29 July 2022

Bắc Âu 10.14

Chương 1: Hà Lan

Amsterdam thanh bình

Chuyến đi Bắc Âu của bọn mình bắt đầu từ Amsterdam. Tuy mua vé của Air France, nhưng liên minh Sky Team liên kết với nhau và dồn khách qua VNA, KLM - Royal Airline of Neitherland và Finnair để bay. Lúc đi bay VNA đến Paris, rồi KLM từ Paris qua Amsterdam. Lúc về bay Finnair từ Helsinki qua Paris, rồi VNA từ Paris về Hà Nội. Không được bay với Air France, nhưng bay KLM và Finnair còn hay hơn. Làm thủ tục nhập cảnh vào Schengen với điểm đến đầu tiên là Neitherland vô cùng đơn giản, thậm chí mình còn chả nhớ họ đóng dấu nhập cảnh lúc nào. Sau đó bọn mình bay SAS và Norwaygian.com giữa các thành phố Bắc Âu trong khối Schengen mà như bay nội địa trong một nước, chả thấy ai làm thủ tục xuất nhập cảnh, chả có ai hỏi visa hay hộ chiếu. Các sân bay ở Bắc Âu nói chung rất hiện đại, luôn có check-in tự động, đôi lúc gửi hành lý cũng tự động luôn, làm cho những hành khách Việt chưa quen auto đôi lúc bối rối quá chừng. Ví dụ thiết bị nhận hành lý tự động được đặt mức cho hành lý 20kg, nếu bạn có 20,2 kg thôi cũng không thể đi qua, bắt buộc phải bỏ ra 2 lạng rồi mới gửi hành lý được.

Chương trình có 2 ngày cho Amsterdam. Bọn mình mua 2 tour nội địa, Canal cruise (1h) giá 10 Eur/pax cho buổi chiều đầu tiên & Countryside Tour (5.5h) gía 40 Eur/pax cho buổi sáng ngày thứ hai. Chiều ngày thứ hai lang thang công viên Vondel Park chụp ảnh lá vàng, rồi ghé qua Rijksmuseum, Van Gogh Museum, Nhà hát Concert-gebouw. Buổi tối mọi người còn đi Red Light Secrets, Sex Museum rất chi là ăn chơi. Một đặc điểm nổi bật của các nước Bắc Âu là có rất nhiều bảo tàng, ra ngõ gặp bảo tàng, đi 5m lại gặp bảo tàng...



Amsterdam còn được gọi là Venice của phương bắc được xây dựng với hệ thống kênh đào nổi tiếng, gồm 3 kênh đào chính là Herengracht, Prinsengracht và Keizersgracht, tạo thành một vành đai che chắn thành phố khỏi sự xói mòn và xâm lấn của nước biển. Ngày nay, dọc theo 3 kênh đào chính này là các tòa nhà cổ kính cùng hàng ngàn cây cầu, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2006. Canal Cruise trong buổi chiều nắng đẹp cho bọn mình ghi lại những bức ảnh đẹp long lanh với sông nước, lá xanh pha vàng làm nền cho các tòa nhà cổ kính cùng hàng ngàn cây cầu.








Countryside Tour (5.5h) trong buổi sáng ngày thứ hai cho bọn mình đến thăm vùng ngoại ô của Amsterdam bao gồm làng cá Volendam, nhà máy và bảo tàng fomai, đảo Marken có nghề truyền thống làm guốc gỗ & làng cối xay gió Zaanse Schans Windmills. Bữa trưa có món đặc sản cá trong một nhà hàng đẹp ở làng cá Volendam.



Ngoại ô Amsterdam thanh bình với những đồng cỏ xanh mướt, những đàn bò thong thả gặm cỏ.

Làng cá Volendam






Làng cối xay gió Zaanse Schans Windmills đẹp như trong cổ tích









Vondel Park vào thu




Chương 2: Na Uy hùng vĩ

2.1 Một ngày ở Oslo

Oslo là thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất Na Uy, rất thanh bình, yên tĩnh với số dân chỉ hơn 600,000 người. Một ngày thu trời đẹp như trong mơ, cả đoàn mình bay đến Oslo vào lúc 3h chiều, bỏ hành lý vào phòng khách sạn ở trung tâm rồi thả bộ ngang dọc thành phố. Mùa thu vàng ở đây làm say đắm lòng người kể từ khi ngồi trên máy bay nhìn xuống tấm thảm màu rực rỡ. Trên đường từ khách sạn đến cung điên hoàng gia, bọn mình đi qua một cánh rừng vàng óng ánh trong ánh chiều, cảnh đẹp như chốn bồng lai.



Ngoại ô Oslo nhìn từ máy bay đẹp tuyệt với thu vàng.





Cánh rừng lá vàng trong nắng chiều








Cung Ðiện Hoàng Gia Oslo dự kiến là nơi ở của vua Carl Johan nhưng khi ông mất vẫn chưa hoàn tất. Tới năm 1849, dưới thời vua Oscar I, cung điện mới được khánh thành. Nằm trên đồi cao, mặt bằng của cung điện có dạng như hình chữ H. Tòa nhà chính dài 100 mét, rộng 24 mét, cao 23 mét. Có tất cả 173 phòng với diện tích tổng cộng là 17,624 m2.




Ðại lộ Karl Johans Gate là một đại lộ lớn của Oslo kéo dài từ Cung Ðiện Hoàng Gia ở phía tây về tới Nhà Ga Thành Phố ở phía đông. Ðường này dài khoảng 1.5 km. Phía Nam là một công viên có cây xanh, hồ nước, bồn hoa, ghế đá để du khách ngồi nghỉ. Karl Johans Gate là một con đường mua sắm. Phía bắc có những quán hàng, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn sang trọng.




Phía trước cung điện có tượng của vua Carl Johan (1763-1844) cưỡi ngựa đứng trên bệ cao nhìn xuống con đường Karl Johan Gate ở phía trước. Nghe nói ông này là một người Pháp nhưng lại trở thành vua của nước Na Uy và Thụy Ðiển từ năm 1818.




Tòa thị chính thành phố xây bằng gạch đỏ khá đặc biệt.




Hoàng hôn trên biển nhìn từ phía tòa thị chính



Cổ thành trong ráng chiều




Cả đoàn cố gắng trèo nhanh lên thành cổ khi hoàng hôn vừa đến, và cảnh hoàng hôn trên biển nhìn từ trên cao thật tráng lệ.








Thành cổ mùa thu












Oslo về đêm cũng vô cùng tuyệt vời, tuy là đôi chân lúc này đã thấm mệt vì đi bộ, mình vẫn chớp được những khung cảnh đêm tuyệt mỹ.







Nhà hát Opera nằm bên vịnh biển được thiết kế theo phong cách hiện đại với hình dạng hai tảng băng đụng vào nhau. Nóc nhà hát là hai triền dốc và người ta có thể đi trên đó để ngắm cảnh Oslo. Nhà hát này hoàn thành năm 2007 với kinh phí là 700 triệu đô la. Diện tích sử dụng của nhà hát là 38,500 mét vuông với 1100 phòng. Kiến trúc này nhận được giải World Architecture Festival Cultural Award năm 2008. Đây cũng là một trong những điểm đến hàng đầu được khuyến cáo của Tripadvisor.





Dân chúng Oslo sử dụng xe đạp rất nhiều trong đi lại ở trung tâm thành phố. Ngoài ra còn có các phương tiên giao thông công cộng khác như xe điện, xe buýt, taxi với giá vé không hề rẻ. Nếu có thời gian thì thuê xe đạp lang thang Oslo là một ý hay, tuy nhiên đoàn mình chỉ có đúng một ngày với Oslo, cả buổi sáng hôm sau đã dành cho công viên Vigeland.(October 2014)

2.2 Công viên điêu khắc Vigeland ở Oslo



Gustav Vigeland (1869 - 1943) là một nhà điêu khắc nổi tiếng của Na Uy. Ông là một nhà điêu khắc đặc sắc với trí tưởng tượng sáng tạo và năng suất làm việc của mình. Ông trưng bày tất cả các tác phẩm của mình trong công viên Vigeland, Oslo. Ông cũng là nhà thiết kế huy chương giải Nobel Hòa bình.

Ông tên thật là Adolf Gustav Thorsen, sinh ra trong một gia đình thợ thủ công ở Mandal. Khi còn trẻ, ông đã được gửi đến Oslo học khắc gỗ tại một trường học địa phương. Tuy nhiên, cái chết đột ngột của cha ông buộc ông phải quay trở lại Mandal để giúp gia đình. Gustav sống một thời gian với ông bà nội tại trang trại Mjunebrokka.

Ông trở lại Oslo vào năm 1888, lần này quyết tâm trở thành một nhà điêu khắc chuyên nghiệp. Ông giành được sự chú ý của nhà điêu khắc Brynjulf ​​Bergslien, người ủng hộ và đào tạo ông. Năm sau, ông trưng bày tác phẩm đầu tiên của mình, Hagar và Ishmael. Ở tuổi 20, ông đã đổi tên là Gustav Vigeland.

Trong những năm 1891-1896 Vigeland du ngoạn ra nước ngoài, đến Copenhagen, Paris, Berlin và Florence. Năm 1902 Vigeland được tham gia vào quá trình phục chế nhà thờ Nidaros ở Trondheim. Việc tiếp xúc với nghệ thuật thời trung cổ đã góp phần vào chủ đề xuyên suốt trong nghệ thuật của Vigeland. Những chủ đề thống trị cảm hứng của ông là sự sống, cái chết và mối quan hệ giữa người đàn ông và đàn bà.

Vigeland được coi là nhà điêu khắc Na Uy tài năng nhất, nhận được nhiều giải thưởng cho các bức tượng nổi tiếng như Henrik Ibsen và Niels Henrik Abel.

Năm 1921 thành phố Oslo đã quyết định phá hủy ngôi nhà nơi Vigeland sống để xây dựng một thư viện. Sau đó, Vigeland được cấp một tòa nhà mới từ thành phố để ông có thể sống và làm việc. Đổi lại, ông hứa sẽ tặng cho thành phố tất cả các công trình của mình, bao gồm các tác phẩm điêu khắc, vẽ, khắc và mô hình.

Trong hai mươi năm, Vigeland đã cống hiến cho dự án triển lãm các tác phẩm điêu khắc của ông trong Frogner Park. Các tác phẩm điêu khắc của Vigeland bao gồm 212 bức tượng bằng đồng và đá granit.

Vigeland sống và làm việc tại studio của ông cho đến khi ông qua đời vào năm 1943. Tro của ông vẫn còn được bảo quản trong tháp chuông của tòa nhà. Theo thỏa thuận với thành phố Oslo, tòa nhà trở thành Bảo tàng Vigeland (Vigelandsmuseet). Bảo tàng nằm ngay phía nam của công viên điêu khắc Vigeland. Căn hộ của Vigeland trên tầng ba được bảo tồn như là một phần của bảo tàng.

Chúng tôi chỉ có một buổi sáng đi thăm công viên này trước khi ra sân bay. Đây là địa điểm đáng tham quan nhất của thành phố Oslo theo khuyến cáo của trang Tripadvisor. Công viên rộng lớn đầy cây xanh, xanh mướt về mùa hè và vàng rực vào mùa thu. Từ trung tâm Oslo đến đây có thể đi bằng xe điện mất khoảng 20' và giá vé 50 NOK/người. Cũng phải nói thêm là giá vé giao thông công cộng ở Bắc Âu khá đắt, có lẽ ngành giao thông không được trợ giá của chính phủ như ở những quốc gia đang phát triển.

Chúng tôi không phải người chuyên về nghệ thuật điêu khắc, tuy vậy vẫn cảm nhận thấy nét đẹp điêu khắc tuyệt mỹ trong mấy trăm bức tượng trưng bày nơi đây. Tôi đã cố gắng chụp hầu hết các bức tượng điêu khắc của Vigeland, chính xác là 212 tượng. Và phong cảnh thu vàng nơi này cũng vô cùng quyến rũ cho bất cứ tay máy nào, nhất là khi nó làm nền cho các bức tượng tuyệt mỹ. Vòng đời đi từ sự sinh sôi cho đến cái chết là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Vigeland. Rồi cát bụi cũng sẽ trở về với cát bụi, sau cuộc đời đầy rẫy khổ đau của kiếp người...







































2.3 Thành phố Bắc Cực- Tromso

Tromsø là thành phố lớn nhất ở miền Bắc Na Uy, và lớn thứ hai trong vòng Bắc cực (sau Murmansk) có khoảng 70 ngàn dân cư. Trung tâm thành phố nằm trên đảo Tromsøya, 350 km phía trên vòng Bắc Cực. Tromsøya được kết nối với đất liền bằng cây cầu và đường hầm Tromsø Tromsøysund, và đến đảo Kvaløya bởi cầu Sandnessund. Trung tâm thành phố Tromsø có những ngôi nhà gỗ cổ kính lâu đời từ năm 1789.


Norway Fjords from air view





Hoàng hôn Tromso nhìn từ bến cảng



Thư viện thành phố


Nhà thờ cổ


Phong cảnh nhìn từ đỉnh núi


Thành phố Tromso nhìn từ cáp treo


Cây cầu Sandnessund nối liền hai đảo




Nhà thờ Bắc Cực là một nhà thờ hiện đại từ năm 1965, có lẽ là công trình lớn và nổi tiếng nhất Tromsø.



Chuẩn bị lên cáp treo ngắm thành phố.

Làm duyên trong cái lạnh -10oC trên đỉnh núi tuyết

2.4 Cruising Tromsø-Bergen

Từ khi đọc bài của Nguyễn Tường Bách về cung đường huyền thoại 400 km từ Tromso đến Svolvair, mình đã suốt ngày mơ về nó. Vì không thể đi theo bác Bách, mình chọn cách khác là mua tour du thuyền dọc bờ biển Bắc từ Tromso đến Bergen với cung đường dài gấp 5 lần, tức là gần 2000km trong 4 ngày đêm. Đáp chuyến bay từ Oslo đến thành phố cực bắc Norway là Tromso. Ở lại Tromso một đêm rồi lên tàu xuôi về phía nam trong 4 ngày. Hải trình 4 ngày Tromsø-Bergen đã cho mình một trải nghiệm khó quên ở Bắc Cực với những địa điểm tuyệt vời như quần đảo xinh đẹp Lofoten, những ngọn núi Seven Sisters hùng vĩ, vịnh hẹp Troll Fjord, những thành phố hấp dẫn như Bergen, Tromsø và Trondheim. Những ngày du ngoạn trên tàu tuy hơi buồn chán nhưng cũng là khoảng lặng cho nghỉ ngơi sau chuỗi ngày chạy theo chương trình dầy đặc tại mấy thành phố Amsterdam, Stockholm và Oslo. May mà wifi trên tàu khá tốt nên mình suốt ngày ngồi lướt web, chơi game và xử lý ảnh, thi thoảng ngước nhìn phong cảnh hai bên tàu. Một cách thư giãn lý tưởng.

Ngày thứ 1 mình lên tàu ở Tromso vào nửa đêm và thức dậy ngày hôm sau thưởng ngoạn quần đảo Lofoten khi bình minh hé rạng. Buổi chiều thăm quan điểm nhấn của chuyến đi là Trollfjord ngoạn mục và ấn tượng. Ngây ngất ngắm những vách đá nở hoa rực rỡ xanh vàng đỏ soi bóng mặt nước trong xanh và tĩnh lặng trong ráng chiều.

Ngày thứ 2 mình lướt qua Arctic Circle, vòng Bắc Cực và chiêm ngưỡng những ngọn núi Seven Sisters hùng vĩ. Đêm thứ 2 tàu thông báo có vài hành khách lướt nhìn thấy Northern Light, Bắc cực quang, tiếc là mình không kịp chứng kiến hiện tượng kỳ diệu này. Bắc cực quang thường chỉ xuất hiện vào vào những đêm đông giá lạnh. Và chỉ có những người rất may mắn mới có cơ hội nhìn ngắm bắc cực quang.

Ngày thứ 3 mình đến Trondheim vào buổi sáng sớm, theo tour xe buýt đi thăm thành phố Trondheim và nhà thờ Nidaros, công trình Trung cổ lớn nhất Scandinavia. Buổi chiều thăm thị trấn Kristiansund, nằm bên Atlantic Road huyền thoại.

Ngày thứ 4 lướt qua cảng Ålesund trước khi cập bến Bergen.













Sunrise at Lofoten Islands








Troll Fjord










Seven Sisters Mountains






Beautifull Sunset on the sea

Toghhatten mountain with the hole (160m x 35m x 15m)


Kristiansund




2.5 Visit to Trondheim

Trên tuyến đường du thuyền từ Tromso đi Bergen, du khách được ghé thăm Trondheim, thành phố lớn thứ ba Norway, một thành phố thanh bình bên bờ biển. Trondheim chỉ có 180,000 dân, tuy nhiên có đến 35,000 sinh viên với trường đại học lớn thứ hai Norway. Trondheim có nhà thờ Nidaros nổi tiếng, trải qua ba đời hoàng hậu và bảy đời hòang đế trị vì, là công trình Trung cổ lớn nhất Scandinavian.

Chúng tôi mua một city tour giá 390 NOK cho hai giờ tham quan thành phố bằng xe buýt, khởi hành từ du thuyền Lofoten từ 8h sáng. Đầu tiên là view point trên cao phía tây thành phố, nơi có góc nhìn tuyệt đẹp bao quát cả thành phố. Dòng sông Nidelva như một con rắn uốn lượn với những cây cầu xinh đẹp. Bình minh ửng hồng trên nền trời xanh bao la và mặt trời nhô lên sau dãy núi xa xa. Nhìn ra biển là một hòn đảo nhỏ phía xa, và những con tàu trắng rẽ sóng biển xanh. Thành phố với những ngôi nhà đẹp như trong tranh cổ tích, trang điểm bằng những gam màu xanh, vàng, đỏ của mùa thu.

Điểm đến sau đó là nhà thờ Nidaros nổi tiếng ở ngay trung tâm thành phố bên bờ sông Nidelva. Khuôn viên rộng lớn với những bãi cỏ xanh và những cây phong lá vàng chen lẫn lá xanh. Theo chân một hướng dẫn viên nói tiếng Anh giới thiệu về nhà thờ trong 30', chúng tôi biết rằng nhà thờ cổ kính này đã từng bị thiêu rụi và sau đó phục chế lại như xưa. Nhà thờ tuyệt đẹp cả phía bên trong và bên ngoài. Rừng cây lá vàng óng và trời xanh mây trắng làm nền cho những bức ảnh nhà thờ tuyệt đẹp.

















Chương 3: Phần Lan

Helsinki, thành phố trắng của phương bắc

Helsinki nằm ở phía nam nước Phần lan bên bờ vịnh Phần Lan. Thành phố này chỉ có nửa triệu dân. Được gọi là "Thành Phố Trắng của phương Bắc" (White City of the North), có lẽ do đa số kiến trúc ở đây được sơn màu trắng. Tên gọi khác của Helsinki là “Người Con Gái của Baltic” (Daughter of the Baltic) vì nét duyên dáng của thành phố xinh đẹp này.






Người ta nói, nếu không có nhiều thời gian, bạn cũng phải thăm ít nhất là ba nhà thờ ở Helsinki là Nhà thờ đỏ, Nhà thờ trắng, và Nhà thờ đá. Tên chính xác là Nhà thờ Uspenski đỏ, Nhà thờ Lutheran trắng, và Nhà thờ trong đá (Temppeliaukion kirkko- Rock Church).



Nhà thờ Lutheran (Tuomiokirkko) là biểu tượng chính thức của thành phố, nhà thờ màu trắng nổi bật trên Quảng trường Senate. Nhà thờ được thiết kế bởi Carl Ludvig Engel, hoàn thành vào năm 1852, gần đây đã được phục chế lại.





Nhà thờ Uspenski (Uspenskin katedraali) là nhà thờ kiểu Nga cổ điển nổi bật nằm gần Market Square. Nhà thờ Uspenski là nhà thờ chính thống giáo (orthodox) lớn nhất ở Tây Âu với năm mái vòm được phủ vàng 22 karat.








Nhà thờ nằm trong vách đá (Temppeliaukion kirkko- Rock Church) khánh thành năm 1969. Người ta đào sâu khoảng 10 mét vào bên trong của một khối đá hoa cương tròn với đường kính khoảng 40 mét, sau đó làm một mái vòm bằng đồng nhưng có đường kính nhỏ hơn. Phần phía ngoài của mái là 180 thanh kim loại đồng tâm. Khoảng trống giữa các thanh kim loại phủ kính nhờ vậy ánh sáng thiên nhiên có thể lọt vào và chiếu sáng bên trong. Từ ngoài nhìn vào thì thấy nhà thờ này không gây ấn tượng gì cho lắm. Từ trên cao, nhìn giống như một UFO nằm trên mặt đất. Vào bên trong thì thấy tường nhà thờ là vách đá, và có một cây đàn organ với nhiều ống thép. Giữa nhà thờ có nhiều băng ghế để khách ngồi nghe nhạc. Ðơn giản vậy thôi, tuy nhiên do xây trong đá nên âm thanh rất tuyệt vời cho hòa nhạc ở đây. Nhà thờ đá là một điểm du lịch đặc biệt thu hút hàng trăm ngàn du khách hàng năm.



Sau khi thăm quan chụp ảnh các nhà thờ ở trung tâm thành phố, bọn mình mua vé phà ra đảo thăm pháo đài Suomenlinna. Pháo đài đã từng là pháo đài biển lớn nhất ở Baltic, được xây dựng bởi Thụy Điển vào thế kỷ 18 với chi phí rất lớn để bảo vệ sườn phía đông của Thụy điển. Suomenlinna được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của UNESCO năm 1991 như là một di tích độc đáo về kiến trúc quân sự châu Âu. Suomenlinna hôm nay chỉ còn là những tòa nhà cũ và công sự cũ. Tuy nhiên đây là một nơi dã ngoại ngoài trời tuyệt vời vào mùa hè. Trên đường ra đảo bạn có thể ngắm những con tàu vĩ đại chở khách đi Estonia và St Petersburg.
















Chiều đến mà bọn mình còn cố bắt taxi đi thăm Ðài tưởng niệm Sibelius. Jean Sibelius là một nhạc sĩ nổi tiếng người Phần Lan. Ông mất năm 1957 hưởng thọ 91 tuổi. Ðể tưởng nhớ ông, thành phố tổ chức một cuộc thi thực hiện một đài tưởng niệm. Trong số 50 điêu khắc gia tham dự, Eila Hiltunen được chọn với dự án làm 600 ống thép không rỉ đặt sát nhau cao thấp một cách mỹ thuật giống như biểu đồ âm thanh. Toàn bộ tượng đài nặng 24 tấn, rộng 10.5 mét, cao 8.5 mét. Lúc đầu, dự án bị nhiều người chỉ trích, nhưng sau khi khánh thành từ năm 1961 nơi đây trở thành một địa điểm thu hút du khách khi họ tới thăm Helsinki, thậm chí phiên bản thu nhỏ của tượng đài đã được thực hiện và đặt tại trụ sở UNESCO Paris và trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York. Ngoài ra, khung cảnh mùa thu vàng trên đường đến điểm du lịch này cũng rất đáng chiêm ngưỡng.







Chương 4. Thụy Điển

Thành phố Stockholm tuyệt đẹp được ví như “Venice của phương Bắc”, “Thủ đô của những thủ đô vùng Scandinavia” hay “Một trong những thành phố đẹp nhất thế giới”…
Nằm ở phía đông bán đảo Scandinavia, Stockholm bao gồm 14 hòn đảo nhỏ. Stockholm là một thành phố có lịch sử lâu đời soi bóng bên bờ biển Baltic với những công trình xây dựng vừa cổ kính vừa hiện đại và hòa nhập một cách hài hòa với thiên nhiên.

Stockholm có một “bảo tàng” khổng lồ ngoài trời, được giữ gìn hoàn hảo từ thế kỷ 13, đó là khu phố cổ Gamla Stan. Nằm trên 3 hòn đảo Riddarholmen, Staden và Helgeandsholmen, phố cổ Gamla Stan là nơi tập trung nhiều công trình kiến trúc cổ kính theo lối Phục hưng, thế kỷ 17 – 18. Trong phố cổ Gamla Stan có Cung điện hoàng gia Thụy Điển (Kungliga Slottet) – công trình kiến trúc đặc biệt nhất Stockholm nằm trên đảo Riddarholmen. Đây là nơi cư ngụ của hoàng tộc và cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng trong nội các Thụy Điển. Stortorget, quảng trường chính của Gamla Stan, nằm giữa những tòa nhà cổ từ thế kỷ 18 là một điểm rất thu hút du khách vì có những nhóm hát rong và các nghệ sĩ vỉa hè. Mình lang thang qua đây vào đúng lúc hoàng hôn và đã được ngắm nhìn mặt trời lặn tuyệt đẹp trên thành cổ Gamla Stan.








Tòa thị chính thành phố là công trình kiến trúc hiện đại. Tòa thị chính được xây từ năm 1911 nhìn xuống hồ Malaren, hình chữ nhật, tường gạch màu vang đỏ. Phía ngoài tòa nhà trồng cây dây leo sắc màu tuyệt đẹp. Tòa nhà này nổi tiếng với sảnh vàng – nơi trưng bày đồ chạm, khảm bằng vàng và pha lê, sảnh xanh – nơi hàng năm vẫn diễn ra lễ trao giải Nobel danh giá với sự hiện diện của Vua Thụy Điển. Nếu lên tới đỉnh tháp tòa thị chính có thể ngắm toàn cảnh thành phố Stockholm. Tiếc là mình không lên đỉnh tháp được vì không có đủ thời gian.
























Skansen là bảo tàng ngoài trời được xây dựng từ năm 1891 với hơn 150 ngôi nhà cổ (với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau) và 46 kiểu kiến trúc đại diện cho các vùng, miền ở Thụy Điển cùng hàng ngàn mẫu vật trưng bày, nơi này như một Thụy Điển thu nhỏ. Đến đây vào mùa thu còn được thăm Skansen với thảm lá vàng hấp dẫn.







Góc nhìn Stockholm từ Skansen.




Picnic trong rừng thu sau khi lăn lê chụp ảnh với thảm lá vàng



Thăm bảo tàng ABBA

No comments:

Post a Comment