26 December 2024

Myanmar


#Yangoon rực rỡ sắc màu


Nay Pyi Taw là thủ đô của Myanmar ngày nay, nhưng Yangon, thủ đô cũ lại là thành phố lớn nhất. Trở lại Yangon lần này, mình thấy rất ấn tượng. Lần trước, cách đây ba năm đi theo tour, gò bó và không đi được nhiều. Lần này được tự do tung hoành ngang dọc Yangon. Lịch trình tự đi nhưng theo City tour chuẩn của các bạn Myanmar. Điểm đến đầu tiên là ngôi chùa to đẹp nhất Myanmar, và có lẽ nhất thế giới, chùa Shwe Dagon. Sau đó là chùa Chauk Htatt Ghyes có tượng phật nằm ở phía bắc, chùa Sule ở trung tâm Yangon. Buổi chiều dao vòng quanh hồ Kan Dawgyi và hồ Inya được ví như hồ Gươm và hồ Tây của Hà Nội. Chiều tối ra bờ sông ngắm hoàng hôn. Thuê taxi bao theo giờ là 5000 Kyat/h, mấy anh tài xế đen nhẻm nhưng hiền khô và vô cùng thân thiện, chỉ tội toàn quấn váy và ăn trầu nên rất phí tố chất đàn ông.
Mùa này trời đẹp lý tưởng cho những chuyến đi rong ruổi trên đất Myanmar. Nắng vàng như mật ngọt, trời xanh mây trắng in bóng những ngôi chùa vàng óng trong ráng chiều. Một đất nước cởi mở và thân thiện dù còn khá nghèo khó. Trên đường phố toàn xe bốn bánh, xe máy hai bánh hiếm như lá mùa thu.


Yangon nổi bật ở những kiến trúc kiểu thuộc địa cũ, xen lẫn trong không gian tâm linh của những ngôi chùa Phật giáo là vài nhà thờ Công giáo và đôi khi là đền thờ Hồi giáo. Yangon rất bình yên khi bạn lang thang ở khu vực chùa Sule và quảng trường trung tâm.

Yangon là thành phố của những sắc màu rực rỡ. Yangon có hai hồ nước lớn, hồ Inya và hồ Kan dawgyi. Hồ Inya lớn hơn nhưng nổi tiếng hơn là hồ Kandawgyi. Dạo quanh mấy hồ nước này chụp ảnh là điều không thể bỏ qua đối với những du khách lang thang Yangon. Cảnh đẹp như tranh vẽ. Bình minh và hoàng hôn nơi đây khi ngắm nhìn về phía chùa Shwe Dagon vô cùng đẹp và rực rỡ.

Người dân ở Yangon nói riêng và Myanmar nói chung rất sùng bái đạo Phật. Việc dâng tiền, vàng, đá quý để xây dựng chùa rất phổ biến trong dân chúng. Hầu hết các ngôi chùa đều có đỉnh dát vàng nạm đá quý thể hiển sự phồn thịnh của tôn giáo.

Quần thể chùa vàng Shwe dagon bao gồm 1000 đơn thể chùa bao quanh toà bảo tháp trung tâm. Trong đó có 72 ngôi chùa bằng đá quí có thờ tượng Phật bên trong. Bảo tháp trung tâm là một tuyệt tác nghệ thuật được phủ kín bởi gần 10 ngàn lá vàng với tổng khối lượng hơn nửa tấn. Trên đỉnh tháp là lá cờ nheo được làm hoàn toàn bằng vàng khảm kín với hơn 5 ngàn viên kim cương và hơn 2 ngàn viên đá quí. Đỉnh tháp treo tất cả một ngàn cái chuông vàng và gần năm trăm cái chuông bạc. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn về đêm, ngôi chùa vàng luôn rực rỡ sắc vàng lấp lánh.


Shwe Dagon




Hồ Kandawgyi




Hồ Kandawgyi









Cũng rực rỡ sắc màu để cạnh tranh với Yangon.




Chauk Htatt Ghyee Temple







Hồ Kandawgyi






Hồ Inya

Mua sắm ở Yangon rất hấp dẫn với ngọc trai và đá quý. Mình bê về được ba bức tranh khảm đá và một lô các loại vòng đá, vòng ngọc trai. Tuy nhiên, vào chợ bạn phải trả giá kỹ kẻo mua đắt. Tốt nhất là ra sân bay mua, giá rẻ mà hàng lại đẹp hơn trong chợ.(Yangon 2.2014)


Bagan cổ kính



Bagan là cố đô của Myanmar hàng ngàn năm về trước, mang một nét đặc trưng rất Myanmar. Bagan có khoảng 2,000 ngôi chùa, đền đài và bảo tháp trên diện tích 16 dặm vuông trên bờ phía đông của sông Ayeyarwady. Những ngôi chùa, đền đài và bảo tháp có nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau .


Để có thể ngắm nhìn toàn cảnh Bagan, có thể bay khinh khí cầu lúc bình minh sử dụng dịch vụ bay của công ty Baloons of Bagan với giá chỉ có ....295 $/người. Nghe đến giá cắt cổ du khách này là biết mình chỉ có thể ngồi ngắm khinh khí cầu bay mà thôi.


Ai cũng nói, đến Bagan phải thử đi xe ngựa để thả hồn vào những tiếng lộc cộc của vó ngựa, cảm giác lắc lư trên xe, hình ảnh bụi đất tung mù lên phía sau để đưa tâm hồn chìm vào cảm giác một thời oai hùng xa xưa của cố đô. Bagan chất chứa cả một lịch sử huy hoàng phía sau những lớp bụi đỏ mịt mờ. Nếu như Angkor thể hiện nét tinh tế của mình ở đá và gạch, thì Bagan rực rỡ ở bụi mù và sự cô tịch trên những bức tường tróc mòn loang lổ với dấu ấn thời gian.

Bọn mình thuê xe ngựa với giá trọn gói 25K Kyats cho một ngày quanh quẩn thành cổ Bagan và thuê xe 50K một ngày đi núi Popa cách Bagan khoảng 50km. Đi xe ngựa nhìn thoáng qua rất lãng mạn, tuy nhiên chịu đựng bụi bặm và mùi hôi của phân ngựa cũng là một trải nghiệm nhớ đời.

Ở Bagan, các đền chùa còn giữ được hiện trạng khá tốt. Khí hậu ở Bagan khô nên các công trình được bảo tồn tốt hơn ở những nơi khí hậu ẩm. Những đền tháp được phục chế rất khéo léo, hòa hợp bằng kỹ thuật còn lạc hậu do chính bàn tay những người dân Myanmar làm. Với họ, công việc này không hẳn là phục chế lại một công trình do chính tổ tiên xây dựng từ xa xưa, mà đó là sự thể hiện của lòng tôn kính với Đức Phật, của sự mộ đạo trong mỗi con người Myanmar.

Các đền chùa ở Bagan được làm bằng gạch nung mang sắc màu phôi pha của nắng, của mưa, của thời gian. Có hơn bốn ngàn ngôi đền chùa thuộc phái Theravada (hay còn gọi là phái tiểu thừa) trải khắp Bagan. Trận động đất năm 1975, đã phá hủy gần 2000 đền chùa nơi đây. Đa số các ngôi đền được xây kiến trúc hình tháp vuông. Bốn mặt thường đặt bốn tượng Phật lớn (4 faces). Các dãy hành lang có mái vòm cao, dọc hành lang đôi khi cũng đặt các tượng Phật nhỏ. Vào đền nên đi vào một cổng chính, đi theo hướng trái rồi theo hành lang đi một vòng.


Bọn mình đã thăm những ngôi đền, chùa này trong hai ngày ở Bagan: Shwesandaw, Htilo Mininlo, Ananda Phaya, Dhamma Yangyi, Sulamani Pahto, Thatbyinnyu Pahto và đặc biệt là chùa vàng Shwezigon.




Chùa Shwesandaw là ngôi chùa được đánh dấu trên bản đồ du lịch như địa điểm để ngắm bình minh và hoàng hôn Bagan vô cùng ngoạn mục. Ngay sáng ngày đầu tiên khi đi xe buýt đến vẫn còn sớm nên bọn mình quyết định đi đón bình minh ở đây. Leo lên những cầu thang bộ mòn vẹt bởi thời gian, lên tầng cao nhất để thưởng ngoạn cảnh bình minh. Mặt trời nhô lên khỏi chân trời bên cạnh một tòa tháp với tầng tầng lớp lớp khinh khí cầu bay lên.







Htilo Minlo: ngôi đền bề thế và tinh xảo được xây dựng bởi vua Zeya Theinkha. Vua cha của Theinkha có 5 người con và ông phải chọn ra người kế vị. Trong ý muốn của vua cha, Theinkha là người xứng đáng nhất. Nhưng để công bằng, ông đã chọn lựa người kế ngôi theo truyền thống của hoàng tộc. Đó là sử dụng cây dù trắng để chọn lựa người xứng đáng. Cây dù sẽ được đặt giữa các hoàng tử và cây dù nghiêng về phía ai, người đó sẽ được chọn. Cây dù đã chọn Theinkha và ông đã lên ngôi với sự tích như thế. Theinkha đã xây dựng nên ngôi đền này và"Htilo Mininlo" nghĩa là đức vua được lựa chọn bởi chiếc dù trắng và vua cha.





Ananda Phaya là ngôi đền thờ bốn vị Phật đã đạt được Niết bàn. Bốn tượng Đức Phật bằng vàng dựng ở bốn hướng. Phía đông: Konagamana (Phật Câu Na Hàm); Phía tây: Gotama (Phật Thích Ca Mâu Ni); Phía nam: Kassapa (Phật Ca Diếp); Phía bắc: Kakusandha (Phật Câu Lâu Tôn). Đền Ananda linh thiêng nhất Bagan, được xây dựng bởi vị vua thứ ba, Kyan - zit -tha vào năm 1091. Ananda xuất phát từ tiếng Pali "anantapannya", có nghĩa là "trí tuệ vô biên". Đây là ngôi đền quan trọng nhất ở Bagan.






Dhamma Yangyi: là ngôi đền có diện tích lớn nhất Bagan hình khối kim tự tháp. Đặc biệt đền không có chóp như những ngôi đền khác. Do vua Narathu (Kalagya Min) cho xây dựng năm 1167. Sau khi giết chính vua cha của mình, Narathu chiếm ngai vàng và cho xây dựng bằng gạch đỏ đất nung không hề có mạch vữa. Tương truyền Narathu tự mình giám sát việc xây dựng và những người thợ xây sẽ bị hành quyết nếu một cái kim có thể lọt giữa hai lớp gạch. Sau khi xây xong, ông cho chặt hết tay của nô lệ để đảm bảo giữ bí mật kỹ thuật xây ngôi đền. Trong ngôi đền ông cho đặt hai bức tượng: một là cha và một là anh trai của ông. Cả hai đều bị ông ám sát để đoạt ngôi. Còn có một bức tượng người phụ nữ nằm sau bức vách, đó là vợ của ông, người cũng bị ông giết chết. Tương truyền rằng ngôi đền xây mà không hoàn thành được do những nhân quả mà Narathu gây ra, đó cũng giải thích vì sao nó không có cái chóp như những ngôi đền khác.










Chùa Shwe Zigon được xây dựng theo phong cách Myanmar trong năm 1087 làm mô hình nguyên mẫu cho chùa Shwedagon tại Yangon. Chùa Shwezigon tương tự như chùa vàng Shwedagon ở Yangon nhưng yên bình và thanh tĩnh hơn rất nhiều. Nơi đây, bạn có thể kiếm cho mình một góc nào đó để ngồi tư lự, nhìn trời nhìn mây, mơ màng hàng giờ liền cho dù cuộc sống ngoài kia có sôi động đến đâu, có nhộn nhịp đến thế nào.


Đền Thatbyinnyu là ngôi đền cao 66 mét được xây dựng trong thế kỷ 12. Thatbyinnyu Pahto là ngôi đền cao nhất ở vùng đất đầy gió bụi này và là một biểu tượng của đất Phật Bagan.


Sulamani Phaya: được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Sulamani được trang trí rất đẹp ở các bức tường phía bên ngoài đền, nhưng Sulamani khác biệt với những ngôi đền khác ở những bức tranh rất tinh xảo được trang trí trên tường, trên trần phía bên trong ngôi đền. Khi bạn bước chân vào ngôi đền có ngàn năm tuổi này, sẽ có cảm giác như bỏ lại những bụi trần phía bên ngoài cổng đền, tạm quên đi mọi thế sự nhân gian.




Đón bình minh trên tầng ba của ngôi chùa Shwesandaw lúc 6h sáng.



Bình minh và hoàng hôn ở Bagan


Lịch trình ở Bagan có hai ngày mà bọn mình có đến 1 lần đi đón bình minh và 2 lần chia tay hoàng hôn, đều đẹp đến ... nín thở. Lựa chọn ảnh bình minh và hoàng hôn lên đây cho bạn bè ngắm nghía, mặc dù tay máy amateur và máy còi G10, hi vọng vẫn có được những tấm hình mặt trời khá đẹp trên nền chùa chiền, đền đài và khinh khí cầu, đặc trưng của thành phố ngàn tháp này. Bản đồ du lịch Bagan rất thú vị ở chỗ ghi rõ những nơi nào có thể ngắm hoàng hôn/bình minh đẹp nhất. Và bọn mình đã đón bình minh/hoàng hôn ở ba vị trí khác nhau của Bagan. Mùa này trời đẹp, trong veo, cảnh mặt trời mọc và lặn trở nên tráng lệ hơn bao giờ hết.

Trên mảnh đất cố đô, thời khắc được chú ý nhất là bình minh và hoàng hôn. Không biết có phải vì bình minh và hoàng hôn là thời điểm linh thiêng nhất hay vì đó là thời điểm đẹp nhất để thả hồn lãng mạn, để nhìn ngắm và chụp ảnh. Ngắm nhìn mặt trời mọc và lặn thật diễm lệ trên nền trùng trùng tháp cổ và hàng trăm khinh khí cầu đủ sắc màu bay trong bầu trời vàng óng của bình minh và hoàng hôn. Những đền tháp cổ như thức giấc cùng bình minh, đốt cháy mình trong nắng và cô đơn lạnh lẽo trong ánh chiều tà.























Hoàng hôn trên sông Ayeyarwady từ chùa Bu Phaya










Hoàng hôn trên núi nhìn từ Shwe leak too Temple



Cố đô Mandalay



Hoàng thành Mandalay, Mandalay Fort


Mandalay không phải là một thành phố cổ, mà là một thành phố mới được xây dựng thời vua Mingdon Min năm 1857 và trở thành kinh đô năm 1861 khi vua ra lệnh dời đô từ Amarapura. Mingdon là vị vua rất sùng đạo, ông đã biến Mandalay thành trung tâm Phật giáo với những ngôi chùa và tu viện rộng lớn, trang trí điêu khắc một cách tỉ mỉ. Xưa kia nghe nói đó là một thành phố lộng lẫy nhưng hầu hết các kiến trúc bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mặc dù thủ đô đã được chuyển đến Naypyidaw, Mandalay ngày nay vẫn là trung tâm thương mại chính của Thượng Myanmar. Mandalay hiện đại hôm nay với đường phố vuông thành sắc cạnh và được đánh số.


Bọn mình thuê một xe taxi đi ba thành phố Inwa, Sagaing, Amarapura trong ngày giá 50$. Tài xế gốc Ấn béo quay và đen thui như võ sĩ Judo, cũng mặc váy và ăn trầu. Anh chàng này nhìn vậy mà hóa ra rất lãng mạn, hát hay, có vợ trẻ đẹp. Xe chở tụi mình đến thăm tu viện Phật giáo Mahagandhayon, rồi đi cầu U Bein, đi Sagaing Hill thăm một ngôi chùa nằm trên núi có tên Ponnya Shin Pagoda và một ngôi chùa vàng có hình dạng đặc biệt như cái chuông có tên Kaunghmudaw Paya. Cuối cùng trở về Mandalay sớm để đi thăm chùa Mahamuni, chùa Shweinbin bằng gỗ teak và Hoàng thành.






Cầu gỗ Ubein nổi tiếng với chiều dài 1,2 km có 1.068 cột. Đây là cây cầu gỗ teak dài và cổ nhất thế giới được xây dựng bởi người dân Ubein vào giữa thế kỷ 19. Cầu Ubein còn là một trong 10 địa điểm nổi tiếng thế giới để ngắm nhìn cảnh mặt trời lặn, tuy nhiên bọn mình không thể chờ đến hoàng hôn vì còn phải về sớm đi một số điểm ở Mandalay. Đi bộ qua cầu, định thăm một ngôi chùa bên kia cầu mà cuối cùng phải bỏ cuộc, chỉ đi hết cầu rồi quay lại. Tuy vậy, các du khách vẫn thu nhặt được vô khối ảnh đẹp với cây cầu và dòng sông Ayearwardy hiền hòa.




Học viện Phật giáo Mahagandhayon với bếp ăn tập thể có nồi cơm khổng lồ được nấu chín bằng hơi nước cho hàng ngàn học viên. Tất cả gạo, đồ ăn đều do những người dân có lòng thành mang đến cúng đường. Các nhà sư, mỗi người cầm một cái âu sành, xếp hàng trong yên lặng, chậm rãi bước đến nhận cơm và các loại bánh.






Ponnya Shin Pagoda










Kaunghmudaw Paya





Mahamuni Pagoda




Pho tượng Phật Thích ca được đúc bằng 15 tấn vàng ròng


Cùng với Schwedagon và Gold Rock, điều kỳ diệu thứ 3 của Phật giáo Myanmar là pho tượng Phật Thích ca được đúc bằng 15 tấn vàng ròng đặt chính giữa ngôi chùa dựng từ thế kỷ 1 có tên Mahamuni. Mahamuni Paya là ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất ở Myanmar, chùa còn có tên gọi là Payagi, Big Paya hay Rakhaing Paya. Phần chính điện do nhà vua Bodawpaya xây dựng năm 1784. Chùa có 4 mặt với những hành lang dài. Cái tên Mahamuni được gắn liền với bức tượng Phật trong chùa, pho tượng cổ được mang về từ Mrauk U ở bang Rakhaing vào năm 1784. Niên đại của tượng Phật Mahamuni được cho là từ thế kỉ thứ 1 sau công nguyên nhưng những phật tử ở Rakhaing tin rằng tượng có từ 500 năm trước công nguyên khi đức Phật có chuyến thăm nơi này. Phật giáo Myanmar cũng quy định - chỉ đàn ông mới được phép vào khu vực đài sen để tôn kính dát những miếng vàng lên thân tượng Phật, phụ nữ bị cấm đến gần và chỉ được ngồi phía dưới nguyện cầu.




Shweinbin - ngôi chùa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ tếch và cũng là tu viện lớn nhất Mandalay. Những đường nét thanh thoát của mái vươn lên trời cao được ghép dựng hoàn toàn bằng gỗ. Các hoa văn chạm khắc tinh xảo tuyệt mỹ hiển hiện khắp ngôi chùa. Những họa tiết tinh tế hình tượng thần, tiên nữ, Phật… được thể hiện vô cùng cân xứng. Trải qua bao thế kỷ dãi mình trong mưa nắng, phần gỗ đều nhuốm màu đen nâu khiến Shweinbin càng thêm uy phong, huyền bí.



Rũ bụi trần ở hồ Inle





Paramount resort


Inle Lake nằm ở trung tâm của Cao nguyên Shan, là một hồ nước tuyệt đẹp trên cao 900 mét so với mực nước biển. Hồ có diện tích 116 km2 với chiều dài 22km và chiều rộng 10km.


Sau khi ăn chơi mệt mỏi ở Bagan và Mandalay, từ Mandalay bọn mình bay mất 20' là đến Heho, sau đó thuê taxi mất 25K kyat để đến hồ Inle và thuê thuyền 15K để ra Paramount resort. Trước khi vào khu bảo tồn Inle, du khách phải móc ví trả vé vào khu bảo tồn 10$/người. Chi phí vé "chém đẹp" này sẽ dành cho việc bảo tồn thiên nhiên của hồ Inle. Đi đường hơi vất vả nhưng quả thực mình không phải luyến tiếc khi đến thư giãn ở nơi này sau mấy ngày bụi bặm ở Bagan và Mandalay. Paramount resort (120$/đêm) có vị trí đẹp trên cả tuyệt vời với cả một tháp được thiết kế để ngắm bình minh và hoàng hôn.


Sân bay Heho nhỏ xíu có mỗi một cửa ra máy bay mà nhộn nhịp đông nghẹt du khách tây ba lô, hình như ai tới Myanmar cũng phải đi hồ Inle cho biết. Đường từ sân bay Heho về hồ Inle rất đẹp. Cây cối xanh tươi hai bên đường, mùa này hoa gạo nở đỏ rực rỡ. Bác tài xế dừng xe ở ngôi chùa bằng gỗ tếch cho cả đoàn nghỉ chân chụp ảnh. Đến hồ bọn mình thuê thuyền đưa đón về resort và chở lòng vòng đi chơi với giá trọn gói 45K kyat. Nhận phòng resort xong là xuống thuyền đi một vòng hồ. Đây là khu bảo tồn chim với rất nhiều loại chim khác nhau, nhiều nhất là hải âu. Chim bay rợp trời theo thuyền, sà xuống mặt hồ và bay tung cánh trong ráng chiều. Tất cả các camera đều được phát huy tối đa để chụp phong cảnh, chụp chim và chụp mây trời. Bọn mình đi thăm xưởng dệt vải thô từ sợi sen, xưởng chế tác bạc, thăm đồng cà chua thủy canh, thăm mấy ngôi chùa ven hồ. Cuộc sống dân cư nơi này thật bình yên và đơn giản.


Hoàng hôn Inle vàng óng, yên bình với những đàn chim đậu rỉa cánh trên hồ, bay lượn trong không trung và sà xuống nước bắt mồi. Sáng hôm sau bọn mình phải trở về bờ sớm để còn đi sân bay, và trên đường đi lại có dịp ngắm nhìn bình minh trên hồ thật lãng mạn đẹp tuyệt vời.




Ngôi chùa ven hồ





Vải thô dệt từ sợi sen






Đánh cá và chèo thuyền 1 chân




Khu bảo tồn chim





Bình minh




Cánh chim hải âu




Một bờ lau xưa










Hoàng hôn với bóng chim cô đơn





Tứ quái vui nhộn



Sau ba năm, mình lại trở lại nơi đây sau một chuyến lang thang khắp Myanmar. Đây là điểm cuối của hành trình một tuần, trước khi ra sân bay Yangon bay về Hà Nội. Từ hồ Inle, bọn mình bay về Yangon rồi thuê một chuyến taxi trọn gói 200$ đi về đến Kin pun. Khoảng cách từ Yangon đến Kin Pun là 194km đi mất khoảng 5h. Đoạn đường này khá tốt, xe chạy ngon lành. Trên đường đi bọn mình ghé thăm mấy ngôi chùa nổi tiếng ở Bago và Bảo tàng chiến tranh Taukkyan War Cemetery - nghĩa trang lớn nhất Myanmar nơi chôn cất một số trong 27.000 quân đồng minh thế chiến thứ II.

Bago từng là cố đô của Vương quốc Mon vào thế kỷ thứ 15. Bago nằm cách Yangon khoảng 80km, nằm giữa đường hành hương đến Chùa Đá Vàng nổi tiếng. Bọn mình ghé thăm chùa Shwe Maw Daw - ngôi chùa cao nhất tại Myanmar với tháp chính cao 114 mét - nơi đang bảo tồn xá lợi tóc và xương của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni và chùa Kyaik Pun có tượng Phật Thích Ca 4 mặt có từ thời vua Dhamma Zedi.


Lần này đi Kyaikhtiyo, mình không đặt được khách sạn trên đỉnh núi. Qua Agoda chỉ có khách sạn ở chân núi là Golden Sunrise Hotel, giá khá chát 70$/night mà trang thiết bị thì cũ xì, ẩm mốc. Dự định sáng hôm sau sẽ leo núi sớm bằng xe tải mui trần, tuy nhiên thông tin cho biết xe tải (ở đây gọi là bus) chỉ bắt đầu chạy từ 6h, mất khoảng 2h thì lên núi cũng chả xem được bình minh. Vậy là quyết định ngủ nướng và ăn sáng xong mới đi. 8h sáng ra bến xe bus, người xếp hàng đông như kiến vì là thứ 7 cuối tuần. Cố gắng leo lên một xe tải mui trần, ngồi như cá hộp mỗi hàng 6 người, với khoảng 10-12 hàng ghế như vậy, giá vé là 3$/người. Đường lên núi dài khoảng 18km quanh co uốn khúc, ngồi trên xe vừa nắng vừa gió vừa bụi trong khoảng 1 giờ, cảm giác mạnh gần như chơi trò Roller Coaster. Ngồi cạnh một nhóm thanh niên, cứ mỗi khúc cua tay áo, mỗi lần vượt xe là đồng thanh hét to cổ vũ tài xế rất khí thế. Năm nay con đường lên núi được mở rộng và kéo dài đến gần đỉnh, xe chạy một lèo lên đỉnh không cần đi kiệu nữa, đỡ tốn thời gian 1h và đỡ tốn 15$ thuê kiệu. (cũng đồng nghĩa với việc các cửu vạn không còn thu nhập từ kiệu du khách).

Đi qua khách sạn Kyaikhtiyo năm xưa, bọn mình ra ban công khách sạn để chụp ảnh và thưởng ngoạn phong cảnh nhìn sang đỉnh đá thiêng. Khuôn viên khách sạn thật đẹp giữa vườn hoa bên vách núi, có tầm nhìn tuyệt vời sang tảng đá vàng và dãy núi trùng điệp bên kia bờ vực.


Chùa Đá Vàng, hay còn gọi là chùa Kyaikhtiyo là một trong những ngôi chùa cổ nhất và nổi tiếng nhất trong tất cả các ngôi chùa ở Myanmar, là di sản văn hoá thế giới. Nhiều người nói rằng nó được xây dựng trong thời gian Đức Phật còn sống, trên 2.500 năm trước. Nơi đây có một tảng đá thiêng, được bao bọc bởi những lá vàng dát mỏng, nằm cheo leo trên bờ một vách đá, được neo giữ chỉ bởi một sợi tóc của Đức Phật. Ngôi chùa được xây dựng trên tảng đá hình quả trứng to lớn đó trên độ cao 1100 m so với mặt biển.





















No comments:

Post a Comment