Giữa những nốt vang tươi sáng trong mùa hè với những chuyến du lịch ăn chơi nghỉ dưỡng, bộ ảnh về Con đường Tơ lụa (cụ thể ở “thiên đường xanh” Kyrgyzstan) này là một tông trầm sâu lắng dành cho mỗi người. Đôi khi, chúng ta nâng niu sự hùng tráng để trả nghĩa cho thiên nhiên hoang sơ.
Thực ra chuyện ngắm nhìn, chia sẻ và sưu tầm những bộ ảnh ăn chơi, hưởng thụ trong mùa du lịch ngày nay cũng là việc bình thường. Chỉ là với tôi, phần nào sự phổ biến của các bộ ảnh lung linh màu sắc, ăn uống đã khiến chúng… nhàm chán. Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận cái thú du lịch nghỉ dưỡng, chỉ là tôi “động lòng” với những nơi còn hoang sơ, còn bí ẩn hơn là các chuyến đi "đến-đó-nhưng-không-ở-đó".
Hoang sơ sẽ không còn hoang sơ nữa nếu nhiều người biết đến, thường là vậy phải không? Nhưng với các điểm đến sau đây của chị Quỳnh Anh - nữ nhiếp ảnh gia Hà Nội mà tôi mới tình cờ liên lạc trên Facebook thì khác. Chị đi Kyrgyzstan, Tajikistan, Tân Cương... - những quốc gia từng nằm trên Con đường Tơ lụa mà còn ít người biết đến. Và tôi da diết tin rằng, nơi này vẫn sẽ giữ được sự kỳ bí và vẹn nguyên như thế. Bởi huyền thoại luôn có “cái giá” của huyền thoại.
Hoàng hôn dưới chân rặng Pamir, Tajikistan.
Cao nguyên Thiên Sơn, Kyrgyzstan.
Tôi nói “cái giá”, vâng chính là những điều phải đánh đổi đó! Sau cuộc trò chuyện với chị Quỳnh Anh dưới đây, phần nào với những ai đang đọc bài viết này sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Tôi tin là vậy.
Chân dung nữ nhiếp ảnh gia Quỳnh Anh, sự thú vị trong con người chị đến từ chính kinh nghiệm và những hành trình tìm đến bất tận.
Chị Quỳnh Anh: một người lạ, một người quen? Chị tự giới thiệu chị làm nhiều ngành nghề, trong đó có nhiếp ảnh du lịch (travel photography). Tôi xin phép được gọi là “nữ nhiếp ảnh gia” theo cách trân trọng nhất, vì những gì chị truyền tải qua ống kính còn hơn là việc chụp đơn thuần, mà đó là cả sự sống, cả những gì vô vị nhất mà một người nhiếp ảnh trong hành trình theo nghề của mình luôn theo đuổi.
Kyrgyzstan: “Góc cua” tàn dư rõ rệt nhất của Con đường Tơ lụa cổ đại còn rõ mồn một đến thời hiện tại
Trên bản đồ thế giới, Kyrgyzstan tiếp giáp với Kazakhstan, Uzbekistan, Tajikistan và Trung Quốc, đất nước này không giáp biển mà nằm dọc theo Con đường Tơ lụa cổ đại - nay đã thành “truyền thuyết”. Với diện tích chỉ bằng 3/5 Việt Nam, 94% lãnh thổ là đồi núi, tại Kyrgyzstan chỉ có gần 6 triệu người sinh sống với đại đa số là người Kyrgyz. Có thể gọi nơi này là đất nước của cao nguyên vì đây là ngôi nhà của hàng trăm đỉnh núi cao hơn 4000 mét và nhiều đỉnh núi tên tuổi có độ cao hơn 7000 mét.
Những dãy núi Thiên Sơn ở Kyrgyzstan trùng điệp trong sương sáng sớm.
Được mệnh danh là Thụy Sĩ của châu Á, thiên nhiên Kyrgyzstan chiêu đãi thị giác du khách bằng những cảnh quan mà hiếm đâu sánh bằng: những thung lũng lòng chảo xanh rì bất tận, cánh đại bàng hoang dã thâu trời, những hẻm núi sâu hun hút, những túp lều du mục trắng muốt trên thảo nguyên lộng gió, tiếng vó ngựa rền vang trên con đường tơ lụa cổ xưa…
Nếu có duyên đến với vùng đất này, du khách sẽ ngạc nhiên bởi sự đa dạng của thiên nhiên Kyrgyzstan dù chỉ trong bán kính nhỏ. Chỉ vài giờ phi ngựa, khách quan sẽ được khám phá từ những ngọn núi phủ đầy tuyết đến những hẻm núi màu đỏ gập ghềnh như trên mặt trăng.
Không phải ngẫu nhiên mà Kyrgyzstan xa xôi hẻo lánh luôn mời gọi những con người đam mê xê dịch. Ngoài khung cảnh thiên nhiên kỳ ảo này, điểm dừng ở đây còn là cả lịch sử hơn 20 thế kỷ của con đường tơ lụa cổ đại.
Mỗi năm vào mùa hè từ tháng 5 tới tháng 10, nhiều hộ gia đình Kyrgyz di chuyển lên ở trên vùng cao gần những nguồn nước và những cánh đồng cỏ để có thể chăn thả gia súc.
Những căn lều tròn màu trắng được người dân dựng lên để trú ngụ trong thời gian di cư. Tuy trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, người Kyrgyz vẫn duy trì lối sống bán du mục qua nhiều thế kỷ cho tới tận bây giờ.
Khói nghi ngút toả lên từ những túp lều yurt vào buổi chiều.
Bộ ảnh được chia sẻ rầm rộ trên MXH thời gian gần đây của chị Quỳnh Anh có tư liệu phần lớn nằm ở quốc gia Kyrgyzstan. Dù chỉ là số ít trong những gì chị đã đi và ghi lại, nhưng cũng đã quá đủ để thấy “tàn dư” của một huyền thoại kì vĩ đến nhường nào. Nói chị là nữ nhiếp ảnh gia ở Việt Nam đầu tiên lưu giữ được các khoảnh khắc sống động này cũng chẳng sai.
Hành trình 2 tháng ngao du trên Con đường Tơ lụa của nữ nhiếp ảnh gia Quỳnh Anh: Xứng tầm hai chữ “huyền thoại”!
“Khó có thể hình dung rằng, hàng ngàn năm trước đây, Con đường Tơ lụa đã tấp nập những đoàn caravan (du lịch lữ hành - PV) lạc đà mang những hàng hóa quý hiếm nhất từ Đông sang Tây, vượt qua sa mạc bao la của Gobi và Khả Khả Tây Lý, xuyên qua những ngọn đèo cao nhất của Pamir và Thiên Sơn.
Ngày nay, Con đường Tơ Lụa chỉ còn là truyền thuyết. Nhưng đâu đó trên những cao nguyên cỏ xanh rì, dưới chân những ngọn núi tuyết, giữa những hoang mạc mênh mông, bóng người ngựa rong ruổi trong ánh chiều hoàng hôn vẫn mãi còn đó…” - xin trích phần lời tựa cho bộ ảnh của chị để ngược dòng về mùa hè năm 2017.
Những ngày đầu hành trình, một buổi chiều của Quỳnh Anh ở Siberia.
Chị có thể tóm tắt lại hành trình mình đã đi bao nhiêu ngày, từ bao giờ, dừng chân ở bao nhiêu điểm không?
Hành trình hè 2017 của mình khá dài (2 tháng: từ tháng 6 đến tháng 8) và bắt đầu từ khu vực Viễn Đông của Nga. Mình đi tàu Trans-Siberian ghé thăm một số địa điểm ở vùng Siberia của Nga, trong đó địa danh đặc biệt nhất là hồ Baikal. Sau đó chuyển hướng về phía Nam tới Mông Cổ theo đường bộ. Ở đây mình không ở được nhiều ngày do phải vào Trung Quốc, cụ thể là khu vực Tân Cương đúng thời hạn visa. Đi hết xuyên khu vực Tân Cương thì tới 2 nước Trung Á là Kyrgyzstan và Tajikistan. Toàn bộ hành trình từ vùng Viễn Đông (Nga) tới Tajikistan là đi đường bộ.
Phế tích thành cổ (thế kỷ 3 - 1 trước CN) từng là một trong các điểm quan trọng trên Con đường Tơ lụa tại khu vực Wakhan, Pamir.
Thung lũng Wakhan.
Kyrgyzstan.
Hồ cao nguyên nằm ở giáp biên giới Tajikistan - Kyrgyzstan.
Tajikistan.
Núi Thiên Sơn, Kyrgyzstan.
Làng Khuzhir trên đảo Olkhon, hồ Baikal (Nga).
Một góc linh thiêng của hồ Baikal, gần làng Khuzhir trên đảo Olkhon (mỏm đá phía xa có tên là Shamanka Rock).
Núi thiêng Sulaiman tại Osh (mang tên đức vua Solomon).
Có lẽ vì hành trình khá dài nên để liệt kê hết các nơi mình dừng chân cũng hơi nhiều quá, mình cũng chưa từng đếm số điểm dừng là bao nhiêu nữa (cười). Ở Nga có Vladivostok, Ulan-Ude, Irkutsk, Khuzhir, Krasnoyarsk… Mông Cổ là khu vực Western Mongolia. Trung Quốc thì là các địa danh chính của vùng Tân Cương. Kyrgyzstan có Bishkek, Osh, Karakol… Còn tại Tajikistan thì có Dushanbe, Khorog, Murghab...
Chị đã mất bao lâu để tìm kiếm nơi nghỉ chân, người liên lạc, lịch trình... cũng như lên kế hoạch trước chuyến đi?
Kế hoạch sơ bộ được lên trước đó vài tháng. Về cơ bản là để căn thời gian xin visa các nước mình đi qua cho vừa vặn. Vì mình chưa đi hành trình tương tự thế này bao giờ nên cũng không lên kế hoạch quá cụ thể. Mình coi yếu tố bất ngờ trong các chuyến đi là một điều thú vị nếu quỹ thời gian cho phép. Mình có một lợi thế là nói được tiếng Nga nên sử dụng ngôn ngữ này được ở khá nhiều nơi: Kyrgyzstan, Tajikistan, thậm chí cả Mông Cổ (trước mình chỉ nghĩ là sang Mông Cổ mình sẽ đọc được tiếng Mông, nhưng không ngờ người Mông thế hệ cũ rất nhiều người vẫn còn nói được tiếng Nga).
Mình không liên lạc ai trước cả, tới đâu mình khắc tìm được người mình cần, hỏi được ai đó, cứ vậy thôi. Giao tiếp với người bản địa trong quá trình tìm tòi khám phá cũng là một trong những điều thú vị của các chuyến đi.
Một đêm sao trên vùng cao nguyên của Pamir, phía đông nam Tajikistan.
Những khó khăn nổi cộm trước, trong và sau chuyến đi của chị là gì?
Trước khi đi mình có kế hoạch hành trình đi qua vẫn từng đó nước, nhưng với ngày khác và thứ tự khác. Do một số yếu tố khách quan ngay trước khi đi thì mình bắt buộc phải thay đổi lịch đi, trong khi mọi visa đã được dán trong hộ chiếu theo lộ trình ban đầu. Hậu quả của việc này là mình có khoảng thời gian không đủ dài như mong muốn ở các nước Nga, Trung Quốc, Mông Cổ.
Pamir, Tajikistan.
Vùng phía tây của Mông Cổ (Western Mongolia).
Mông Cổ.
Ở Trung Quốc, cụ thể là khu vực Tân Cương thì an ninh rất chặt chẽ. Khi đi qua cửa khẩu biên giới đường bộ mình vẫn bị kiểm tra cực nghiêm ngặt (sau khi đã được scan bằng các thiết bị tân tiến nhất, từng món đồ hành lý của mình phải dỡ ra, cho tới những thứ như dây USB, hay folder file ảnh trên laptop, hay ảnh trên thẻ nhớ, kiểm tra gần như không thiếu gì). Toàn bộ khu vực Tân Cương có rất nhiều mấu chốt kiểm tra an ninh dọc đường nên đi lại khá khó khăn.
Chắc chắn chuyến đi dài ngày chị sẽ phải tiếp xúc với nhiều người dân bản địa, chị có ấn tượng gì về cuộc sống của họ không?
Như mình đã nói trên, một trong những điều thú vị nhất của các chuyến đi là việc giao tiếp với người dân bản địa. Qua các chuyến đi này và các chuyến đi trước đây, mình chỉ có nhận xét là khi cuộc sống vật chất của người dân càng giản đơn, thì theo mình thấy có lẽ họ hạnh phúc hơn, hiếu khách hơn.
Và cách họ đối xử với mình cũng phụ thuộc vào cách mình nhìn nhận thế giới của họ. Ý mình nói là, ví dụ như nếu mình đến du lịch một nơi nhưng mình lo sợ nhiều thứ, khả năng rất cao mọi thứ sẽ diễn ra như vậy và khi xảy ra sẽ làm tâm trạng và cái nhìn của mình về nơi đó bị ảnh hưởng một cách tiêu cực. Và ngược lại, nếu mình nhìn nhận thế giới xung quanh như chính nó, tôn trọng hay am hiểu văn hoá và những con người bản địa, những chuyến đi sẽ trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều (tuy nhiên không nên quá chủ quan).
Người dân ở Kyrgyzstan.
Bé gái người Kyrgyz.
"Nhà điều phối" ngựa cho chuyến trekking 3 ngày cưỡi ngựa trên cao nguyên Thiên Sơn của chị Quỳnh Anh.
Nhớ hôm ngồi mấy ngày trên tàu Trans-Siberia, mình đã có thời gian rất vui trò chuyện cùng bọn trẻ con Nga hay những người thay nhau lên xuống tàu, mỗi người một câu chuyện, mỗi người đến từ một nơi khác biệt. Có một chị đi tàu một mình cứ cố chia sẻ hết với mình những đồ ăn chị mang lên chuyến tàu.
Chị trên tàu Trans-Siberian cùng các em bé người Nga.
Nhớ đêm hôm mò mẫm tìm chỗ khu trại nghỉ gần một hồ ở vùng Altai của Nga. Trời tối đen như mực và cảm giác như nơi được viết trên bản đồ không tồn tại. Đang loay hoay chưa biết làm thế nào thì may quá có người chiếu đèn pin ra đón. Khu camping đã bị phá huỷ sau một đợt bão, rất tiêu điều nên cũng gần như không ai lui tới nữa vì chưa khôi phục xong. Biết đường vào vất vả, chị phụ trách khu camp đã chuẩn bị cho mình đầy đủ trà mật ong, nước nóng (trong điều kiện không có điện)... và dặn dò rất kỹ mọi thứ.
Rồi nhớ có hôm đi qua một hồ lớn ở Western Mongolia, mình gặp một đại gia đình người Kazakh đang camping trên hồ rất vui vẻ vì mới đi đám cưới về. Thế là được mời vào ăn đủ thứ, không khí thật tưng bừng…
Một anh bạn người Kazakh cùng chú đại bàng của mình tại khu vực phía tây Mông Cổ.
Có chặng mình đi cùng người bạn bằng xe máy. Có vài lần xe hỏng hoặc hết xăng mà chưa sửa được, cuối cùng đều gặp được người địa phương đi qua giúp đỡ, có lần cho cả xăng, và không ai chịu lấy một đồng nào từ mình. Cùng lắm chỉ xin tấm ảnh mobile. Những lúc đó cảm động lắm!
Trong album có thể thấy chị đề cập đến yếu tố ẩm thực, không khí nhiều, chị có thể chia sẻ thêm về khía cạnh này không ạ?
Vì mình ở nơi thành thị nên thực sự mỗi lần thoát ra được khỏi bầu không khí ô nhiễm ở Hà Nội, mình đã thấy rất nhẹ nhõm. Còn ở những khu vực mật độ dân cực thấp, nhiều thiên nhiên, các vùng núi, cao nguyên, đó là những nơi mình cảm giác thực sự được “thở”.
Thức ăn ở mỗi nơi có nét đặc trưng riêng, nhưng nói chung ở hành trình này có thể thấy sự ảnh hưởng rất lớn trong ẩm thực đến từ Mông và Trung Hoa, ngoài ra của cả Xô-Viết cũ (tại Mông Cổ, Kyrgyzstan, Tajikistan), là kết quả của một quá trình khá dài trong lịch sử. Ở những khu vực khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, khó trồng trọt, thực đơn chủ yếu sẽ chứa nhiều tinh bột, chất đạm và chất béo.
Ở những nơi mát mẻ, nhiều độ ẩm hơn, điều kiện trồng trọt tốt hơn, ví dụ như Kyrgyzstan, mùa hè có thêm rất nhiều hoa quả ngon (là một sự giải toả lớn trong hành trình dài “thiếu rau" và vitamin). Nhưng vì mình đã quen ăn uống đa ẩm thực từ nhỏ do điều kiện môi trường lớn lên, nên ẩm thực nước nào mình cũng vẫn thưởng thức được và cũng thích thưởng thức. Qua thức ăn có thể hiểu nhiều về văn hoá địa phương, mình nghĩ thế. Nếu đến mỗi nơi ta cố tìm cách ăn “như ở nhà", có lẽ chuyến đi sẽ thiếu những mùi vị quan trọng.
Buổi chiều ở Kashgar, Tân Cương.
Quầy bán thịt thủ. Chợ Osh, Kyrgyzstan.
Quầy dưa vàng chợ Osh.
Người phụ nữ trẻ đang nghỉ giải lao tại một trong những phiên chợ lớn nhất Trung Á - chợ Osh, Kyrgyzstan.
Về lưu trú, nghỉ chân trong chuyến đi, chị thu xếp như thế nào?
Vì đi tự túc nên nếu nơi nào mình lên kế hoạch trước là sẽ qua và nơi đó có phòng đặc trước thì mình sẽ chủ động đặt online, còn những nơi hẻo lánh hơn thì tới nơi rồi mình tìm tại chỗ.
Cuối cùng, chị có chia sẻ gì về những lưu ý/ lời khuyên hoặc nguồn cảm hứng và ý tưởng của chị cho những ai có mong muốn được dọc theo con đường tơ lụa này một lần.
Có nhiều người nghĩ Con đường Tơ lụa là cụ thể một cung nào đó nhưng không phải. Con đường Tơ lụa cổ xưa đi qua rất nhiều lãnh thổ ở nhiều nơi, chia tách thành nhiều nhánh. Đối với những ai muốn khám phá, mình nghĩ nên chậm rãi khám phá từng phần một, tuỳ thuộc vào khả năng về tài chính, quỹ thời gian và mức độ quan tâm cá nhân.
Có thể góc này của Con đường Tơ lụa hợp hơn với người này, góc khác với người khác. Việc khám phá được hết Con đường Tơ lụa xưa trong một chuyến đi, kể cả dài ngày, mình nghĩ là không khả thi. Những điều thú vị ở Con đường Tơ lụa mình nghĩ không hẳn là những di tích còn giữ được cho tới tận giờ, mà ở sự giao thoa, ảnh hưởng lẫn nhau của các văn hoá vùng miền, các dân tộc.
Xin cảm ơn chị Quỳnh Anh về những chia sẻ, chúc cho chuyến đi chinh phục Con đường Tơ lụa lần tới đây của chị sẽ thuận lợi!
Nguồn Kênh 14
Nguồn Kênh 14
Vé máy bay đi Mỹ site google
ReplyDeleteDu lịch Hoa Kỳ
Vé máy bay đi Mỹ giá rẻ Doodlekit
Săn vé du lịch Hoa Kỳ
Conglyvaness Reddit