“Không một ai đặt chân vào Tây Tạng mà không chịu ảnh hưởng của nó, và không ai có thể chui rúc vào đời sống chật hẹp khi đã nhìn thấy sự hùng vĩ, bao la của rặng Tuyết Sơn.” (Đường mây qua xứ tuyết, Anagarika Govida, dịch giả: Nguyễn Tường Bách)
Trong suy nghĩ của nhiều người, Tây Tạng là vùng đất huyền bí, kì lạ và không kém phần linh thiêng. Vùng đất này có một sức hút kì lạ nhưng lại quá khó khăn để họ được đặt chân đến, phần vì địa hình hiểm trở, vì lo lắng không đủ sức khoẻ, phần vì không biết phải đến đây bằng cách nào.
Để đến được Tây Tạng
Với địa hình hiểm trở, nằm ở độ cao trung bình 4.700m so với mực nước biển và được “bao quanh” bởi các dãy núi hiểm trở, chưa kể Tây Tạng nay là một khu tự trị vủa Trung Quốc nên để đến được đây, bạn phải đảm bảo được hai vấn đề là giấy phép để nhập cảnh và sức khoẻ để có thể có những trải nghiệm tuyệt vời ở đây.
Tuỳ vào việc bạn đi những đâu ở Tây Tạng mà cần có những loại giấy phép tương ứng. Nếu chỉ là một chuyến đi thông thường từ 9 -10 ngày tham quan các địa điểm chính ở đây mà không đến EBC (Everest base camp) hay đi hành hương quanh núi Ngân Sơn (Kailash), bạn cần có 2 loại giấy phép là TTP (Tibet travel permit) và ATP (Alien's travel permit ). Giấy phép này chỉ được cấp thông qua một công ty du lịch địa phương và sau khi bạn đã có visa nhập cảnh Trung Quốc. Chưa kể, bạn cần phải có giấy phép này để trình cho hải quan trước khi nhập cảnh nên thông thường, bạn sẽ tới một địa điểm nào đó ờ Trung Quốc để công ty địa phương gửi giấy phép đến trước khi bạn đi tiếp vào Tây Tạng.
Nhiều người lo sợ cho việc không đảm bảo sức khoẻ khi đến đây đến độ họ không dám đi hoặc một số người đã gặp phải hội chứng sốc độ cao (AMS: Acute Moutainous Sickness) khi vừa đặt chân tới Lhasa (thủ phủ và cũng là thành phố lớn nhất Tây Tạng), phần lớn là do vấn đề tâm lý. Nếu bạn không bị một trong các bệnh mãn tính về đường hô hấp, bệnh về tim mạch hay huyết áp, chỉ cần sức khoẻ bình thường, cộng thêm việc luyện tập hít thở đúng cách và tâm lý thoải mái là đã có thể đảm bảo có một chuyến đi tuyệt vời. Ngoài ra, để phòng hờ, bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc trong thành phần có chứa Acetazolamid, uống nhiều nước nhất là các gói bổ sung điện giải để cơ thể không bị mất nước, uống thêm thuốc giảm đau khi có triệu chứng đau đầu và các loại thuốc bổ để bổ sung vitamin và khoáng chất. Một vấn đề cần lưu ý mà các nhà tour chuyên nghiệp và kinh nghiệm sẽ tư vấn và sắp xếp cho bạn hợp lý đó là khi vừa tới Lhasa (với độ cao 3.700m), bạn cần nghỉ ngơi và hạn chế các hoạt động mạnh. Trong các khách sạn lớn ở đây đều có máy thổi ô-xy, tuy nhiên, cần hạn chế để cơ thể thích nghi với độ cao mới. Các ngày đầu chỉ nên tham quan quanh Lhasa. Sau khi cơ thể đã thích ứng và làm quen với môi trường ở đây, mới nên đi tham quan tiếp các địa điểm khác với các độ cao tăng dần.
“Chạm” vào vùng đất Thiêng
Không chỉ nổi tiếng bởi những cảnh đẹp hùng vỹ mà không nơi nào có được, Tây Tạng còn được biết đến như một vùng đất linh thiêng với văn hoá độc đáo và tôn giáo Mật tông (Kim Cương Thừa) đặc sắc bao trùm và chi phối mọi hoạt động của con người ở đây. Tất cả đều mang một màu sắc huyền bí và linh thiêng khó tả.
Các địa điểm linh thiêng nhất ở đây có thể kể đến là Cung điện Bố Đạt La (Potala), Đền Đại Chiêu (Jokang) và Trát Thập Luân Bố (Tashilunpo). Potala được xây dựng vào từ thời Tạng Vương Tùng Tán Cán bố (Songtsen Gampo) nhưng phải đến đời Lạt Ma thứ 5 là Bốc Tạng Gia Mục Thố (Losang Gyatso), khi ông cho xây dựng lại cung điện này thì nơi đây mới chính thức trở thành nơi ở và học tập của các vị Đạt Lai Lạt Ma. Ngày nay, Potala như một biều tượng của Tây Tạng và là một kỳ quan tôn giáo không chỉ của Lhasa nói riêng mà của cả nhân loại nói chung. Địa danh này được UNESCO công nhận là di tích lịch sử văn hoá từ năm 1994. Đền Đại Chiêu dẫu không hoành tráng như Potala nhưng lại là nơi được người Tạng tin là nơi linh thiêng nhất ở đây. Trong đền còn lưu giữ bức tượng Phật được Văn Thành công chúa (Princess Wencheng) đem sang từ Đại Đường vào thế kỷ thứ VII. Trát Thập Luân Bố nằm gần Shigatse là nơi ở của các Ban Thiền Lạt Ma (Panchen Latma), một chức sắc trong Mật Tông Tây Tạng chỉ đứng sau Đạt Lai Lạt Ma và là người có trách nhiệm đi tìm hoá thân của các Đạt Lai Lạt Ma.
Ngoài ra, các thánh hồ cũng là một trong những nơi mà bạn nên tham quan và trải nghiệm. Có tất cả 5 hồ thiêng ở Tây Tạng, trong đó, hồ Yamdrok và Namtso là hai hồ được nhiều người chọn lựa để ghé thăm. Nếu như Namtso là hồ nước mặn cao nhất thế giới với cảnh đẹp thanh bình và tĩnh lặng đến khó tả, hồ nước ngọt cao nhất thế giới là Yamdrok là sở hữu một vẻ đẹp khác lạ với mặt hồ xanh như ngọc quanh năm, dãy núi hùng vỹ lặng lẽ soi bóng trên mặt hồ. Nơi mà chỉ cần đưa máy ảnh lên, khách sẽ luôn có những bức hình đẹp đến ngỡ ngàng. Sẽ là một tiếc nuối nếu chỉ tạt qua mà không lưu lại ở ở hai hồ thiêng này để cảm nhận được hết vẻ đẹp không dễ diễn đạt được bằng ngôn từ.
Đi và trở về với ít nhiều thay đổi
Lê Hoàng Giang, phượt thủ nổi tiếng với kinh nghiệm nhiều lần chinh phục Himalaya đã có lần chia sẻ sau khi trở về từ Tây Tạng: “Hãy vào một tu viện nho nhỏ ở đây, nhìn những ngọn đèn bơ leo lét, nhìn sâu vào ánh lửa tôi thấy mình với những tham-sân-si; nhìn những vết thời gian, những thân cột bạc màu, những bức tường nứt nẻ như chứng nhân cho bao kiếp người trôi qua, tu viện vẫn ở đó, tôi quan sát trong thinh lặng. Đi để về sống bình dị hơn.” Thật vậy, không một ai một khi đã đặt chân đến đây mà trở về không có ít nhiều thay đổi.
Một khi được tận mắt thấy văn hoá và con người Tạng ở đây, phần lớn du khách đều có chung một cảm nhận và suy nghĩ về cuộc sống, về giá trị sống. Với người Tạng, đức tin hay tin ngưỡng là điều quan trọng nhất và bao trùm, chi phối gần như tất cả hoạt động trong đời sống của họ. Trong tín ngưỡng Phật giáo Mật Tông, họ quan niệm cuộc sống trần thế chỉ là tạm bợ và chết không phải là chấm hết, mà là bắt đầu một chương mới. Bất kể thời điểm nào trong năm, ở những địa điểm quan trọng như đền Đại Chiêu, tu viện Bố Đạt La, tu viện Trát Thập Luân Bố, bạn sẽ thấy hàng đoàn người Tạng đi nhiễu Phật (đi kora) với Luân Xa trên tay. Một số người còn thể hiện lòng thành kính bằng cách đi tạm bộ nhất bái (ba bước đi một bước lạy, hay còn gọi là ngũ thể nhập địa với 5 bộ phận cơ thể chạm đất khi vái lạy). Những hình ảnh đó luôn gây những xúc cảm về tâm linh mãnh liệt và đọng lại trong tâm trí của khách thập phương những trăn trở về được-mất-hơn-thua trong đời.
Hơn cả một vùng đất linh thiêng, Tây Tạng là một vùng đất của sự đổi thay trong tiềm thức mỗi người một khi đã “chạm” vào đây, bất kể bạn xuất thân từ giai cấp nào, thuộc thành phần xã hội hay mang quan điểm tôn giáo nào.
Tác giả: Thành Cao
Nguồn: Tạp chí Thời Trang Trẻ
No comments:
Post a Comment