ về phía Tây Bắc, bạn có thể đến sát thác Bridal Veil để ngắm cho thỏa thích.

Nếu muốn vượt biên một cách hợp pháp, bạn nên mua tour du lịch ngắm cảnh bằng trực thăng để có thể bay lượn trên bầu trời ngắm toàn cảnh thác nước Niagara Falls, trực thăng sẽ bay sang cả hai không phận Mỹ và Canada cho bạn tha hồ chụp ảnh và tất nhiên sau đó bay về lại bên bờ bạn đến. Giá dịch vụ hoàn toàn không đắt, khoảng $45/người cho tour 15 phút, nếu bạn muốn thuê riêng máy bay cho cả gia đình hoặc đưa người yêu lên ngắm cảnh hoàng hôn trên thác sau bữa tối lãng mạn cũng chỉ mất $150-$200 tùy theo loại trực thăng 2 chỗ hay 6 chỗ. Một trong những cách khác là đi kinh khí cầu, kinh khí cầu không bay lượn như trực thăng nhưng cho bạn một cảm giác khác cũng rất thú vị, cho bạn cảm giác bay bổng trên không trung, cảm giác không an toàn vì sử dụng những thiết bị cổ xưa từ thủa sơ khai của ngành hàng không thế giới, giữa bạn và mặt đất chỉ là một cái sọt đan bằng mây, được kéo lên bởi một quả bóng bay.

Nếu bạn muốn thử chút cảm giác mạnh tựa kiểu mấy người chơi trò mạo hiểm phía trên nhưng vẫn an toàn, có thể mua vé chơi các trò như Skywheel đưa bạn lên độ cao 53m, xe goòng xoáy tốc độ cao ( roller-coaster), tháp trượt, ghế tử thần (bạn ngồi vào ghế được thắt dây an toàn, sau đó được đưa lên cao vài chục mét rồi cho rơi tự do xuống).

Nếu bạn muốn khám phá nhiều nơi, vào nhiều chỗ bạn nên mua thẻ tham quan (attractions pass) sẽ rẻ hơn mua vé lẻ tại từng địa điểm.

Bạn nên thăm quan các tòa tháp và ngắm toàn cảnh thác từ đó như Skylon Tower, Minolta Tower. Trên đỉnh các tháp này có các khán đài, nhà hàng quay 360 độ, bạn có thể ăn bữa tối trong khung cảnh lãng mạn với toàn cảnh khu vực thác.

Đi ngắm thác trên con tàu du lịch hai tầng lịch sử mang tên "Nàng trinh nữ của xứ sở sương mù" (Maid of the Mist) đi vòng quanh cả mấy thác cũng cho bạn một cảm giác thú vị. Nước bắn xối xả, tung tóe, mọi thứ ướt sũng tựa như gặp cơn mưa bão lớn vậy. Nước gầm thét trước mặt bạn, cho bạn cảm giác thiên nhiên thật hùng vĩ.

Để ngắm trong thác hay vào sát thác, bạn mua tour Hành trình bên dưới và sau thác (Journey below and behind the falls) tại Table Rock House. Thang máy sẽ đưa bạn xuống độ sâu khoảng 50m, sau đó đi theo đường hầm ra các khán đài để ngắm thác. Dù mùa Đông hay mùa Hè đều lạ cả, mùa Hè bạn cần phải mặc áo mưa đứng xem thác đổ nghe như sấm rền. Mùa đông nước bị đóng băng, tạo những bức tường băng cỗ trong suốt ánh nắng chiếu qua, chỗ mờ mờ đục đục trông hư ảo chẳng khác chốn thần tiên.

(Ảnh HV, bài viết sưu tầm tư liệu từ internet)

No comments:

Post a Comment